Biểu hiện của huyết áp thấp thường là mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt. Bác sĩ khuyên người mắc bệnh huyết áp thấp cần được theo dõi và điều trị kịp thời.
Bên cạnh uống thuốc và điều chỉnh chế độ sinh hoạt hợp lý thì chữa huyết áp thấp bằng món ăn hàng ngày là điều rất cần thiết.
Vậy người bị huyết áp thấp nên ăn gì để cải thiện bệnh hiệu quả.
Bao tử heo hầm hạt sen
Dạ dày (bao tử) heo chứa nhiều chất đạm, béo, vitamin, khoáng chất. Ngoài ra còn có một số men như pepsin, gastrin và gastric mucoitin tốt cho hệ tiêu hóa.
Đây là thực phẩm dinh dưỡng được chế biến thành nhiều món ăn ngon miệng trong bữa cơm gia đình hay mồi nhậu lý tưởng.
Dạ dày heo còn là bài thuốc chữa các bệnh như: lao, kiết lỵ, sa dạ dày, sa tử cung, người mệt mỏi, ăn uống kém và huyết áp thấp.
Nguyên liệu
1 cái bao tử heo
20 gram tiêu xanh hoặc tiêu hạt khô
100 gram hạt sen khô
Gia vị: nước mắm, đường, muối, bột ngọt, gừng
Chế biến món bao tử heo hầm hạt sen
Trước hết, cho bao tử heo vào tô lớn, thêm 1 nắm muối hạt rồi chà sát mạnh để làm sạch chất nhớt. Rửa với nước rồi đập dập 1 nhánh gừng, chà khắp miếng bao tử heo để khử mùi hôi rồi rửa kỹ bằng nước sạch nhiều lần.
Hạt sen để nguyên tim, cho vào xoong cùng với bao tử heo và tiêu xanh, đậy nắp rồi nấu với lửa lớn. Nước sôi thì hạ lửa nhỏ liu riu, hầm đến khi bao tử mềm thì nêm nếm gia vị vừa ăn.
Vớt bao tử heo ra, để nguội và ráo nước, xắt thành miếng nhỏ rồi xếp vào đĩa. Khi ăn, xếp bao tử heo vào chén, chan nước dùng xâm xấp mặt, rắc ít hành ngò rồi thưởng thức. Có thể ăn món bao tử heo hầm hạt sen với bún hay miếng đều ngon miệng và bổ dưỡng.
Bao tử heo hầm hạt sen thơm ngon, bổ dưỡng sẽ giúp bạn nhanh chóng cải thiện tình trạng huyết áp thấp.
Cháo cá diếc
Cá diếc là loại cá trắng, thân dẹt, sống ở môi trường nước ngọt, được nuôi phổ biến ở Việt Nam. Thịt cá có vị ngọt, thơm với nhiều đạm, vitamin và khoáng chất.
Cá diếc giàu dinh dưỡng, là thực phẩm dổ dưỡng cho gia đình. Không chỉ vậy, đây còn là bài thuốc cho người suy nhược cơ thể, phụ nữ có thai, tiêu hóa kém, đầy bụng, vàng da,… và huyết áp thấp.
Những người huyết áp thấp nên bổ sung món cháo cá diếc vào thực đơn hàng ngày để bệnh tình nhanh thuyên giảm.
Nguyên liệu
300 gram cá diếc
50 gram gạo nếp
Gia vị: hành tím, hành lá, ngò rí, tiêu, đường, bột ngọt, muối, nước mắm
Chế biến món cháo cá diếc
Mua cá diếc về làm sạch mang, ruột, cạo vẩy. Sau đó, lọc lấy phần thịt rồi ướp với một ít gia vị gồm: nước mắm, tiêu, đường, muối, bột ngọt.
Vo một nắm gạo rồi cho vào xoong, đổ nhiều nước, thêm phần xương cá, nấu cháo thật nhuyễn. Vớt xương ra, thả phần thịt cá đã ướp gia vị vào, khuấy đều. Nấu đến khi cháo sôi lên lại thì nêm nếm gia vị cho vừa ăn rồi tắt bếp.
Khi ăn, múc cháo ra chén, rắc hành ngò, tiêu cho dậy hương thơm. Thưởng thức ngay khi còn nóng sẽ ngon miệng hơn.
Nên ăn cháo cá diếc thường xuyên, mỗi tuần 2-3 lần và liên tục nhiều tháng.
Chim cút hầm thuốc bắc
Chim cút - nguyên liệu quen thuộc trong bữa ăn hàng ngày và là món ăn vặt nổi tiếng với hương vị thơm lừng, ngon miệng.
Ít ai biết rằng, thịt chim cút có thành phần dinh dưỡng vượt xa so với các loài gia cầm khác và có tác dụng tốt trong y học. Nguồn dinh dưỡng từ chim cút gồm: albumin, vitamin cùng nhiều muối khoáng vô cơ rất cần cho cơ thể.
Đây là thực phẩm rất tốt cho người bị huyết áp thấp.
Nguyên liệu
2 – 3 con chim cút
30 gram hoàng kỳ
5 gram gừng tươi
30 gram thiên ma
Gia vị: muối, đường, bột ngọt, tiêu
Chế biến chim cút hầm thuốc bắc
Chim cút làm sạch lông, bỏ hết nội tạng.
Hoàng kỳ, gừng, thiên ma rửa sạch rồi cho vào bụng chim cút, thêm một ít gia vị rồi cho vào tô.
Bắc xoong lên bếp, thêm 70ml nước rồi đặt tô chim cút vào. Tiến hành hấp cách thủy đến khi chim cút chín mềm.
Lưu ý: Không nên cho quá nhiều nước vào xoong, nước sôi sẽ tràn vào tô. Khi hấp cách thủy, ban đầu nên vặn lửa lớn để nước mau sôi, sau đó vặn lửa nhỏ để đỡ tốn công châm nước và tiết kiệm nhiên liệu.
Khi chín, thưởng thức chim cút và nước, bỏ phần bã thuốc.
Món chim cút hầm thuốc bắc thơm lừng, bổ dưỡng. Do đó, người bệnh huyết áp thấp nên ăn hàng ngày để cải thiện sức khỏe, mau chóng khỏi bệnh.