Chốn nương tựa của 200 phụ nữ mang bầu
Tiếng chuông cửa reo vang, một đứa trẻ nhanh chân chạy ra mở: “Cô vào nhà đợi ba con xíu”. Một người phụ nữ trẻ mang chiếc bụng bầu vượt mặt nặng nề nhích từng bước vào trong nhà. Tụi trẻ con vẫn chăm chỉ học bài trước sự xuất hiện của người lạ, hình ảnh này có lẽ đã quá quen thuộc với chúng.
“Con có mang giấy tờ tùy thân đến không? Con ở đây cần phải đăng ký tạm trú, trên 6 tháng thì đứa trẻ sinh ra sẽ được làm giấy khai sinh”, đưa cốc nước mời người phụ nữ, ông Phúc hỏi.
“Dạ có chú, chứng minh thư, giấy khai sinh con có đủ cả”, người phụ nữ rón rén nhận cốc nước, đưa tay quệt vội giọt mồ hôi lăn trên trán, trả lời.
“Như chú đã nói chuyện với con qua điện thoại, nếu con cần chỗ ở đến ngày sinh nở và những ngày cữ, chú luôn sẵn sàng. Nhưng con cần đảm bảo cho chú là cha đứa bé sẽ không đến quấy rối, phá phách thời gian đó, các em còn phải học”.
Người phụ nữ trẻ cúi đầu, mân mê chiếc mũ bảo hiểm trong lòng, một lúc sau mới thỏ thẻ: “Vậy chú cho con suy nghĩ ít ngày nha, có gì con sẽ điện cho chú ạ”.
“Ừ lẹ lên không đứa bé sắp chào đời rồi”.
Tiễn người phụ nữ lên xe, ông Phúc quay lại chép miệng: “Rõ khổ, đẻ đến nơi rồi mà chưa có chốn nương thân. Không phải chú khó gì cho nó mà nhiều người đến đây ở rồi gia đình đến phá phách phiền hà lắm”.
Những cô gái đến nương náu ở Trung tâm Phước Phúc đều giấu thân phận. Mỗi cá nhân một hoàn cảnh, người thì lầm lỡ, kẻ bị gia đình chối bỏ, có trường hợp bị chồng đánh đập phải tha phương... Những gì họ mong muốn chỉ là một chỗ ở an toàn đến khi con mình ra đời.
Chị Nguyễn Thị Liên (Bình Định) biết tin mình mang bầu được 2 tháng, chị háo hức khoe với bạn trai nhưng nhận lại là lời đề nghị phá bỏ. Quá xót xa, một thân một mình chị rời bỏ quê hương để đến tá túc nhà ông Phúc qua việc tìm kiếm trên mạng. Chị nói với gia đình lên Sài Gòn làm việc. 6 tháng nay, chị chưa một lần về nhà.
Sau hơn 3 tháng lang bạt khắp chốn, được một người bạn mách nước, chị Hoàng Mai Thu (Cà Mau) dắt đứa con 5 tuổi cùng bụng bầu 8 tháng đến gõ cửa nhà ông Phúc. Khuôn mặt lem nhem vài vết xước, đôi bàn tay sứt sẹo là kết quả của những lần chị bị chồng bạo hành.
Tất bật thay tã cho đứa con vừa đầy tháng tuổi, Trần Thu Hương lại quay ra pha sữa. Chị bị tắc tia sữa nên đứa trẻ phải ăn thêm sữa ngoài. Ôm ấp đứa con trong tay, người phụ nữ quê Gia Lai vẫn không khỏi nhói lòng khi nhớ về cái ngày bụng mang dạ chửa bị gia đình chồng đuổi ra khỏi nhà vì nghĩ chị lăng loàn với người đàn ông khác.
Ngồi chơi với con lặng lẽ ở góc nhà, Nguyễn Thị Ngọc từ chối khi được hỏi về hoàn cảnh của mình. Chị cũng ít ra đường vào ban ngày vì sợ tiếng xì xào của những người xung quanh, chỉ đến khi trời tối mới bế con ra ngoài.
Đó là 4 phụ nữ đang tá túc tại Trung tâm xã hội ngoài công lập Phước Phúc. Có thời điểm trung tâm đón nhận 11 người đang mang bầu. Sau 17 năm làm việc thiện, ông đã giúp đỡ được 200 cô gái lầm lỡ.
