Mẹ gửi con cho bảo mẫu và đi biền biệt suốt 12 năm
Bà Đặng Thị Bình, 63 tuổi, hiện trú tại thôn Ngọc Loan, xã Tân Quang, huyện Văn Lâm (Hưng Yên) đến với nghề bảo mẫu như một cơ duyên. Và chính mối duyên ấy đã gắn kết cuộc đời bà với đứa trẻ đáng thương bị mẹ bỏ rơi khi mới hơn 1 tuổi.
Cách đây 15 năm, vào năm 2002, bà Bình lên thăm con gái và cháu ngoại sống tại tổ 10, phường Thượng Thanh, Long Biên (Hà Nội). Lúc này, cuộc sống khá khó khăn, lại có nhiều năm kinh nghiệm chăm con và trông cháu, bà trở thành bảo mẫu, nhận trông trẻ con trong xóm để kiếm thêm thu nhập.
Trong khoảng thời gian giữ trẻ ấy, bà nhớ như in câu chuyện của mẹ con chị Hoàng Thị Huyền Trang (sinh năm 1981, trú tại Quảng Ninh) và cháu Hoàng Huyền Thương. Năm tháng tuổi, cháu Thương đã được mẹ đưa đến gửi tại nhà bà Bình. Thế nhưng, một thời gian sau, người mẹ ấy đã bỏ rơi đứa trẻ cho bà nuôi nấng.
Bà Bình kể lại: "Người mẹ ấy cao ráo, khá trắng trẻo, những ngày đầu rất hay đến chơi và đón cháu đúng giờ như bình thường. Tuy nhiên, một thời gian sau có nhờ trông cả buổi tối, tôi thấy thương 2 mẹ con nên cũng gật đầu đồng ý. Từ đó cho đến hết năm 2004 cô ấy thi thoảng đến thăm con chốc lát rồi lại phải đi".
Kể lại tường tận câu chuyện, bà vẫn nhớ như in từng mốc thời gian. Ngày 8/1/2014, người mẹ ấy bắt đầu gửi và đón con đi nhà trẻ. Nhưng đến ngày 22/2/2005, gửi con ở nhà bà Bình nhưng người phụ nữ đã không quay lại đón con gái.
Hôm ấy, bà cứ đứng đợi chị Trang ở cửa đón con gái nhỏ về, nhưng đợi mãi không thấy. Sợ người mẹ gặp chuyện chẳng lành, bà Bình đã đi khắp nơi tìm thông tin người mẹ nhưng vẫn bặt vô âm tín.
Kể từ đó, 12 năm trôi qua, bà Bình trở thành người mẹ bất dắc dĩ cưu mang bé Thương, lo cho bé từng bữa cơm, từng bộ quần áo đến chuyện học hành. Yêu thương chăm sóc cháu bé là thế nhưng không ngày nào bà không đợi mong người mẹ năm xưa trở về đón con để Thương có thể cảm nhận được tình mẫu tử.
Thu nhập ít ỏi từ nghề trông trẻ nhiều lúc không đủ để trang trải cuộc sống cho hai bà cháu. Rất nhiều lần, bà Bình đã muốn buông xuôi. Nghĩ đến đứa cháu nhỏ không phải máu mủ nhưng bà yêu thương nhất, bà lại kiên cường chống chọi.
Bà tâm sự: "Tôi thương yêu đứa bé bằng trái tim, bằng tấm lòng của tôi vì tôi nghĩ bản thân nó sinh ra đã quá thiệt thòi rồi. Hai bà cháu cứ vậy rau cháu nuôi nhau qua ngày, nuôi nó từ khi hơn 1 tuổi, bao khó khăn nhưng cũng chính vì vậy mà bà cháu thương nhau nhiều hơn".
Hành tìm đi tìm mẹ mịt mờ, gian nan của hai bà cháu
Như bao đứa trẻ khát khao tình yêu thương trọn vẹn, bé Thương cũng mong được một lần gặp mẹ dù chỉ trong một khoảnh khắc ngắn ngủi.
Ngày tháng trôi qua, hai bà cháu vẫn lặng lẽ đi tìm tung tích người mẹ năm xưa. Bằng linh cảm của người phụ nữ trải đầy sương gió, bà Bình tin chắc rằng đã rất nhiều lần mẹ cháu Thương đứng từ xa len lén nhìn con nhưng không đến gần.
"Hồi cháu Thương học mẫu giáo tại quận Long Biên, nhiều người đã từng nhìn thấy mẹ nó nhìn lén từ ngoài cổng vào bên trong. Nhưng không hiểu vì sao suốt 12 năm qua cô ấy không xuất hiện để đón nhận đứa con do mình rứt ruột đẻ ra. Có thể, cô ấy còn có điều khổ tâm gì đó quá lớn chưa hoặc không thể vượt qua", bà Bình chia sẻ với phóng viên Trí Thức Trẻ.
Đã có lúc, hai bà cháu dắt díu nhau trên chiếc xe đạp đến tận quận Gia Lâm tìm gặp người mẹ nhưng không gặp.
Cách đây không lâu, một số người báo tin mẹ cháu Thương đang làm việc tại Bắc Ninh. Lập tức 2 bà cháu đón xe khách đi tìm mẹ nhưng đến tận 2 lần vẫn không gặp được người phụ nữ ấy. Một lần nữa, linh cảm mách bảo bà Bình rằng người mẹ này tránh mặt, không muốn nhận con.
"Mục đích cháu lên Bắc Ninh tìm mẹ xem mặt mũi mẹ con thế nào thôi mà lại để con như thế này". Bé Thương khẽ thủ thỉ với bà.
Sau những lần đi tìm mẹ hụt, hai bà cháu lại quay trở về tiếp tục sống những ngày bình dị bên nhau. Tuy hoàn cảnh khó khăn nhưng chưa bao giờ bà Bình để bé Thương cảm thấy tủi thân, thiệt thòi. Thậm chí, bà và các con còn dành tìm cảm cho bé Thương nhiều hơn những đứa cháu nội ngoài để bù đắp khoảng trống thiếu mẹ, thiếu cha trong bé.
Khi đến trường, Thương được thầy cô và bạn bè hết lòng yêu thương, quý mến. Nhiều thầy cô luôn sẵn sàng giúp đỡ, miễn giảm tiền học phí, tiền ăn bán trú và tiền sách vở cho em.
Nói về ước mơ sau này của Thương, bà Bình chia sẻ cháu bà muốn trở thành cô chủ của một tiệm bánh nhỏ rồi cứ thế mở rộng ra.
Lắng lòng đôi chút, bà lại tâm sự: "Cuộc đời tôi cũng sang tuổi xế chiều rồi, nếu mẹ cái Thương quay lại đón thì tôi cũng vui vẻ thôi vì họ là máu mủ mà. Nhưng nếu cô ấy không đến đón, tôi chỉ trăn trở làm sao có sức khỏe để lo cho con bé được ăn học đàng hoàng, kiếm được tấm chồng tử tế là tôi mãn nguyện rồi…".