Nghiên cứu mới từ Đại học Tohoku Rosai (Nhật Bản) cho thấy giờ tiểu tiện của một người có thể cho biết họ có nguy cơ bị cao huyết áp hay không.
Qua phân tích dữ liệu từ 3.749 người dựa trên xét nghiệm máu, hồ sơ y tế và bảng câu hỏi, họ thống kê được rằng nhóm người phải thức dậy để tiểu tiện giữa đêm có nguy cơ phát triển bệnh cao huyết áp tăng đến 40% so với những người ngủ thẳng giấc.
Theo tiến sĩ Shatoshi Konno, tác giả chính của nghiên cứu, nguy cơ trên là như nhau ở cả nam và nữ. Ông đề xuất nên xem tiểu đêm là một trong các dấu hiệu ban đầu để nghi ngờ bệnh cao huyết áp và khuyên rằng nếu bạn thường xuyên tiểu đêm và trước đây chưa quan tâm mấy đến chỉ số huyết áp, hãy bắt đầu đo huyết áp bây giờ.
Các phát hiện vừa được công bố tại hội nghị của Hiệp hội Tuần hoàn Nhật Bản, một phần trong chương trình hoạt động toàn cầu của Hiệp hội Tim mạch châu Âu.
Bình luận về nghiên cứu, giáo sư – tiến sĩ Robert Carey, đến từ Đại học Virginia, nguyên Phó Chủ tịch Hiệp hội Tim mạch Mỹ, nói trên tờ Newsweekrằng mối tương quan giữa tiểu đêm – cao huyết áp xuất phát từ chế độ ăn rất nhiều muối của người Nhật.
Thống kê cho thấy họ ăn trung bình tới 10 g muối/ngày so với mức trung bình của thế giới là 4 g. Trong các khuyến cáo y khoa, lượng muối an toàn cho sức khỏe mà Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo chỉ 5 g/ngày.
Một nghiên cứu cũng của Nhật Bản, từng công bố trên tạp chí khoa học Japanese Circulation Society từng chứng minh rằng ăn muối nhiều liên quan đến tình trạng tiểu đêm; trong khi rất nhiều nghiên cứu khác cho thấy ăn muối nhiều là một trong những nguyên nhân lớn dẫn tới cao huyết áp.
Việt Nam cũng là quốc gia mà người dân có thói quen ăn muối nhiều. Kết quả điều tra quốc gia về yếu tố nguy cơ bệnh không lây nhiễm năm 2015 cho thấy hơn 90% người Việt Nam ăn trung bình 10 g muối/ngày.