Ông Phúc thuê một căn nhà gần trung tâm để họ ở chung và tiện sinh hoạt, tránh điều tiếng. Mỗi người một hoàn cảnh khác nhau, mỗi người một quê quán khác nhau nhưng cùng chung cảnh không nơi nương tựa vào thời điểm lẽ ra người phụ nữ phải được quan tâm, chăm sóc nhiều nhất.
“Bầu chăm bầu thôi em, bây giờ chú Phúc cũng có tuổi rồi nên cái gì mấy chị em làm được giúp nhau thì làm”, chị Liên nói rồi ì ạch vác bụng bầu sang nơi ở của những đứa trẻ đủ mọi lứa tuổi để dạy học.
20 đứa trẻ cùng gọi một người là "ba"
Căn nhà 3 tầng khang trang, sạch sẽ là chỗ ở của 20 em nhỏ. Đó là những đứa trẻ sinh ra không biết mặt cha mẹ. Có đứa ông Phúc phải rất vất vả tìm mọi cách để giành lấy sự sống khi người phụ nữ lầm lỡ quyết định phá bỏ cái thai. Có đứa mới sinh còn đỏ hỏn được đặt trước cửa nhà ông trong một ngày mưa xối xả, có đứa được sinh ra khi người mẹ mới chỉ 14 tuổi… Tất cả những đứa trẻ ấy đều gọi ông Phúc là "ba", một người cha đã “nặn” ra cuộc đời thứ 2 cho chúng.
“Tôi đặt tên con gái là Tâm vì tất cả những gì tôi làm trong 15 năm qua là bằng cái tâm của mình, chỉ mong cứu sống được nhiều đứa trẻ càng tốt, không có tính toán thiệt hơn. Con trai tôi đặt tên là Vinh, Phúc đi liền với Vinh, mong sau này có đứa vẫn tiếp tục công việc của mình… Tất cả chúng nó đều họ Tống hết. Còn tên đệm thì lấy địa chỉ quê quán của mẹ nó. Tôi sợ sau này già yếu, mắt mờ chân chậm không còn đọc được chữ nữa, nhỡ có ai đến nhận con chỉ cần nói ở Gia Lai hay Đắk Nông là tôi biết ngay là mẹ của Gia Tâm hay Đak Vinh”.
Nói đoạn ông quay vào thúc mấy đứa trẻ học bài, gần ngày thi nên đứa nào cũng gấp rút ôn luyện. Hai người con của ông cũng ngày ngày sang kèm cặp các em. Bên ngoài, tiếng loa đài ầm ĩ của hàng xóm vọng sang.
Ông Phúc kể, dù mình làm công việc này được 15 năm, được nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết gửi thư động viên. Các đoàn từ thiện đến thăm hỏi nhưng vẫn có nhiều người xung quanh cảm thấy khó chịu trước việc làm của ông. Họ xì xào bàn tán mỗi lần những phụ nữ mang bầu đi ngang qua, thậm chí bật nhạc ầm ĩ cả tối trong khi lũ trẻ đang học bài.
Ông thuê thêm 2 người để đảm bảo việc chăm sóc các con, đặc biệt là con gái. Ngoài học tập ra mấy đứa trẻ cũng phụ giúp nấu cơm, quét dọn nhà cửa.
Hiện ông nuôi dạy 20 đứa trẻ. Đứa lớn nhất sinh năm 2005. Bọn trẻ được phân chia ở các phòng có giường tầng. Một vài trong số các em được nhận nuôi và có ý định đón về chăm sóc. Ông Phúc bảo: "Tôi không ép, không cấm con đến với nơi mới, thực tình tôi luôn mong các con có một gia đình đầy đủ và được đối xử tốt".
Bức ảnh ba mẹ và anh trai nuôi được Thủy Tâm giữ cẩn thận, tự hào giới thiệu cho bất cứ ai đến thăm trung tâm.
“Nếu được ba mẹ nuôi đón qua Mỹ con có qua không?”
“Có chứ cô ơi, con vẫn mong có mẹ lắm. Nhưng con thích ở với ba Phúc và các anh chị hơn".
Con bé mân mê bức ảnh trong tay, đôi mắt sáng rực khi nghĩ một ngày được cất tiếng gọi “mẹ ơi”.
