Đây là công bố của Viện Y tế Quốc gia Mỹ (NIH) sau khi phân tích 580.000 hồ sơ sức khỏe của những người đã được tiêm đủ hai liều vaccine Covid-19.
Nghiên cứu được đăng tải trên tạp chíWorld Psychiatry, do nhóm chuyên gia tại Viện Quốc gia về Lạm dụng Ma túy (NIDA), thuộc NIH, phối hợp Đại học Case Western Reserve (Cleveland, Ohio) thực hiện.
Nghiên cứu thực hiện trên những người được tiêm chủng từ ngày 1/12/2020 đến ngày 14/8/2021, phân tích trên 3 nhóm: F0 bị rối loạn sử dụng (nghiện) chất kích thích, người nghiện chất kích thích, người không mắc Covid-19 trước khi tiêm chủng.
Nghiên cứu xác định tỷ lệ người mắc Covid-19 sau ít nhất 14 ngày tiêm mũi vaccine cuối cùng. Khi đánh giá những người nghiện chất kích thích, các chuyên gia tính toán thêm yếu tố về nhân khẩu học, kinh tế xã hội (bất ổn nhà ở, việc làm), bệnh mạn tính (huyết áp cao, tim mạch, béo phì, tiểu đường).
Từ đây, nghiên cứu phát hiện 7% người bị rối loạn sử dụng chất kích thích mắc Covid-19 dù đã tiêm vaccine. Con số này ở người bình thường là 3,6%. Ngoài ra, nguy cơ mắc Covid-19 sau tiêm cũng khác nhau ở từng nhóm nghiện chất kích thích: thuốc lá (6,8%), cần sa (7,8%).
Khi các bệnh lý mạn tính, đặc điểm kinh tế xã hội bất lợi được kiểm soát, tỷ lệ người bị lây nhiễm đột phá giảm xuống. Song, người nghiện cần sa vẫn có nguy cơ mắc Covid-19 sau tiêm vaccine cao hơn 55% so với nhóm còn lại. Giả thuyết của nhóm là cần sa gây tác động bất lợi lớn nhất với chức năng miễn dịch, phổi, từ đó góp phần tăng nguy cơ mắc Covid-19 sau tiêm vaccine.
Nhóm bị rối loạn sử dụng chất kích thích cũng có nguy cơ trở nặng cao khi mắc Covid-19 sau tiêm vaccine. Trong số này, 22,5% phải nhập viện; 1,7% tử vong. Tỷ lệ tương ứng ở người bị rối loạn sử dụng chất kích thích nhưng không mắc Covid-19 là 1,6% và 0,5%.
NGUYÊN NHÂN?
Vaccine Covid-19 ra đời và dần trở nên phổ biến, giúp ngăn ngừa F0 trở nặng. Tuy nhiên, các thử nghiệm lâm sàng đánh giá hiệu quả của các vaccine Covid-19 không bao gồm người lạm dụng chất kích thích, gây nghiện. Nhiều người trong nhóm này bị suy giảm miễn dịch, mắc các bệnh lý khác đồng thời. Do đó, họ không nằm trong nhóm được nghiên cứu khi thử nghiệm lâm sàng vaccine Covid-19.
Thông thường, khi tiêm đủ hai liều vaccine, cơ thể sẽ tạo ra kháng thể đáp ứng miễn dịch. Song, một số người bị suy giảm miễn dịch, dù đã tiêm vaccine, cơ thể của họ vẫn không tạo ra đủ kháng thể.
Giới chuyên gia vẫn chưa hiểu rõ cơ chế của hiện tượng này. Khả năng đáp ứng kháng thể giảm có thể do hệ miễn dịch kém. Thuốc mà bệnh nhân đang dùng cũng có thể gây ảnh hưởng tác dụng của vaccine.
Theo các chuyên gia, đây là giả thuyết hợp lý nhất giải thích về tình trạng nhiều người bị rối loạn sử dụng chất kích thích mắc Covid-19 sau tiêm chủng.
Những người đã tiêm vaccine Covid-19 mà vẫn mắc bệnh được gọi là hiện tượng nCoV xuyên qua hàng rào miễn dịch (breakthrough infection).
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) cũng khuyến cáo: "Vaccine được phê duyệt có hiệu quả cao, nhưng vẫn có những trường hợp mắc Covid-19 do virus xuyên qua hàng rào miễn dịch, đặc biệt trước khi đạt được miễn dịch cộng đồng đủ để giảm nguy cơ lây nhiễm".
“Tiêm chủng vẫn có hiệu quả cao với người bị rối loạn sử dụng chất gây nghiện. Nguy cơ mắc Covid-19 sau tiêm ở những người này là rất thấp, song, cao hơn nhóm không sử dụng. Do đó, chúng tôi vẫn khuyến khích tất cả người dân đều nên tiêm vaccine. Ngoài ra, người dân, đặc biệt là nhóm bị rối loạn sử dụng chất kích thích, cần tiếp tục sử dụng các biện pháp bảo vệ, phòng ngừa lây nhiễm nCoV”, TS Nora D. Volkow, Giám đốc NIDA, tác giả chính của nghiên cứu cho hay.