Hàng năm, cứ đến mùng 3/3 âm lịch người Việt lại tất bật chuẩn bị mâm lễ để cúng Tết Hàn Thực. Không chỉ là nét đẹp văn hóa của người Việt, Tết Hàn thực còn là nét đẹp trong văn hóa ẩm thực Việt Nam.
Ý nghĩa ngày Tết Hàn thực
Trước khi tìm hiểu ý nghĩa của Tết Hàn thực, ta hãy tìm hiểu Tết Hàn thực là gì?
Dịch theo Hán tự tên gọi của Tết Hàn thực thì Hàn nghĩa là lạnh, thực nghĩa là thức ăn. Nói một cách dễ hiểu thì Tết Hàn thực là Tết thức ăn lạnh, hay Tết thức ăn nguội.
Hàng năm cứ đến ngày 3/3 âm lịch mỗi gia đình người Việt lại chuẩn bị bánh trôi, bánh chay dâng lên mâm cúng gia tiên để tỏ lòng thành kính biết ơn đến ông bà tổ tiên. Nếu mùng 3 Tết là ngày cúng cơm hóa vàng mời ông bà tổ tiên về sum vầy cùng con cháu, thì Tết Hàn thực là dịp để con cháu cảm ơn tổ tiên đã luôn bên cạnh phù hộ cho gia đình trong suốt mùa xuân vừa qua.
Tết Hàn thực phải kiêng kỵ điều gì?
Không chỉ ở Việt Nam, Tết Hàn thực còn tồn tại trong văn hóa của nhiều quốc gia Châu Á khác.
Ở Trung Quốc, vào Tết Hàn thực người ta sẽ kiêng không đốt lửa, không nhóm bếp nấu ăn vào ngày này. Với Tết Hàn thực ở Việt Nam, người dân không kiêng kỵ điều gì nhưng ai cũng cố gắng phát nguyện ăn chay, không sát sinh. Việc ăn chay này sẽ kéo dài trong 3 ngày, từ ngày 3/3 đến ngày 5/3 âm lịch.
Mâm cúng Tết Hàn thực có gì?
Bánh trôi, bánh chay là đáp án cho câu hỏi ngày Tết Hàn thực người ta sẽ cúng gì.
Bánh trôi được làm với phần vỏ bánh là bột nếp được nhào và nặn thành từng viên nhỏ bên trong là nhân đường mía hoặc đường đỏ. Những viên bánh này sẽ được thả vào nồi nước sôi, luộc cho đến khi bánh nổi lên mặt nước thì vớt ra. Sau khi xếp vào đĩa, có thể rắc thêm ít vừng rang để tăng thêm tính thẩm mỹ và hương vị cho bánh.
Bánh chay cũng là món ăn không thể thiếu trong Tết Hàn thực. Bánh chay cũng được làm từ bột nếp, nhưng được nặn dẹp rồi mang luộc chứ không có nhân. Khi ăn, chỉ việc rưới thêm ít nước đường lên trên là được.
Có thể nói, bánh trôi và bánh chay chính là hai món ăn bắt buộc phải có trên mâm cúng ngày Tết Hàn thực bên cạnh hương, hoa, trầu cau.
Văn cúng Tết Hàn thực 2017
Ngoài việc chuẩn bị một mâm cúng Tết Hàn thực đúng cách, bạn cũng phải lưu ý việc khấn đúng văn cúng Tết Hàn thực. Ông bà ta quan niệm rằng, nếu chỉ đặt mâm cúng lên bàn thờ mà không khấn đúng văn tế thì tổ tiên sẽ không nhận được “lộc” con cháu gửi.
Sau đây, chúng tôi xin giới thiệu mẫu văn khấn Tết Hàn thực trong Văn khấn cổ truyền Việt Nam để quý độc giả tham khảo:
Con lạy chín phương trời, mười phương Phật, chư Phật mười phương. Con kính lạy Hoàng thiên hậu thổ, chư vị tôn thần. Con kính lạy ngài bản cảnh thành hoàng, ngài bản xứ thổ địa, ngài bản gia táo quân cùng chư vị tôn thần.
Con kính lạy cao tằng tổ khảo, cao tằng tổ tỷ, thúc bá, đệ huynh, cô di, tỷ muội họ nội họ ngoại.
Tín chủ chúng con là…Ngụ tại…
Hôm nay là ngày …. (đọc ngày theo âm lịch) gặp tiết Hàn Thực, tín chủ chúng con cảm nghĩ thâm ân trời đất, chư vị tôn thần, nhớ đức cù lao tiên tổ, thành tâm sắm lễ, quả cau lá trầu, hương hoa trà quả, đốt nén tâm hương, dâng lên trước án. Chúng con kính mời ngài bản cảnh thành hoàng chư vị đại vương, ngài bản xứ thần linh thổ địa, ngài bản gia táo quân, ngũ phương, long mạch, tài thần giáng lâm trước án chứng giám lòng thành thụ hưởng lễ vật.
Chúng con kính mời các cụ tổ khảo, tổ tỷ, chư vị hương linh gia tiên nội ngoại họ… (họ của gia chủ) cúi xin thương xót cho con cháu giáng về chứng giám tâm thành thụ hưởng lễ vật.
Tín chủ con lại kính mời các vị vong linh các vị tiền chủ, hậu chủ ngụ trong nhà này, đất này đồng lâm án tiền, đồng lai âm hưởng, phù hộ cho toàn gia chúng con luôn luôn mạnh khỏe, mọi sự bình an, vạn sự tốt lành, gia đình hòa thuận, trên bảo dưới nghe.
Nam mô A Di Đà Phật (3 lần)".