Đau bụng là một trong những biểu hiện phổ biến trong kỳ kinh nguyệt của chị em phụ nữ. Tuy nhiên không phải lúc nào cơn đau bụng trong kỳ kinh nguyệt cũng là kết quả khi chị em ‘đến tháng’. Một số trường hợp đau nghiêm trọng hoặc vẫn tiếp diễn sau khi kỳ kinh kết thúc có thể là dấu hiệu những bệnh lý khác.
1. Đau quặn bụng nghiêm trọng và máu ra nhiều
Bạn có thể đang có khối u xơ tử cung trong cơ thể. Tình trạng này bắt nguồn từ trong hoặc ngoài thành tử cung. U xơ tử cung không có nguyên nhân rõ ràng nhưng khá phổ biến ở phụ nữ độ tuổi 30-40. Cơn đau thực sự mà bạn cảm thấy có thể được xem như là không gì tả nổi và nó do khối u đang gây cản trở cho tử cung.
Nếu nghi ngờ hãy tìm gặp bác sỹ phụ khoa để thử một số xét nghiệm và cân nhắc phẫu thuật nếu cần thiết. Việc phẫu thuật cũng phụ thuộc vào nhiều yếu tố như vị trí hay kích thước của khối u. Nếu bạn đang có khối u và phải chờ phẫu thuật thì việc ngưng dùng thuốc tránh thai có thể giúp giảm bớt cơn đau cho u xơ khá nhạy cảm với estrogen.
2. Đau bụng dưới liên tục
Đây có thể là dấu hiệu viêm vùng chậu, nhiễm trùng tử cung, buồng trứng hay ống dẫn trứng nghiêm trọng. Một số bệnh lây truyền qua đường tình dục STD như lậu hoặc nhiễm nấm Chlamydia thường gây ra viêm vùng chậu. Cơn đau bụng khi viêm vùng chậu không bình thường, không quá đau nhưng khiến bạn không thoải mái. So với đau bụng kinh thông thường, cơn đau do viêm vùng chậu tồi tệ hơn.
Viêm vùng chậu không phải tình trạng bệnh lý khẩn cấp nhưng bạn vẫn cần phải gặp bác sỹ. Nếu được chẩn đoán, bác sỹ sẽ tìm ra nguyên nhân tình trạng của bạn và kê kháng sinh phù hợp. Viêm nhiễm vùng chậu có thể chữa khỏi nhưng nếu không được điều trị có thể tạo các mô sẹo gây ảnh hưởng đến khả năng sinh sản sau này.
3. Cơn đau sâu ở một bên
Đau bụng một bên có thể báo hiệu chứng xoắn buồng trứng. Tình trạng này xảy ra khi một mô như nang buồng trứng bị xoắn và làm tắc nghẽn mạch máu. Cơn đau khi đó sẽ dữ dội, vô cùng đau đớn và cần được cấp cứu ngay lập tức. Tình trạng này có thể làm mất chức năng buồng trứng.
Các bác sỹ sẽ thực hiện siêu âm và các phương pháp chụp chiếu khác để chẩn đoán xoắn buồng trứng. Và nếu được chẩn đoán, bạn sẽ phải phẫu thuật nội soi khẩn cấp để xử lý vùng xoắn. Trong một số trường hợp buồng trứng có thể không bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhưng nếu có dấu hiệu hoại tử thì buộc phải cắt bỏ hoàn toàn. Nhưng đừng quá lo lắng vì bên buồng trứng còn lại vẫn sẽ tiếp tục chức năng rụng trứng và sản sinh estrogen.
4. Cơn đau quặn không giảm dù uống thuốc giảm đau
Bạn có thể đang mắc lạc nội mạc tử cung, tình trạng mà các mô tử cung di chuyển đến những cơ quan khác như buồng trứng và ống dẫn trứng. Theo thời gian các mô này có thể phát triển thành mô lành. Theo trường Cao đẳng Sản khoa và Phụ khoa Mỹ, có tới 10% phụ nữ bị lạc nội mạc tử cung, dù có thể mất nhiều năm để chẩn đoán vì hầu hết phụ nữ cho rằng cơn đau quặn của họ là bình thường. Cơn đau là dấu hiệu của lạc nội mạc tử cung ảnh hưởng đến các hoạt động hằng ngày và mức độ tùy thuộc vào vị trí nằm trong xương chậu. Lạc nội mạc tử cung cũng có biểu hiện đau đớn khi quan hệ.
Hãy gặp bác sỹ và mô tả những triệu chứng. Sau khi chẩn đoán hình ảnh, bạn có thể chọn phương pháp giảm đau bằng cách uống thuốc tránh thai hoặc sử dụng các loại hormone. Nhưng tốt nhất là phẫu thuật loại bỏ càng nhiều mô bị lạc vị trí càng tốt.
5. Đau quặn sau khi đặt vòng tránh thai
Có thể vòng tránh thai đã hoạt động không hiệu quả. Sau khi bác sỹ đặt vòng tránh thai vào tử cung, thông thường cơ thể sẽ tự điều chỉnh và những cơn đau quặn là bình thường. Tuy nhiên nếu cơn đau của bạn liên tục hoặc diễn ra sau một thời gian cơ thể đã thích ứng với vòng tránh thai thì bạn cần siêu âm để kiểm tra lại vị trí của nó. Sau khi điều chỉnh những cơn đau sẽ giảm.
(Nguồn: Womenhealthmag)