Trước đó, ca sĩ M. cũng chia sẻ, do bị đau đầu nên uống một lúc năm viên thuốc giảm đau và phải đi bệnh viện cấp cứu.
Cứ đau đầu là uống thuốc giảm đau
Bác sĩ Phạm Hữu Huyền - Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng - cho biết, nơi đây vừa tiếp nhận nữ du khách quốc tế bị ngộ độc thuốc Paracetamol do sử dụng quá liều: uống 30 viên loại 500mg trong hai ngày. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng đau bụng, mệt mỏi, chán ăn, sốt, có dấu hiệu suy gan cấp.
Qua khai thác bệnh sử, bệnh nhân cho biết do đau đầu, người mỏi mệt nên đã mua thuốc giảm đau hiệu Paracetamol về uống. Do sau mỗi lần uống thuốc, thấy người chưa ổn, nên du khách này uống “dập” thêm với hy vọng sẽ khỏe hẳn để tiếp tục chuyến du lịch. Thế nhưng, càng uống chị thấy người càng mệt, chán ăn, sốt và đau bụng nên đã nhập viện cấp cứu.
Kết quả cho thấy chỉ số men gan của bệnh nhân tăng cao gấp chục lần: từ 700 UI/L lên gần 7.000 UI/L và bị rối loạn đông máu nặng. Sau gần mười ngày điều trị, tình trạng sức khỏe bệnh nhân đã ổn định và được xuất viện.
Ca sĩ quê Vĩnh Long - M. mới đây cũng vào viện cấp cứu trong tình trạng lơ mơ, phải có người dìu do ngộ độc thuốc giảm đau. M. cho biết, mỗi lần bị đau đầu là cô uống một viên giảm đau Panadol. Cô thấy thuốc hiệu quả nhanh nên luôn thủ sẵn trong túi xách và cứ đau đầu thì uống.
Ngày 9/3, M. lại bị “đau đầu muốn khùng” - như cô kể và đã tăng liều lên hai viên. Lát sau vẫn chưa hết đau, M. uống một lúc ba viên thuốc giảm đau và vài tiếng sau thì bị đau bụng, người đừ và rơi vào trạng thái lơ mơ nên được người thân đưa vào bệnh viện cấp cứu. Bác sĩ làm các xét nghiệm và cho biết, M. uống thuốc quá liều dẫn tới suy gan.
Không thể chủ quan
Bác sĩ Phạm Hữu Huyền cho biết, ngộ độc Paracetamol có xu hướng tăng ở nước ta, đây là một loại ngộ độc dễ gặp nhưng dễ bị bỏ sót, chẩn đoán chậm trễ - đặc biệt khi bệnh nhân lạm dụng Paracetamol để tự điều trị với mức độ quá liều lặp lại nhiều lần. Nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, bệnh nhân sẽ suy gan cấp, suy đa tạng và tử vong.
Thuốc mua dễ dàng và tự điều trị là thói quen phổ biến lâu nay của người dân. Cứ đau đầu, mệt mệt, hay người hâm hấp là hầu như mọi người nghĩ ngay đến thần dược “giảm đau”.
Vì thuốc này cho hiệu quả nhanh nên càng được ưa chuộng - nhất là mùa nắng nóng và thời tiết thay đổi bất thường như hiện nay càng dễ ảnh hưởng đến sức khỏe của mọi người. Có rất nhiều người đi ngoài trời nắng về bị nhức đầu là nghĩ ngay đến một viên thuốc giảm đau.
Tự mua và vô tư sử dụng thuốc tây với lý do: trước giờ tôi uống, người nhà tôi uống hoài có sao đâu, ngay cả bản thân thầy thuốc - chủ quan trong điều trị cho mình còn để lại hậu quả - nói chi đến người dân không có kiến thức y khoa.
Bác sĩ H. - giám đốc một bệnh viện tư, sau một cơn say rượu bị nặng đầu, đã uống hai viên thuốc giảm đau hiệu Alaxan - mà ông vẫn hay sử dụng. Sau khi uống vài tiếng, ông thấy đau hạ sườn phải, người mệt mỏi… Ông chủ quan nghĩ đó là hậu quả của cơn “quá chén”, hoàn toàn không nghĩ do tác dụng của thuốc.
Qua hôm sau ông vẫn đi làm bình thường và bất ngờ bị ngất xỉu. Khi đó, đồng nghiệp của ông mới phát hiện ông bị suy gan cấp và thủ phạm là thuốc giảm đau. Ông nói: “Thuốc giảm đau không thể chủ quan được, đến cả tôi - dùng loại này an toàn bao lâu nay - vậy mà giờ cũng vì nó mà bị suy gan cấp”.
Theo các chuyên gia, với liều lượng uống của ca sĩ M. thì năm viên là vượt ngưỡng liều thông thường, chứ chưa đến mức gây suy gan. Cũng như bác sĩ H. khẳng định mình không uống quá liều.
Tuy nhiên, có thể khi thể trạng không tốt, đặc biệt là với bệnh nhân có bệnh lý về gan, một liều lượng Paracetamol rất nhỏ cũng có thể gây ngộ độc gan dẫn tới suy gan. Do đó, bác sĩ Phạm Hữu Huyền khuyến cáo: “Người dân nên lưu ý liều lượng sử dụng của thuốc Paracetamol theo chỉ định của bác sĩ”.