Cấp cứu vì sử dụng bột nghệ
Mới đây, Bệnh viện đa khoa Phú Thọ (Phú Thọ) đã tiếp nhận bệnh nhân đau bụng dữ dội kèm theo tức ở thượng vị. Sau khi nội soi dạ dày bệnh nhân, bác sĩ phát hiện một khối bã thức ăn là bột nghệ keo lại với chất xơ rau quả trong bữa ăn.
Theo lời kể của bệnh nhân, cách đây không lâu, bà đi khám bác sĩ cho biết bà bị đau dạ dày nên về nhà đã uống thuốc và kèm theo ăn bột nghệ nấu canh để chữa đau dạ dày. Bệnh đau dạ dày chưa khỏi mà bệnh nhân còn bị loét dạ dày rộng thêm do khối bã thức ăn tác động vào niêm mạc dạ dày.
TS Vũ Hải, Bệnh viện K Trung ương (Hà Nội) cho biết ông từng tiếp nhận bệnh nhân bị viêm loét dạ dày nhưng về nhà uống nghệ mật ong đều đặn mỗi sáng và không đi kiểm tra lại. Hai năm sau, tình trạng đau bụng thượng vị xuất hiện, bệnh nhân thấy chán ăn, mệt mỏi nên đi kiểm tra.
Bác sĩ phát hiện ung thư dạ dày ở phần bờ cong nhỏ nên chỉ định cắt 4/5 dạ dày . Lúc này bệnh nhân tâm sự mình đã sử dụng bột nghệ để uống trị viêm dạ dày và bỏ hết thuốc bác sĩ kê trước đây cũng như không đi kiểm tra bệnh lại theo khuyến cáo của bác sĩ.
Tại trung tâm nội soi của Bệnh viện Đại Học Y, bác sĩ đã từng cấp cứu cho bệnh nhân 71 tuổi, trú tại Hà Nội bị ung thư dạ dày đã cắt 2/3 dạ dày. Sau đó, bệnh nhân được người nhà mua nghệ về cho dùng với hi vọng tiêu diệt tế bào ung thư, giúp giảm đau dạ dày.
Khi cấp cứu, bệnh nhân đau bụng dữ dội. Bác sĩ nội soi phát hiện miệng vết khâu dạ dày khi cắt bị hở còn dạ dày đọng khối u bã thức ăn to như quả trứng vịt.
Nguyên nhân do bệnh nhân phẫu thuật cắt dạ dày vẫn uống nghệ dẫn đến nghệ keo lại và trộn với thức ăn thành u bã thức ăn trong dạ dày và gây viêm lại dạ dày, kể cả miệng nối vết khâu dạ dày đã mổ trước đó.
TS Vũ Hải cho biết uống nghệ, tinh nghệ trị đau dạ dày đã được dân gian truyền miệng lại từ lâu. Tuy nhiên, TS Hải cho rằng nó chỉ sử dụng được một phần hỗ trợ còn khi đã bị viêm dạ dày đặc biệt có vi khuẩn HP(Helicobacter Pylori) thì bệnh nhân cần được điều trị triệt để, tiêu diệt vi khuẩn HP cũng như vết loét dạ dày bằng thuốc chứ không thể điều trị đơn thuần bằng nghệ.
Ngoài ra, bệnh nhân viêm dạ dày kèm theo trào ngược thực quản càng không thể dùng tinh bột nghệ hay các chế phẩm từ nghệ là khỏi. Thay vào đó, cần điều trị theo tư vấn của các bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa.
Viêm dạ dày chủ yếu do HP
Theo bác sĩ Hải thống kê tại Hà Nội, cứ 1.000 người viêm dạ dày có tới 700 trường hợp nhiễm vi khuẩn HP. Còn tại TP.HCM có tới 90% người bị viêm dạ dày có xuất hiện loại vi khuẩn này.
Chính vì thế, khi bị viêm dạ dày cần làm xét nghiệm kiểm tra có dương tính với vi khuẩn HP hay không và điều trị triệt để bằng thuốc chứ không phải bài thuốc nào khác.
Để phát hiện vi khuẩn HP gây bệnh viêm dạ dày, viêm loét dạ dày, có rất nhiều phương pháp, nhưng cách thường dùng trong lâm sàng là: Urease test, test hơi thở, xét nghiệm máu, xét nghiệm phân.
Nếu viêm loét dạ dày kèm theo vi khuẩn HP thì bệnh nhân sẽ phải sử dụng thuốc theo phác đồ. Trong đó, có hai loại kháng sinh và một loại ức chế tiết acid nhóm PPI. Bác sĩ Hải khuyến cáo người dân không nên bỏ thuốc và điều trị theo bài thuốc Đông y nào cũng như sử dụng nghệ, tinh bột nghệ để thay thế thuốc kháng sinh.
Khi điều trị viêm dạ dày, bệnh nhân cũng cần thay đổi thói quen không có lợi cho dạ dày như thực hiện việc ăn uống điều độ, không quá no, không quá đói, không nên ăn đồ mặn, không thức khuya, giảm stress, tập luyện thể dục đều đặn.
Đây là cách làm tốt nhất cho bệnh viêm dạ dày thay vì vin vào nghệ hay bất kỳ bài thuốc Đông y nào.