Cấp cứu vì tiêm insulin không đúng
Giáo sư Tạ Văn Bình, nguyên Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương, chia sẻ ngày Tết là thời điểm bệnh nhân đái tháo đường đối diện với nhiều nguy cơ biến chứng nhất.
Giáo sư Bình cho biết về một trường hợp bệnh nhi bị đái tháo đường tuýp 1 do ông điều trị từ nhiều năm.
Vào dịp Tết, do vui chơi quá đà, đến tối mẹ bé mới nhớ con chưa tiêm insulin nhưng ngại gọi điện tư vấn cho bác sĩ. Vì lo Tết bé ăn nhiều, đường huyết tăng cao nên mẹ bé đã lấy một mũi insulin tự tiêm cho con tại nhà. Hậu quả là đến nửa đêm thấy con nằm im không dậy, mẹ sờ đến con thì bé đã qua đời vì hạ đường huyết cấp mà không biết
Có trường hợp cũng vì tiêm insulin nhưng không đúng mà tử vong. Giáo sư Bình kể bệnh nhân này bị tiểu đường tuýp 2. Trong ngày vui của gia đình cũng trót quên tiêm insuline. Trước khi đi ngủ, để tránh đường huyết tăng nên vợ đã lấy tiêm cho chồng và kết quả đến sáng thì chồng tử vong.
Không chỉ gặp tai nạn do tiêm insulin mấy ngày Tết, người đái tháo đường còn đối diện với nguy cơ tăng đường huyết, nhiễm toan ceton nặng.
Các bác sĩ ở Bệnh viện Nội tiết Trung ương cho biết hầu như sau Tết bệnh nhân đái tháo đường vào viện tăng cao hơn. Đa số bị các biến chứng của tiểu đường, nguy hiểm nhất là biến chứng hạ đường huyết, tăng đường huyết đột ngột.
Hay như trường hợp của bà Nguyễn Minh H. (58 tuổi, Hà Nội), vào mùng 4 Tết năm Mậu Tuất (19/2/2018), bà đã phải vào viện gấp vì biến chứng đái tháo đường gây rối loạn nhịp tim, khó thở kèm theo cơn huyết áp cao không kiểm soát được.
Theo bà H., mặc dù đã ý thức được bệnh của mình nhưng những ngày Tết luôn là ám ảnh với bà và áp lực với các bác sĩ nội tiết.
Để ngày Tết thực sự hữu ích, Tiến sĩ bác sĩ Nguyễn Trọng Hưng, Phó trưởng khoa dinh dưỡng tiết chế và lâm sàng Bệnh viện Nội tiết Trung ương khuyến cáo ngày Tết bệnh nhân bị đái tháo đường không cần quá kiêng khem. Tuy nhiên, họ luôn phải kiểm soát được đường huyết của mình để phòng tránh các biến chứng.
Tốt nhất, gần Tết người bị đái tháo đường nên đến bệnh viện khám và đo đường huyết, theo dõi các biến chứng và được bác sĩ tư vấn về bệnh. Nếu không có điều kiện thì phải có máy đo đường huyết tại nhà hoặc tới các cơ sở y tế có nhỏ có máy đo đường huyết.
Bác sĩ Hưng cho biết người bị đái tháo đường cần kiêng bánh chưng, các bánh kẹo ngọt, mứt…có thể nhấm nháp chút ít. Trong chế độ ăn cần đảm bảo lượng glucozơ vừa đủ. Ăn các loại thực phẩm có lượng glucose thấp như miến. Tăng cường các thực phẩm giàu chất xơ như bánh mì đen, rau xanh, salad, hoa quả tươi… hạn chế nước ngọt đóng chai, bia rượu.
Đặc biệt, bác sĩ Hưng khuyến cáo người bệnh tiểu đường cần cảnh giác những thứ ăn vui miệng như hạt hướng dương, hạ bí đỏ rang. Nếu ăn nhiều làm tăng tổng số calo hấp thụ khá nhiều (1 lạng hạt trên cung cấp tới 1/4 nhu cầu năng lượng cho cơ thể).
Trong mâm tiệc, bác sĩ khuyến cáo người bệnh đái tháo đường không nên giấu người bên cạnh về bệnh của mình để họ có thể hỗ trợ theo dõi nếu có dấu hiệu sẽ đưa đi cấp cứu ngay.
Có trường hợp bệnh nhân uống rượu sau đó những người xung quanh không biết là do hạ đường huyết mà nghĩ say bình thường không đưa đi cấp cứu đến khi vào viện thì bệnh nhân đã hôn mê sâu.
Những bệnh nhân đái tháo đường lỡ ăn nhiều chất bột đường có thể tiêm thêm insulin nhanh 2-6 đơn vị. Nếu không dùng thuốc tiêm thì nên vận động nhiều hơn để tiêu thụ số calo thừa đưa vào, không tự ý tăng liều thuốc uống nếu không có ý kiến của bác sỹ.
Các loại thuốc uống hạ đường huyết thường khó lường trước khả năng làm giảm đường máu trong khoảng thời gian ngắn.