Cảm lạnh theo mùa là một trong những bệnh về đường hô hấp phổ biến nhất ở người. Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC), có hàng triệu trường hợp cảm lạnh thông thường mỗi năm chỉ riêng ở Hoa Kỳ.
Tìm hiểu những kiến thức khi bà bầu bị cảm lạnh có thể giúp ích cho việc giữ gìn sức khỏe cho mẹ và bé. Một số yếu tố phụ nữ mang thai nên cân nhắc khi điều trị hoặc phòng ngừa cảm lạnh và những lúc nào mẹ bầu nên tìm sự giúp đỡ của bác sĩ.
Lưu ý khi sử dụng thuốc cho bà bầu bị cảm lạnh
Khi nhắc đến vấn đề cảm lạnh thông thường, người ta sẽ mua một số thuốc không kê đơn để tự điều trị. Tuy nhiên khi mang bầu, có những lưu ý quan trọng khác cần cân nhắc cho cả người mẹ và em bé trong bụng.
Sử dụng thuốc trong thai kỳ là một chủ đề nhạy cảm. Khả năng thuốc ảnh hưởng đến thai nhi có thể khiến phụ nữ mang thai rất lo lắng.
Thuốc giảm đau
Thuốc giảm đau không kê đơn bao gồm acetaminophen (còn gọi là paracetamol) và thuốc chống viêm không steroid (NSAID) như ibuprofen…
Cần lưu ý khi sử dụng thuốc giảm đau để điều trị cảm lạnh cho bà bầu vì nó có thể dẫn đến trặng thái căng thẳng, tăng huyết áp và thậm chí là các triệu chứng trầm cảm nếu không được kiểm soát.
Theo các nghiên cứu được Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) lưu ý, việc sử dụng thuốc giảm đau khi mang thai nên được thực hiện dưới sự hướng dẫn trực tiếp bác sĩ chuyên khoa. Một số nghiên cứu ghi nhận được những rủi ro tiềm ẩn khi sử dụng thuốc giảm đau trong thai kỳ gồm:
- Thuốc giảm đau NSAID kê đơn có thể làm tăng nguy cơ sảy thai trong nửa đầu của thai kỳ.
- Thuốc giảm đau Opioids kê đơn (morphin) có thể làm tăng nguy cơ dị tật bẩm sinh khi dùng trong ba tháng đầu
- Sử dụng Acetaminophen (còn gọi là paracetamon) trong khi mang thai có thể làm tăng nguy cơ gây chứng Rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) ở trẻ em.
FDA lưu ý rằng tất cả các nghiên cứu đều có những mặt hạn chế trong cách thực hiện, vì vậy đây không phải là quy tắc bất di bất dịch.
Ví dụ, một nghiên cứu khác được đăng trên Tạp chí chính thức của Đại học Y Canada lại cho rằng sử dụng acetaminophen (paracetamol) trong khi mang thai là an toàn. Vậy để tốt nhất, bà bầu bị cảm lạnh nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng thuốc giảm đau.
Thuốc ức chế ho
Thuốc ức chế ho (như dextromethorphan) thường được tìm thấy trong các hiệu thuốc tây, đa số thuộc loại thuốc không kê đơn. Những loại thuốc này thường được coi là an toàn cho phụ nữ mang thai với liều lượng chính xác, nhưng việc điều trị không dùng thuốc cho bà bầu bị cảm lạnh vẫn được ưu tiên hàng đầu.
Trước khi sử dụng thuốc giảm ho, phụ nữ mang thai có thể thử sử dụng các viêm ngậm trị viêm họng hoặc thảo dược giảm ho, giảm đau họng.
Thuốc kháng histamine
Theo một đánh giá được đăng trên Tạp chí Dược lý học, không có loại thuốc kháng histamine nào hiện nay được phân loại là an toàn khi sử dụng trong thai kỳ.
Hai thuốc đại diện là Cyproheptadine và Chlorpheniramine (thường thấy là viên màu vàng, nhỏ, trị sổ mũi, gây buồn ngủ). Những thuốc kháng histamine này có liên quan đến các triệu chứng tạm thời ở phụ nữ mang thai nhưng không liên quan đến bất kỳ dị tật bẩm sinh nào khi sử dụng trong thai kỳ.
Điều này không đồng nghĩa là chúng hoàn toàn an toàn cho mẹ tuy chưa có tác động tiêu cực nào được tìm thấy. Do đó, nhiều người đã lựa chọn tránh sử dụng thuốc kháng histamine trong thai kỳ.
Thuốc làm thông mũi
Các nghiên cứu về việc sử dụng thuốc thông mũi trong thai kỳ cho nhiều kết quả khác nhau. Một số nghiên cứu cho thấy sử dụng thuốc thông mũi trong ba tháng đầu của thai kỳ có liên quan đến sự gia tăng nhẹ các vấn đề liên quan đến sinh nở. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu tiếp theo lại không cho kết quả tương tự.
Thuốc thông mũi được xem là tương đối an toàn để sử dụng trong thai kỳ, nhưng chỉ nên sử dụng theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.
Đa số các nghiên cứu trên phụ nữ có thai chỉ dùng thuốc trong thời gian ngắn. Các loại thuốc không kê đơn không nên sử dụng kéo dài hơn cần thiết, việc này giúp ngăn ngừa rủi ro sức khỏe cho cả mẹ và con.
