Tại sao nhiễm trùng đường tiểu ở bà bầu lại phổ biến?
Nhiễm trùng đường tiểu ở phụ nữ mang thai khá phổ biến do những thay đổi trong đường tiết niệu.
Theo cấu tạo giải phẫu học, tử cung nằm ngay trên đỉnh bàng quang. Khi tử cung phát triển to ra trong giai đoạn mang thai, trọng lượng tử cung có thể ngăn chặn quá trình thoát nước tiểu ra khỏi bàng quang, gây nhiễm trùng.
Bên cạnh đó, những thay đổi về nội tiết cũng góp phần thúc đẩy hiện tượng ứ nước tiểu và trào ngược nước tiểu từ bàng quang ngược lên thận.
Những thay đổi này cùng với cấu tạo niệu đạo ngắn đặc trưng ở nữ giới (khoảng 3-4 cm) rất dễ khiến vi khuẩn từ bên ngoài ngược dòng lên gây nhiễm trùng đường tiểu.
Dấu hiệu và triệu chứng nhiễm trùng đường tiểu ở bà bầu
Dấu hiệu nhiễm trùng đường tiểu ở bà bầu xuất hiện khi chị em cảm thấy đau hoặc rát khó chịu khi đi tiểu. Nhu cầu đi tiểu thường xuyên hơn bình thường, cảm giác cấp thiết khi đi tiểu, thay đổi lượng nước tiểu (nhiều hơn hoặc ít hơn). Có máu hoặc chất nhầy lẫn trong nước tiểu, mùi hôi bất thường.
Bà bầu còn gặp phải hiện tượng chuột rút hoặc đau ở vùng bụng dưới, cảm giác áp lực ở bàng quang, đau khi giao hợp. Ngoài ra còn có biểu hiện đổ mồ hôi, rò rỉ nước tiểu không kiểm soát được. Khi vi khuẩn ngược dòng lên thận, bà bầu có thể bị đau lưng, ớn lạnh, sốt kèm theo nôn mửa.
Nhiễm trùng đường tiểu ảnh hưởng như thế nào đến thai nhi?
Nhiễm trùng đường tiểu ở bà bầu không được điều trị sẽ dẫn đến nhiễm trùng thận (viêm bể thận…). Nhiễm trùng thận có thể dẫn đến sinh non, thấp cân hoặc thậm chí gây tử vong ở trẻ sơ sinh. Việc điều trị nhiễm trùng đường tiểu ở bà bầu sớm và đúng cách sẽ không gây hại cho em bé của bạn.
Điều trị nhiễm trùng đường tiểu khi mang thai
Tùy theo mức độ, vị trí và tác nhân gây bệnh mà bà bầu có thể được điều trị ngoại trú hoặc nội trú trong bệnh viện. Nhiễm trùng đường tiểu ở bà bầu thường được điều trị bằng thuốc kháng sinh.
Các bác sĩ sẽ kê đơn thuốc kháng sinh trong 3-7 ngày, với những loại thuốc an toàn cho mẹ bầu và em bé. Hãy báo ngay cho bác sĩ nếu bạn bị sốt, ớn lạnh, đau bụng dưới, buồn nôn, co thắt… hoặc sau khi dùng thuốc 3 ngày mà vẫn còn cảm giác nóng rát khi đi tiểu.
Phòng ngừa nhiễm trùng đường tiểu ở bà bầu
Căn bệnh nhiễm trùng đường tiểu ở bà bầu có thể phòng ngừa hiệu quả ngay từ đầu theo một số cách thông thường:
Uống đủ nước, bổ sung dinh dưỡng đầy đủ
Bà bầu nên uống 6-8 ly nước mỗi ngày cùng nước ép trái cây (ưu tiên nước ép không đường) đều đặn.
Trong chế độ dinh dưỡng, nên loại bỏ các loại thực phẩm chế biến sẵn, thức ăn nhanh, caffeine, rượu và hạn chế đường. Bổ sung Vitamin C (250-500 mg), beta-carotene (Vitamin A: 25.000 đến 50.000 IU) và kẽm (30-50 mg) mỗi ngày để phòng chống nguy cơ nhiễm trùng.
Đi vệ sinh đều đặn
Bà bầu nên đi tiểu ngay khi có nhu cầu, không nín nhịn quá lâu, cố gắng tiểu hết và cảm nhận bàng quang hoàn toàn rỗng. Nên đi tiểu trước và sau khi giao hợp trong thai kỳ. Sau khi đi tiểu xong, rửa sạch và lau từ trước ra sau (tuyệt đối không lau ngược lại) bằng giấy hoặc khăn sạch, không chà xát mạnh gây tổn thương.
Thận trọng khi sử dụng xà phòng, dung dịch vệ sinh
Tránh sử dụng xà phòng có tính tẩy rửa mạnh, các dung dịch nước sát trùng, nước rửa vệ sinh phụ nữ mùi quá nồng… vì có thể gây kích ứng và thay đổi độ pH tự nhiên ở vùng kín. Bà bầu chú ý không ngâm mình trong bồn tắm lâu hơn 30 phút hoặc hơn hai lần một ngày.
Thay và giặt sạch quần lót mỗi ngày, tránh mặc quần bó sát, chọn chất liệu đồ lót thoáng mát, hút mồ hôi tốt. Bà bầu nên tránh quan hệ tình dục khi đang điều trị nhiễm trùng đường tiểu.
Sức đề kháng yếu khiến bà bầu rất dễ mắc chứng nhiễm trùng đường tiểu trong thai kỳ. Do đó, chị em phụ nữ phải hết sức lưu ý giữ gìn vệ sinh sạch sẽ. Khi cơ thể xuất hiện các dấu hiệu bất thường nên đến gặp bác sĩ để kịp thời thăm khám.
Dược sĩ Đỗ Mai Thảo
Trung tâm kiểm nghiệm Thuốc - Mỹ phẩm - Thực phẩm Cần Thơ