Theo Lương y Đa khoa Bùi Đắc Sáng (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, Hội Đông y Hà Nội), nhóm người dưới đây tuyệt đối không nên ăn nhãn.
Người bị tiểu đường, gan nhiễm mỡ: Nhãn là trái cây có hàm lượng đường cao, vừa cung cấp nhiều năng lượng vừa cung cấp lượng đường lớn trong máu. Với người sức khỏe bình thường không sao, nhưng người có bệnh tiểu đường, ăn nhãn không có lợi. Nhãn khiến đường huyết tăng cao đột ngột rất nguy hiểm.
Người bị mụn nhọt: Ăn nhiều nhãn cũng là nguyên nhân gây ra mụn nhọt, mẩn ngứa… Bởi vì nhãn chứa nhiều đường, rất ngọt, khi ăn nhiều sẽ làm tăng đường trong máu, ảnh hưởng đến da. Nếu người nóng trong, hay nổi mụn nhọt, khi ăn nhãn thì cần bổ sung đủ nước (2- 2,5 l/ngày) và rau xanh (200-300 g/ngày).
Phụ nữ mang thai: Theo Đông y, nhãn có mùi thơm vị ngọt, tính ôn nhiệt, có chức năng bổ ích tâm tỳ, ích khí, dưỡng huyết an thần. Chúng còn có thể sinh tân dịch, nhuận ngũ tạng, là loại quả ngon, bổ dưỡng tốt. Nhãn tính ngọt thơm, ấm, nên đối với người đờm hỏa bên trong và bị bệnh nóng trong thì không nên ăn, nhất là phụ nữ có thai lại càng phải kiêng.
Phụ nữ có thai, phần lớn xuất hiện âm hỏa hư, có triệu chứng nóng trong và thường có các hiện tượng như táo bón, tiểu tiện sẻn đỏ, rêu lưỡi khô và vàng, miệng đắng, họng rát, cần tư âm thanh nhiệt, lương huyết an thai. Nếu lúc này ăn nhãn, không có tác dụng bồi bổ, ngược lại còn làm tăng nóng trong, động thai, ra huyết đau bụng, đau tức bụng dưới, thậm chí tổn thương thai khí, dẫn tới sảy thai, đặc biệt là phụ nữ có thai thời kỳ đầu đến 7-8 tháng, càng phải kiêng ăn nhãn.
Người bệnh tăng huyết áp: Cũng như xoài hay mít, nhãn cũng là loại quả mà người bị bệnh tăng huyết áp không nên ăn vì có tính nhiệt cao. Ăn vào sẽ gây áp lực cho tim mạch, dẫn đến tăng huyết áp, không tốt cho sức khỏe.
Ăn nhiều nhãn có thể mắc chứng béo phì: Nhiều người thường nghĩ ăn nhiều hoa quả sẽ không bị béo phì. Đây là một quan niệm đúng nếu như biết lựa chọn các loại quả để ăn và tuân thủ các nguyên tắc về thời gian và liều lượng.
Theo các chuyên gia tư vấn dinh dưỡng, những trái cây có vị ngọt thường có hàm lượng đường cao. Khi ăn nhiều, các loại quả này sẽ cung cấp cho cơ thể nguồn năng lượng khá lớn.
Ví dụ: Nếu ăn hai quả chuối tiêu loại 100 g thì năng lượng cũng bằng ăn một bát cơm; ăn một quả na, một quả xoài loại 200-250 g, ăn 300 g mít, hoặc vải, nhãn thì cũng tương đương với một bát cơm.
Vì vậy, nếu nhịn ăn cơm mà ăn nhiều các lọai quả ngọt sẽ vẫn bị tăng cân là hoàn toàn có thể. Muốn không bị béo hoặc muốn giảm cân, nên ăn các loại quả có hàm lượng đường thấp như dưa chuột, củ đậu... Hiệu quả giảm cân sẽ tăng gấp bội nếu ăn trái cây vào buổi sáng, trước các bữa ăn hoặc chia nhỏ bữa ăn với trái cây.
Do nhãn có hạt trơn và không may nuốt cũng như hóc phải dị vật. Nếu dị vật tiêu hóa được, nhu động ruột có thể co bóp đẩy ra ngoài theo phân. Tuy nhiên, trường hợp đường ruột không thải được dị vật và nằm trong đường ruột theo thời gian có thể gây tắc ruột.
Đối với trẻ em, hệ tiêu hóa còn non yếu nếu nuốt phải hạt cũng rất nguy hiểm, ngoài ra có thể còn gây hóc. Vì vậy, khi ăn quả nhãn cũng như một số loại quả có hạt khác như vải, na, măng cụt… phải thận trọng. Với trẻ em, bố mẹ nên lọc thịt quả cho con ăn, không nên để bé tự nhằn hạt.