Vào những ngày lễ Tết, thắp nhang trên bàn thờ tổ tiên, tại đền, chùa là một nghi lễ truyền thống của người Việt. Tuy nhiên, các nhà khoa học Trung Quốc, Mỹ, Anh, Singapore đã kiểm nghiệm cho thấy khói nhang có nhiều tác hại đối với sức khỏe con người, theo NHS.
Tiến sĩ Rong Zhou thuộc Đại học Công nghệ Hoa Nam, Trung Quốc, cho biết khi đốt cháy, nhang giải phóng các hạt hóa chất vào không khí. Nếu hít vào, những hạt này sẽ mắc lại ở phổi gây viêm nhiễm. Những người có vấn đề về tim mạch có thể trở nên trầm trọng hơn khi tiếp xúc liên tục.
Hiện nay, nhiều vật liệu hóa chất được thêm vào nhang để tăng hương thơm, khả năng đốt cháy như axit photphoric, benzen... Các chất này có thể gây kích ứng mắt, mũi, chóng mặt, buồn nôn. Nếu tiếp xúc lâu, hệ thần kinh, gan, thận cũng bị ảnh hưởng. Chúng có thể tấn công các vật chất di truyền, biến đổi tế bào, đột biến gene gây ung thư.
Theo tiến sĩ Rong, mọi người khi thắp nhang nên hạn chế đốt nhiều và liên tục trong không gian kín. Không thắp gần giường ngủ, nên mở cửa để khói nhang không tụ lại một chỗ.
Người già, trẻ em, người bệnh về đường hô hấp tránh đến những nơi như đền, chùa, hạn chế tiếp xúc với khói nhang. Khi có dấu hiệu khó thở, chóng mặt, buồn nôn do tiếp xúc với khói cần ra khỏi khu vực đó và nghỉ ngơi ở nơi thoáng khí.
Bên cạnh đó, người dùng lưu ý chọn loại nhang an toàn, không ngâm tẩm nhiều hóa chất và hương liệu nhân tạo. Cắm nhang xa vị trí mâm cỗ, không cắm lên đồ ăn vì tàn hương có thể lẫn vào gây ngộ độc.