Biện pháp tự nhiên cho bà bầu bị cảm lạnh
Bà bầu bị cảm lạnh nên làm gì? Phần lớn các bác sĩ đều khuyên mẹ hãy áp dụng các biện pháp không dùng thuốc để điều trị triệu chứng cảm lạnh cho bà bầu.
Tăng lượng chất lỏng uống vào lên 8 -10 ly mỗi ngày, điều này có thể giúp thanh lọc cơ thể và khiến bà bầu cảm thấy thoải mái hơn. Nước ép và sinh tố trái cây còn cung cấp chất dinh dưỡng khi bà bầu mất cảm giác thèm ăn.
Nghỉ ngơi lâu hơn trong giai đoạn bị cảm là rất quan trọng để cơ thể có thời gian phục hồi. Nằm ngửa ở tư thế đầu hơi cao cũng có thể giúp cải thiện hơi thở và tình trạng nghẹt mũi. Bà bầu nên sử dụng máy tạo độ ẩm trong phòng để giúp thông nghẹt mũi và thúc đẩy ho hiệu quả.
Phòng ngừa cảm lạnh khi mang thai
Cách tốt nhất, bà bầu nên phòng ngừa cảm lạnh trong suốt thời kỳ mang thai. Các bác sĩ khuyên mẹ bầu nên rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước ấm. Điều này đặc biệt quan trọng sau khi tiếp xúc với người khác hoặc các vật dụng nơi công cộng như giỏ mua hàng và tay nắm cửa.
Duy trì việc vận động cũng là một phần quan trọng trong việc ngăn ngừa cảm lạnh. Các bài tập nhẹ và an toàn khi mang thai như bơi lội và đạp xe trong nhà có thể giúp tăng cường hệ miễn dịch và tăng quá trình trao đổi chất, khiến thai phụ cảm thấy đói bụng hơn.
Ăn uống lành mạnh là một yếu tố quan trọng khác trong phòng chống cảm lạnh. Tập trung vào việc ăn nhiều loại thực phẩm tươi sống giúp cơ thể hấp thu được các chất dinh dưỡng cần thiết.
Bổ sung vitamin khi mang thai bao gồm kẽm và vitamin C có thể hỗ trợ thêm cho hệ thống miễn dịch của mẹ trong việc ngăn ngừa cảm lạnh.
Triệu chứng khi bà bầu bị cảm lạnh
Phụ nữ mang thai thường gặp các triệu chứng giống như cảm lạnh nhưng không phải. Ví dụ việc phụ nữ bị nghẹt mũi khi mang thai là điều rất phổ biến, vì hormon thay đổi trong thai kỳ có ảnh hưởng đến đường mũi.
Điều này còn có thể gây đau đầu do tăng áp lực khiến mẹ bầu cảm thấy như bị cảm lạnh. Tuy nhiên, cần lưu ý khi không có triệu chứng nào khác đi kèm, có khả năng thai phụ không bị cảm lạnh.
Các triệu chứng cảm lạnh thật sự bao gồm: hắt xì, sổ mũi, viêm họng, khàn tiếng, ho khan… Những triệu chứng này thường không gây ra do sự thay đổi nội tiết tố trong thai kỳ. Mẹ bầu đang có tất cả những triệu chứng trên có khả năng đã bị cảm lạnh.
Bà bầu bị cảm lạnh có sao không?
Cảm lạnh khi mang thai cũng giống như cảm lạnh ở người bình thường, nó thực sự không nguy hiểm mặc dù bà bầu phải cân nhắc thêm về vấn đề dùng thuốc ảnh hưởng đến thai nhi.
Điều quan trọng là phải chắc chắn đây là cảm lạnh chứ không phải cúm. Cả hai bệnh đều có triệu chứng tương tự nhau, nhưng cúm có xu hướng nghiêm trọng hơn và thường đi kèm với sốt cao.
Nếu bị sốt, thai phụ nên đi khám bác sĩ để được hướng dẫn giảm sốt đến mức an toàn, càng nhanh càng tốt.
Bà bầu bị cảm lạnh có ảnh hưởng đến em bé?
Bị cảm lạnh khi mang thai thường sẽ không ảnh hưởng đến em bé. Cảm lạnh là những bệnh nhẹ, được xử lý bởi hệ thống miễn dịch tương đối dễ dàng.
Tuy nhiên, nhiệt độ cơ thể và tình trạng nhiễm trùng của người mẹ có thể ảnh hưởng đến em bé. Nếu một phụ nữ mang thai đang bị sốt hoặc có dấu hiệu nhiễm trùng khác, hãy đến bác sĩ ngay lập tức để giảm các triệu chứng này.
Khi nào nên đi khám bác sĩ
Cơ thể đối phó với bệnh cảm lạnh khi mang thai theo cách tương tự như một người bình thường đối phó với cảm lạnh. Các triệu chứng chỉ là tạm thời và hầu hết các trường hợp cảm lạnh sẽ hết trong vòng 2 tuần. Mẹ bầu nên đến gặp bác sĩ ngay khi có các dấu hiệu như:
- Sốt trên 38°C.
- Ho ra chất nhầy màu vàng hoặc xanh
- Các triệu chứng kéo dài hơn 2 tuần không giảm.
Bà bầu bị cảm lạnh nếu biết cách chăm sóc và điều trị tốt sẽ rất nhanh khỏi và có một thai kỳ khỏe mạnh.
Nguồn tham khảo: https://www.medicalnewstoday.com/articles/315815.php