Tuy giấc ngủ rất quan trọng đối với sức khỏe của con người, nhưng có một số điều chúng ta cần chú ý khi ngủ, nếu không sẽ có tác động tiêu cực đến cơ thể. Nếu bạn có 3 thói quen ngủ như thế này sẽ khiến “mạng mỏng hơn giấy”, đáng tiếc một số người vẫn mắc cả ba.
1. Ngủ trưa ngay sau bữa ăn
Ngủ trưa là một thói quen lành mạnh, có thể điều chỉnh trạng thái thể lực, khiến cơ thể tràn đầy năng lượng vào buổi chiều, giúp làm việc hiệu quả. Tuy nhiên thời gian nghỉ buổi trưa tương đối ngắn, nên thông thường mọi người đều tận dụng thời gian, ngủ ngay sau bữa ăn. Thói quen này rất nguy hiểm.
Như chúng ta đã biết, sau khi ăn, đường ruột bắt đầu tiêu hóa và hấp thụ thức ăn, lúc này máu từ toàn bộ cơ thể dồn xuống dạ dày để tiêu hóa. Tuy nhiên, nếu bạn ngủ ngay sau ăn sẽ khiến máu cung cấp ngược lên não, nên việc tiêu hóa thức ăn cũng gặp khó khăn, gây ra nhiều hệ lụy như khó tiêu, ợ nóng, mất ngủ, hại dạ dày..
Không chỉ thế, trường Đại học Hy Lạp còn đưa ra kết quả nghiên cứu cho thấy, việc ngủ ngay sau khi ăn có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ. Các chuyên gia cho rằng do chứng trào ngược axit có liên quan đến hiện tượng ngưng thở khi ngủ nên dễ gây ra đột quỵ.
Hơn nữa, đi ngủ ngay sau bữa ăn thì hệ tiêu hóa phải làm việc cật lực hơn nên làm ảnh hưởng đến huyết áp, lượng cholesterol và lượng đường trong máu khiến bạn có nguy cơ bị đột quỵ cao hơn. Vì vậy, bạn nên ngủ sau khi ăn 1 tiếng để duy trì sức khỏe.
2. Giấc ngủ đảo ngược
Giấc ngủ đảo ngược là gì? Tức là thức đêm ngủ ngày, điều này ngược với đồng hồ sinh học ở trạng thái bình thường, ngủ kiểu này thời gian dài cũng dễ gây tổn thương cho sức khỏe.
Năm 2007, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã phân loại thức khuya (nhất là những người làm việc theo ca đêm) là chất gây ung thư 2A. Tình trạng thức khuya lặp đi lặp lại có thể làm đảo ngược đồng hồ sinh học của cơ thể và gây mất cân bằng bài tiết hormone, từ đó gây ra các rối loạn thần kinh, chẳng hạn như giảm khả năng tập trung. Đồng thời, nó còn có thể gây rối loạn hệ thống nội tiết, gây mụn trên da, làm giảm sức đề kháng, tăng khả năng nhiễm khuẩn và mắc bệnh, thậm chí gây tiết insulin bất thường và dễ mắc bệnh tiểu đường.
Vì vậy, mọi người nên cố gắng tránh "đảo ngược giấc ngủ". Nếu thực sự không thể thay đổi, hãy giảm tác hại của việc này bằng cách sau khi hết giờ làm việc, hãy cố gắng duy trì trạng thái cuộc sống trước đó của bạn, chẳng hạn như ăn sáng đầy đủ, không vội vàng ngủ, làm việc nhà, thư giãn hoặc đi dạo, có thể nghỉ trưa, và đi ngủ sớm hơn một giờ vào ban đêm.
3. Ngủ nướng
Bình thường chúng ta ngủ từ 11 giờ đêm đến 6 giờ sáng ngày hôm sau là đủ 7 tiếng của giấc ngủ. Dù thỉnh thoảng thức dậy muộn nhưng cũng không được ngủ quá 8 giờ sáng. Nếu bạn ngủ quá lâu sẽ vượt qua mức bình thường, tức là bạn đang ngủ nướng.
Bác sĩ Kinh Bính, trưởng Khoa Thần kinh của Bệnh viện Trung ương Vũ Hán (Trung Quốc) cho biết vào cuối tuần và ngày lễ, chúng ta thường ngủ nhiều hơn, những thay đổi đột ngột trong công việc và nghỉ ngơi có thể gây rối loạn đồng hồ sinh học của cơ thể, hormone mất cân bằng, gây đau đầu, thiếu năng lượng và tâm trạng kém sau khi ngủ dậy.
Ngoài ra, việc ngủ nướng dễ ảnh hưởng đến thời gian ăn uống, lâu dài gây ảnh hưởng không tốt đến chức năng tiêu hóa, dễ gây ra các bệnh như viêm dạ dày, khó tiêu.
Vì vậy, mọi người hãy cố gắng duy trì chế độ làm việc và nghỉ ngơi đều đặn, đi ngủ sớm và dậy sớm, nếu quá mệt cũng cố gắng ngủ không quá 8 giờ sáng, sau đó có thể chọn ngủ 10 - 30 phút vào buổi trưa để "sạc pin" cho cơ thể.
Cách để có một giấc ngủ tốt
Thời gian ngủ tùy thuộc từng lứa tuổi, người trưởng thành (độ tuổi 18-60) cần ngủ 8 giờ/ngày. Giấc ngủ được chia làm 2 giai đoạn là ngủ lơ mơ và ngủ sâu. Thời gian của giai đoạn ngủ sâu càng kéo dài thì chất lượng giấc ngủ càng tốt.
Nên ăn nhiều rau xanh, hoa quả có nhiều vitamin, khoáng chất, uống sữa nóng trước khi ngủ và hạn chế các chất kích thích như bia rượu, cà phê.
Duy trì tập thể dục mỗi ngày 10 - 15 phút, không nên tập luyện trong vòng 2 giờ trước khi ngủ.
Bố trí phòng ngủ yên tĩnh, ánh sáng vừa phải và tạo thói quen đi ngủ, thức dậy vào một giờ cố định.
Không nên sử dụng điện thoại di động trong vòng 1 giờ trước khi ngủ, không nên xem các chương trình truyền hình hoặc bộ phim gây cảm giác sợ hãi.
Không nên ngủ trưa quá lâu, chỉ nên ngủ 15 - 20 phút để tránh mất ngủ vào ban đêm.