Ảnh hưởng bệnh đau dạ dày đối với bà bầu
Trong 3 tháng đầu mang thai, những bà bầu có tiền sử đau dạ dày sẽ cảm thấy đau rát do những cơn nôn mửa và co thắt dạ dày triền miên. Bên cạnh đó, sự phát triển của thai nhi theo từng giai đoạn cũng khiến kích thước tử cung lớn dần gây chèn ép dạ dày và các cơ quan tiêu hóa. Lúc này, vị trí của dạ dày có sự thay đổi, ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa bà bầu.
Bà bầu bị đau dạ dày sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe, tâm lí với những biểu hiện chán ăn, ăn không ngon miệng, buồn nôn, khó tiêu. Những cơn đau dạ dày có thể ảnh hưởng đến thói quen sinh hoạt, khiến bà bầu mệt mỏi, buồn bực, mất ngủ, căng thẳng.
Bà bầu bị đau dạ dày nên làm gì?
Theo các bác sĩ, bà bầu bị đau dạ dày khi mang thai nên hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc điều trị. Thay vào đó, chị em nên chọn các phương pháp tự nhiên, điều chỉnh chế độ dinh dưỡng, nghỉ ngơi, sinh hoạt điều độ để khắc phục chứng đau dạ dày.
Trong các bữa ăn, để đảm bảo cung cấp đủ dưỡng chất cho cơ thể mẹ và bé, bà bầu có thể ăn thành nhiều bữa nhỏ nhằm giảm gánh nặng cho dạ dày. Bên cạnh đó, chị em cần tránh xa các thức ăn cay nóng, thức ăn chua, các đồ uống có chất kích thích. Những thực phẩm này có thể khiến dạ dày tiết dịch vị nhiều hơn gây ra những cơn co thắt.
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, bà bầu bị đau dạ dày nên ăn các thực phẩm mềm, hỗ trợ giảm tiết dịch vị như: Trứng, sữa, bánh mì, khoai tây, củ cải... Sau khi ăn, mẹ bầu nên nghỉ ngơi từ 2 – 3 giờ đồng hồ để thức ăn được chuyển hóa trong dạ dày.
Đối với nhịp sinh hoạt hàng ngày, bà bầu cần tránh xa các cơn stress, nên ngủ từ 6 – 8 tiếng để tinh thần luôn thoải mái. Đồng thời, bà bầu nên suy nghĩ lạc quan, tư duy tích cực để não bộ tiết ra những hormone hạnh phúc (serotonin, endorphin, oxytocin, dopamine…) làm giảm đau một cách tự nhiên.
Trường hợp những cơn đau dạ dày liên tục hành hạ gây ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe, bà bầu cần gặp bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn và điều trị kịp thời. Tuyệt đối không được tự ý sử dụng thuốc nếu chưa được kê đơn.