Đái tháo đường là một bệnh lý mạn tính, khi không được điều trị kịp thời hay sai phác đồ thường gây ra những biến chứng nguy hiểm cho chính bản thân bệnh nhân.
Cùng với những biến chứng cấp tính như hôn mê toan ceton, hôn mê tăng áp lực thẩm thấu thì biến chứng bàn chân ở bệnh nhân đái tháo đường chiếm tỷ lệ cao.
Tình trạng điều trị bệnh nhân đái tháo đường
Khoa Nội Bệnh viện Đa khoa Y học Cổ truyền Hà Nội đang điều trị cho bệnh nhân N.T.D (60 tuổi, Cầu Giấy, Hà Nội) có tiền sử đái tháo đường 17 năm.
Bệnh nhân đã phải cắt phần chân hoại tử 2 năm trước và vẫn đang dùng phác đồ tiêm Insulin theo đơn.
Khoảng 1 tuần trước vào viện, vết thương mỏm cụt tại vị trí cắt chảy dịch mủ, nứt toác. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng đường máu tăng cao, dao động từ 20 đến 28 mmol/l; HbA1c 11,5%, vết thương mỏm cụt chảy nhiều dịch.
Hay trường hợp của bệnh nhân N.K.X (54 tuổi, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) có tiền sử đái tháo đường nhiều năm.
Tuy nhiên bệnh nhân lại tự ý bỏ thuốc điều trị mấy tháng nay. Ngày 08/03/2019 bệnh nhân thấy bàn chân 2 bên chảy mủ, có vết loét, ở nhà tự mua thuốc điều trị 4 ngày nhưng không đỡ nên đến bệnh viện khám lại.
Tại bệnh viện, bệnh nhân được yêu cầu nhập viện vào khoa Hồi sức chống độc. Sau khi thăm khám và được làm các xét nghiệm cho kết quả: Bạch cầu 20,4 G/l, đường máu 11,7 mmol/l; bàn chân 2 bên có vết loét, chảy dịch nhiều.
Nguyên nhân dẫn tới tổn thương bàn chân ở bệnh nhân đái tháo đường
Có ba nguyên nhân chính dẫn đến bệnh lý bàn chân ở người bệnh đái tháo đường, bao gồm:
Tổn thương thần kinh ngoại biên
Tổn thương này có thể xảy ra ở bất kỳ bệnh nhân đái tháo đường nào do đường huyết trong máu cao hủy hoại lớp áo ngoài của các dây thần kinh.
Những người lớn tuổi, thời gian mắc bệnh lâu có nguy cơ cao hơn. Những người bị đái tháo đường tuýp 1 có thể phát hiện sau 5 năm hoặc ở bệnh nhân đái tháo đường tuýp 2 được phát hiện ngay tại thời điểm mới chẩn đoán.
Biến chứng này hiếm khi gây tử vong nhưng lại là nguyên nhân chính khiến người bệnh phải cắt cụt chi do làm giảm khả năng cảm nhận cảm giác đau đớn, nóng, lạnh, sờ chạm của người bệnh.
Điều này khiến họ không biết bàn chân mình bị tổn thương nên khi giẫm phải đinh hay viên sỏi hoặc bị trầy xước bàn chân mà đi cả ngày không hề biết. Chỉ khi chân sưng to lên hoặc nhiễm trùng nặng hoặc một ngày nào đó, người bệnh chợt phát hiện ra nhưng việc điều trị lúc đó rất khó khăn.
Tổn thương mạch máu
Bệnh nhân đái tháo đường dễ bị xơ vữa động mạch, các mạch máu bị hẹp hoặc tắc sẽ làm lượng máu đến các cơ quan trong cơ thể bị giảm đi gây hạn chế khả năng điều trị khỏi nhiễm khuẩn và chữa lành các vết loét.
Có khoảng 20% số bệnh nhân đái tháo đường bị hẹp hoặc tắc động mạch ở chân.
Tuy nhiên, tổn thương mạch máu có biểu hiện khó nhận biết như thay đổi màu sắc da, lạnh hoặc tê bì hai chân, đau chân lúc nghỉ ngơi...
Nhiễm khuẩn
Đường huyết cao ở bệnh nhân đái tháo đường tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển thuận lợi hơn, gây ra hiện tượng vết thương dễ bị nhiễm khuẩn và lâu lành hơn.
Bên cạnh đó, đường máu cao và tuần hoàn máu kém cũng làm cho các phản ứng bảo vệ chống nhiễm khuẩn ở các bệnh nhân này diễn ra chậm hơn và kém hiệu quả hơn.