'Tôi chỉ là người ở đợ'
Ông Phúc chẳng ngần ngại khi bộc bạch: “Mọi thứ ở nhà bà nó quán xuyến hết, tôi chỉ tạt về ngủ buổi tối thôi, nhiều lúc thấy mình như đi ở đợ ấy.” Nói rồi ông cười xòa: “Không có bà ấy thì tôi cũng chẳng làm được cái gì”.
Ngắm nhìn “cơ ngơi” là 20 đứa trẻ, ông Phúc bồi hồi nhớ lại. Năm 2001, trong một lần vào bệnh viện, tình cờ gặp thai nhi bị bỏ rơi bên gốc cây đa, xung quanh nhang khói nghi ngút nên ông mang về chôn cất. Với ông, mấy đứa nhỏ không có tội tình gì hết, dù mới chỉ một ngày tuổi hay một tháng tuổi thì đó cũng là một con người. May mắn, ông được vợ ủng hộ. Vợ chồng ông chắt chiu mua được mảnh đất trên núi Hòn Thơm làm chỗ chôn cất cho các con.
“Năm ấy, một cô bé sinh viên đến gặp tôi nói có một đứa trẻ mới bị bỏ lại chú có chôn cất không. Tôi bảo con yên tâm chú sẽ lo mồ yên mả đẹp. Nghe thấy tôi nói vậy mắt cô bé ầng ậng nước, có vẻ nó hối hận vì đã phá bỏ. Tôi liền bảo bây giờ con gặp chị em rơi vào hoàn cảnh như con thì khuyên không được phá mang về đây chú nuôi hết”.
Từ ngày đó, ông không chỉ chôn cất các hài nhi mà tìm cách cứu các em bé khi vẫn còn trong bụng mẹ, giúp những cô gái mang thai ngoài ý muốn.
Nghĩa trang được ông Phúc phân chia làm hai khu vực. Một khu vực là mộ do cha mẹ của hài nhi tự nguyện xây sau khi biết đứa con họ từ bỏ được ông Phúc đưa về. Phần lớn, họ không thể biết được chính xác đâu là con của mình nhưng vẫn lập mộ và chọn một hũ sành nào đó để chuyển sang vị trí mới. Khu vực còn lại là phần mộ của những đứa trẻ không rõ danh tính, được ông Phúc đặt theo tên các vị thánh như Maccô, Matheu, Lucia…
Công việc tưởng như giúp ích cho đời vậy mà những lời đồn ác ý về ông khiến chính quyền thành phố Nha Trang bắt đầu vào cuộc. Tháng 10/2006, UBND thành phố ra quyết định cưỡng chế buộc ông Phúc dừng các hoạt động xây mộ trên núi Hòn Thơm. Đứng trước nguy cơ phải dừng việc xây mộ cho các thai nhi, ông Phúc chỉ còn biết cầu trời.
May mắn, việc làm của ông được nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết biết đến và gửi thư động viên. Kể từ đó trung tâm bảo trợ xã hội của ông Phúc được chính quyền công nhận, được người dân tin tưởng và đóng góp nhiều hơn. Ông cũng nuôi mấy con lợn, con gà để kiếm tiền nuôi con.
Thời gian gần đây, nghĩa trang hài nhi trên núi Hòn Thơm không còn đủ diện tích để xây thêm mộ nên ông Phúc đã mua mảnh đất rộng 11.000 m2 tại xã Diên Lâm, huyện Diên Khánh (Khánh Hòa) với giá 45 triệu đồng để lập nghĩa trang hài nhi thứ 2. Nơi ở mới của các hài nhi cách nhà ông hơn 20 cây số.
Từng bị coi là tác giả của những bào thai. Từng bị coi là cấu kết với bọn buôn người để bán trẻ con sang Trung Quốc. Từng bị những tiếng xì xào, chỉ trỏ mỗi khi ra ngoài đường.
Nhưng gần 20 năm qua, ông Tống Phước Phúc vẫn ngày ngày làm trọn công việc của mình, chăm sóc những đứa con thơ, bày biện phần mộ khang trang, sạch sẽ cho những đứa trẻ kém may mắn. Hàng ngày đi đi về về gần 50 cây số, cái bóng bé nhỏ, gầy còm cứ cần mẫn trên chiếc xe máy cà tàng dưới cái nắng như thiêu như đốt bởi ông biết ở một căn nhà nhỏ luôn có những đứa trẻ đang háo hức đợi cha về.