Bệnh tiểu đường loại 2 (còn gọi là đái tháo đường) là một bệnh mạn tính, đây là một loại bệnh khá phổ biến hiện nay. Người bệnh tiểu đường loại 2 có thể kiểm soát các triệu chứng bằng cách kiểm soát lượng đường trong máu.
Một trong những cách giúp kiểm soát lượng đường trong máu là có chế độ ăn uống phù hợp.
Theo BS.CKI Đoàn Minh Yên Hà, đối với những người mắc bệnh tiểu đường loại 2, nên ăn ba bữa chính trong ngày là sáng, trưa chiều, hạn chế ăn lặt vặt hoặc các bữa phụ. Đặc biệt nên ăn đúng giờ ở mỗi bữa ăn chính và ăn vừa đủ với nhu cầu của cơ thể.
Ngoài ra, người mắc tiểu đường loại 2 cần hạn chế nhóm thực phẩm có chất đường bột như: cơm, bánh mì, bánh kẹo, nước ngọt... Tuy nhiên đây là nhóm thực phẩm cung cấp năng lượng chính cho cơ thể nên chúng ta chỉ hạn chế ăn chứ không thể cắt bỏ hoàn toàn khỏi khẩu phần ăn.
Cạnh đó, cần tăng cường ăn các thực phẩm giàu chất xơ, chất béo tốt, hạn chế muối và các thực phẩm có chất béo xấu.
Chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân mắc tiểu đường loại 2 cần đảm bảo các nguyên tắc: Đủ chất đạm, béo, đường bột, vitamin, muối khoáng với khối lượng hợp lý.
Có ba nhóm thực phẩm chính cung cấp năng lượng cho cơ thể là nhóm chất đường bột (glucid), lipid và protein.
Nhóm chất đường bột (glucid)
Nhóm chất này chiếm khoảng 50-60% tổng năng lượng hằng ngày. Trung bình trong một bữa ăn chính, người bệnh có thể ăn 1-1,5 chén cơm lưng. Ngoài ra cũng có thể thay cơm bằng các thực phẩm có lượng bột đường tương đương, ưu tiên các thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp.
Nhóm chất đạm (protein)
Nhóm chất này chiếm khoảng 15-20% tổng năng lượng hàng ngày hoặc 1g/kg/ngày. Trung bình một người 50 kg, hoạt động nhẹ cần 50-60g đạm /ngày. Cụ thể một người 50 kg, cần khoảng 60g đạm/ngày chia làm 3 bữa.
Nhóm chất béo (lipid)
Nhóm chất này chiếm khoảng 15-20% tổng năng lượng hàng ngày hoặc 1g/kg/ngày. Người mắc bệnh nên ăn các loại chất béo chưa bão hòa như omega 9 (có trong dầu oliu, các loại hạt), omega 3 (có nhiều trong các cá béo, dầu cải...). Cần hạn chế các chất béo xấu có trong bơ, mỡ động vật, dầu cọ, dầu dừa…
Ngoài ba nhóm thực phẩm chính, người mắc bệnh tiểu đường nên bổ sung thêm chất xơ. Theo đó, người bệnh cần bổ sung 20-25g chất xơ/ngày, tương đương khoảng 300g rau xanh/ngày, trái cây 200g/ngày.
Theo Viện dinh dưỡng quốc gia (Bộ Y tế), để kiểm soát và phòng tránh bệnh tiểu đường ngoài chế độ ăn uống hợp lý, chúng ta cũng cần có nếp sống năng động, tránh tình trạng lười vận động. Thực hiện lối sống lành mạnh, hoạt động thể lực thường xuyên và hợp lý. Giữ cân nặng ở mức tiêu chuẩn, không để tăng cân quá ngưỡng.
Chỉ số đường huyết (GI) của thực phẩm
Theo Viện dinh dưỡng quốc gia, các loại thức ăn mặc dù có lượng carbohydrat bằng nhau nhưng sau khi ăn sẽ tăng đường huyết với mức độ khác nhau. Khả năng làm tăng đường huyết sau khi ăn được gọi là chỉ số đường huyết của loại thức ăn đó. Chỉ số đường huyết được coi là một chỉ tiêu để lựa chọn thực phẩm.
Chỉ số đường huyết (GI) đo diện tích dưới đường cong glucose máu sau ăn 50g carbonhydrat của một thực phẩm so với 50g carbonhydrat thực phẩm chuẩn (glucose). GI của glucose = 100.
Các thực phẩm với chỉ số đường huyết thấp làm tăng đường máu từ từ và thấp sau khi ăn. Các thực phẩm với chỉ số đường huyết cao làm đường máu tăng nhanh và cao sau khi ăn.
Chỉ số đường huyết không thể tính trước được, có nhiều yếu tố ảnh hưởng bao gồm số lượng carbonhydrat, loại đường (glucose, fructose, sucrose, lactose), tính chất tự nhiên của tinh bột (tỷ số giữa amilo và amylopectin), quá trình nấu và chế biến.
Bên cạnh đó, các yếu tố khác cũng có thể ảnh hưởng đến đáp ứng glucose máu sau ăn như glucose máu lúc đói, glucose máu trước bữa ăn, phân bố các chất dinh dưỡng đa lượng của bữa ăn, sự kháng insulin...