Đau đầu là chứng bệnh hay gặp nhất của nhân loại và cũng là một trong những bệnh lý gây "đau đầu nhất" cho các nhà nghiên cứu y khoa. Hơn 80% trường hợp đau đầu là lành tính, tuy nhiên chứng đau đầu luôn ẩn chứa những nguy cơ của các bệnh lý nguy hiểm.
Theo phân loại của Hiệp hội Đau đầu Thế giới, đau đầu có gần 70 nhóm nguyên nhân khác nhau. Những nguyên nhân thường gặp như sau:
Đau đầu do chấn thương hay tai nạn
Rất nhiều trường hợp bệnh nhân có tổn thương máu tụ mạn tính trong sọ, được cho là liên quan đến tiền sử chấn thương, tai nạn, xảy ra từ một tháng đến một năm trước. Có trường hợp tiền sử tai nạn không rõ ràng (va đầu trong nhà tắm, có cơn ho gắng sức, cơn cao huyết áp...), dẫn đến chứng đau đầu.
Khi đó, bệnh nhân có biểu hiện đau đầu tăng dần, thường đau đầu một bên kèm theo yếu nửa người bên đối điện, có thể có nôn. Những trường hợp này cần được phát hiện sớm tổn thương qua chụp phim cắt lớp vi tính hoặc chụp cộng hưởng từ sọ não. Thường bác sĩ chỉ định mổ cấp cứu để bơm rửa, dẫn lưu khối máu tụ, giải phóng chèn ép thần kinh là bắt buộc, tiên lượng thường khả quan.
Đau đầu do bệnh đau nửa đầu Migraine
Đây là một trong những nguyên nhân gây đau đầu thường gặp nhất. Đau nửa đầu Migraine là trường hợp đặc biệt thuộc nhóm nhức đầu mạn tính có nguồn gốc từ rối loạn nguyên phát ở não.
Bệnh này không nguy hiểm đến tính mạng, ngoại trừ các thể đặc biệt như Migraine có biến chứng thần kinh (thường gây liệt nửa người, nhồi máu não, co giật). Theo thống kê của Mỹ, gần 20% nữ giới dưới 45 tuổi có biểu hiện cơn đau nửa đầu Migraine.
Đau đầu Migraine có đặc điểm là đau nửa đầu tái diễn thành cơn, mức độ cơn đau từ vừa đến dữ dội, da đầu căng giật theo nhịp mạch, lúc đau thường kèm theo buồn nôn, nôn, sợ ánh sáng, sợ tiếng động, rối loạn thị giác. Cơn đau chỉ xuất hiện một bên đầu và có tính chất thay đổi, khi bên phải khi bên trái.
Migraine xuất hiện bất kỳ thời điểm nào trong ngày nhưng thường có xu hướng xảy ra vào buổi sáng hoặc vào chu kỳ kinh nguyệt.
Đau đầu do các khối u não chèn ép
Nguyên nhân này hiếm gặp hơn. Hơn một nửa số người có khối u trong não bị đau đầu. Đau đầu do khối u não thường xuất hiện lúc nửa đêm về sáng, tiến triển từ từ tăng dần, kèm theo các triệu chứng khác như nặng đầu, choáng váng.
Giai đoạn muộn hơn, bệnh nhân thường kèm theo buồn nôn, nôn vọt dễ dàng, ù tai một bên, giảm thị lực và phù gai thị, nói khó hoặc có biểu hiện lú lẫn, động kinh co giật, dáng đi mất kiểm soát, yếu nửa người.
Đau đầu do tai mũi họng - viêm xoang - bệnh lý vùng hàm mặt - cột sống cổ
Đau đầu do răng - mắt - viêm xoang thường khu trú ở vùng trán, cũng có thể gặp đau vùng đỉnh - chẩm gáy (trong viêm xoang sàng, xoang bướm, thoái hóa cột sống cổ). Trong đó đau các dây thần kinh vùng sọ mặt thường đau chói, cơn đau ngắn nhưng cảm giác như điện giật, bỏng rát. Nếu đau đầu một bên dữ dội kèm đỏ mắt, giảm thị lực, cần nghĩ đến bệnh lý tăng nhãn áp và các bệnh lý khác của nhãn cầu.
Tai biến mạch máu não (đột quỵ) cũng là một trong những nguyên nhân gây đau đầu thường gặp. Đây là bệnh lý có thể để lại nhiều di chứng nặng nề như yếu nửa người hoặc liệt hoàn toàn, rối loạn ngôn ngữ, giảm thị lực... Các triệu chứng tai biến như mất thăng bằng thoáng qua, giảm thị lực đột ngột, nói khó nói ngọng, tê bì vùng mặt hoặc toàn thân, đau đầu kèm nôn mửa, thay đổi ý thức.
Các yếu tố nguy cơ gây tai biến mạch máu não: trên 55 tuổi, nghiện rượu và thuốc lá, béo phì, lười vận động thể dục thể thao, mỡ máu tăng cao, rối loạn nhịp tim, bệnh lý rung nhĩ, cao huyết áp, tiểu đường, tiền sử gia đình bị tai biến, sử dụng thuốc tránh thai hoặc liệu pháp hormone...
Đau đầu do stress
Ngày nay, một trong những nguyên nhân gây đau đầu cũng thường gặp và đang có dấu hiệu ngày càng tăng đó là stress (căng thẳng). Dạng đau đầu này thường được xác định qua tìm hiểu môi trường sinh hoạt, tính chất lặp lại của cơn đau đầu trong những điều kiện nhất định.
Đau đầu do căng thẳng thường chỉ cần nghỉ ngơi, dùng thuốc giảm đau thông thường và thuốc an thần nếu cần, cần trấn an bệnh nhân về tính chất không nghiêm trọng của căn bệnh.
Đau đầu do nhiễm trùng não – nhiễm trùng màng não
Bệnh nhân thường có sốt hoặc thể trạng nhiễm trùng, đau đầu lan tỏa và liên tục, có thể kèm theo cứng vùng gáy, sợ ánh sáng và tiếng động. Việc chẩn đoán xác định chủ yếu dựa vào chọc dò dịch não tủy xét nghiệm, xét nghiệm máu và chụp cộng hưởng từ sọ não.
Có một nguyên tắc rất cơ bản: chỉ sử dụng thuốc giảm đau và an thần khi đã loại trừ các nguyên nhân nguy hiểm thông qua khám, chụp chiếu bởi các bác sĩ chuyên khoa. Bệnh nhân cần chụp cắt lớp vi tính hoặc chụp cộng hưởng từ sọ não - mạch não để chẩn đoán chính xác.