Đứa trẻ bị bỏ rơi khát khao hơi ấm người đã cưu mang
Chị Đỗ Thị Hạnh (42 tuổi, quê Thanh Hóa, tạm trú tại phường An Phú, quận 2, TP.HCM) tìm thấy bé Cà Rốt trước cổng chùa Diệu Giác (đường Trần Não, phường Bình An, quận 2) vào ngày 3/9.
Sau khi báo cáo sự việc với UBND phường Bình An, cơ quan này đã đăng thông báo tìm kiếm cha mẹ cháu bé nhưng không ai đến nhận. Từ đó đến nay, chị đã được chính quyền địa phương tạo điều kiện nuôi dưỡng bé, tên khai sinh là Đỗ Pháp Chí.
Ba tháng nuôi dưỡng, chị dành hết tình thương cho con. Bé Cà Rốt khỏe mạnh hồng hào lên trông thấy. Tiền công giúp việc chỉ khoảng 6 – 7 triệu/tháng nhưng chị vẫn xoay sở ổn thỏa cuộc sống của hai mẹ con. Bên cạnh việc đi làm và chăm sóc bé hàng ngày, chị cũng tìm hiểu các thủ tục để nhận bé làm con nuôi.
Vào ngày 20/11, chính quyền địa phương thông báo chị Hạnh phải đưa bé Cà Rốt đến Làng Thiếu niên Thủ Đức để gửi trong hai ngày. Sau khi thực hiện thủ tục nhận con nuôi đầy đủ sẽ được đón về. Cũng trong tối cùng ngày, chị được một cán bộ phường tên M. yêu cầu lên UBND phường Bình An ký giấy tờ thủ tục nhận con nuôi. Nghĩ mình nuôi bé đã được một thời gian và luôn được chính quyền địa phương tạo điều kiện nên chị nhanh chóng ký các giấy tờ mà không cần nhìn nội dung. Tiếp đó, ngày 24/11, chị Hạnh đã đưa Cà Rốt đến gửi tại Làng Thiếu niên Thủ Đức.
Hai ngày sau, khi lên Làng Thiếu niên Thủ Đức trình bày nguyện vọng được nhận Cà Rốt làm con nuôi thì chị được thông báo trường hợp của mình rất khó thực hiện. Lý do được đưa ra là chị Hạnh là mẹ đơn thân và đã có một con gái, đồng thời chị không có hộ khẩu tại TP.HCM mà chỉ có KT3 tại phường Bình An.
Nửa tháng hai mẹ con sống xa nhau, chị Hạnh luôn bần thần trong người, tâm trạng chán chường không muốn làm bất cứ việc gì. Chưa được nhận con về nên chị vẫn thường xuyên đến thăm con. Thấy Cà Rốt lạ chỗ nên khó ở, người gầy đi, chị vô cùng đau xót.
"Các cô ở làng khuyên tôi nên hạn chế vào thăm bé, lễ Tết thì hãy vào, vì lên thăm xong tối bé nhớ lại khóc mà phiền các cô. Giờ tôi chỉ mong cơ quan chức năng thương tình xem xét, cho tôi hoàn tất mọi giấy tờ nhận con. Tôi cũng đang nhờ bà con ở quê làm giấy tờ để chuyển hộ khẩu vào đây. Không được nhận Cà Rốt làm con, chắc tôi không sống nổi…" - chị Hạnh chia sẻ.
Vì chưa đủ điều kiện nhận con nuôi
Sau khi được bộ phận quản lý trẻ mồ côi thuộc Làng Thiếu niên Thủ Đức thông báo trường hợp của chị thuộc diện khó nhận con nuôi, chị đã quay lại UBND phường Bình An để hỏi nguyên do. Tại đây, chị điếng người phát hiện trong bộ hồ sơ thủ tục chị đã thực hiện theo lời một cán bộ phường vào ngày 20/11 có lá đơn đề nghị cơ quan chức năng tiếp nhận bé Đỗ Pháp Chí (tên thường Cà Rốt) vào cơ sở bảo trợ xã hội. Chị tiếp tục tìm đến Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM để cầu cứu.
Ông Văn Ngọc Tiến, Phó chủ tịch UBND phường Bình An, xác nhận có sự việc cơ quan chức năng yêu cầu chị Đỗ Thị Hạnh đưa bé Đỗ Pháp Chí lên phường làm thủ tục chuyển bé sang trung tâm bảo trợ xã hội.
Về lý do yêu cầu chị Hạnh làm thủ tục này, ông Tiến cho biết vì chị chưa làm hồ sơ nhận con nuôi. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng lo sợ người phụ nữ này không đủ khả năng nuôi đứa trẻ nên đưa đến Làng Thiếu niên Thủ Đức để có đơn vị đứng ra chịu trách nhiệm trực tiếp.
Bà Nguyễn Thị Hồng Châu, Phó Giám đốc Làng Thiếu niên Thủ Đức cho biết bé Đỗ Pháp Chí được UBND phường Bình An đưa vào ngày 24/11. Mấy ngày đầu bé luôn khó chịu vì lạ chỗ ở nhưng hiện tại tình hình sức khỏe bé đã ổn định. Thời gian bé ở đây, có nhiều người đến hỏi thủ tục nhận nuôi bé.
"Theo quy định, trung tâm sẽ đăng thông báo trên đài truyền hình về trường hợp của bé. Nếu trong thời gian 30 ngày không có ai nhận bé thì mới nghĩ đến phương án cho nhận con nuôi. Riêng chị Đỗ Thị Hạnh có 2 lần đến thăm bé và đã được trung tâm hướng dẫn làm thủ tục nhận con nuôi” - bà Châu chia sẻ.