Cuộc sống hiện đại đòi hỏi sự thuận tiện và nhanh chóng, chính vì thế mà những hộp trái cây cắt sẵn trở nên phổ biến hơn bao giờ hết. Ra ngoài chợ, hay trong siêu thị... chỉ cần bỏ ra vài chục nghìn đồng, chúng ta có thể mua được những túi dứa, xoài, ổi... đã gọt sẵn tươm tất, tiện lợi và có thể dùng ngày.
Phải thừa nhận rằng, đây là một hình thức kinh doanh trái cây mới mẻ, phù hợp với xu thế thị trường. Sẽ thật lý tưởng nếu như tất cả số trái cây này đều tươi mới. Tuy nhiên, việc kiểm soát chất lượng, nguồn gốc của trái cây, hay quy trình vệ sinh chúng trước khi được mang ra cắt gọt, đóng gói là điều không hề đơn giản.
Trái cây gọt sẵn - vừa tiện, vừa rẻ nhưng tiềm ẩn nguy cơ nhiễm khuẩn, ngộ độc
Trái cây gọt sẵn là sản phẩm quen thuộc ngoài chợ. (Ảnh: Bảo Nam).
Tờ Kknews (Trung Quốc) từng thông tin: Mặc dù những hộp trái cây cắt sẵn thu hút người tiêu dùng bởi sự tiện lợi, tuy nhiên thực tế đã chỉ ra rằng đa số sản phẩm này không đảm bảo được chất lượng. Để giảm thiểu thua lỗ, nhân viên cửa hàng thường xử lý trái cây thối bằng cách gọt bỏ những phần bị hỏng và biến chúng thành những hộp trái cây tươi ngon, hấp dẫn trên gian hàng.
Trong các cửa hàng, trái cây gọt sẵn được bày trí đẹp mắt, sang trọng hơn. (Ảnh: Bảo Nam).
Tờ Health Sina (Trung Quốc) cảnh báo, ngay cả khi loại bỏ phần hỏng, vi khuẩn và vi sinh vật có thể đã làm tổ và sản sinh độc tố gây hại cho sức khỏe. Nếu không chắc chắn về độ tươi mới của sản phẩm, việc tốt nhất là không nên mua chúng.
Thực tế đã ghi nhận một số vụ ngộ độc, nhiễm khuẩn liên quan đến hoa quả cắt sẵn.
Năm 2019, Hoa Kỳ đã ghi nhận một loạt vụ ngộ độc Salmonella, khiến ít nhất 117 người phải điều trị tại bệnh viện do tiêu thụ trái cây cắt sẵn mua từ các chuỗi siêu thị ở 10 tiểu bang khác nhau. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), các sản phẩm hoa quả bị thu hồi bao gồm: dưa hấu, dưa gang...
Trước đây, một loạt sản phẩm trái cây gói sẵn tại các cửa hàng Walmart ở Hoa Kỳ đã phải rút khỏi thị trường do lo ngại về sự nhiễm bẩn của vi khuẩn listeria monocytogenes. Phát hiện này được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) công bố sau khi xác định vi khuẩn listeria trên các dây chuyền đóng gói của Công ty Country Fresh. Công ty này sau đó đã chủ động tiến hành thu hồi và ngừng cung cấp các loại trái cây gồm táo, nho, xoài, dứa và dưa hấu đã được sơ chế tại những nhà phân phối bán lẻ, trong đó có Walmart.
3 mối nguy hiểm tiềm ẩn của trái cây gọt sẵn:
1. Dễ ngộ độc
Nhiều người cho rằng trái cây sau khi gọt sẽ được đóng gói, đóng vỉ rất sạch sẽ và an toàn. Tuy nhiên theo bác sĩ Dương Thị Kim Loan (Trưởng khoa Dinh dưỡng lâm sàng, Bệnh viện Thống Nhất, TPHCM): Việc gói trái cây sẵn trong các vỉ hoặc bọc túi nilon không đồng nghĩa với việc đã loại bỏ hoàn toàn rủi ro nhiễm khuẩn, bởi các yếu tố như dụng cụ chế biến, lớp bọc nilon, cũng như bàn tay của những người thực hiện việc cắt, gọt... có thể chứa vi khuẩn.
Bác sĩ Loan cảnh báo, kể cả trái cây tươi mới cũng có thể không an toàn nếu như người thực hiện việc cắt, gọt không đảm bảo vệ sinh tay và dụng cụ. Đối với trái cây đã cũ hoặc hết hạn, nguy cơ nhiễm khuẩn còn cao hơn nữa.
Nếu một người tiêu thụ trái cây nhiễm khuẩn thì chỉ sau 24 - 48 giờ có thể xuất hiện các triệu chứng như đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy, thậm chí là co giật, hôn mê nếu trái cây bị nhiễm khuẩn độc tố thần kinh.
2. Mất chất dinh dưỡng
Chuyên gia dinh dưỡng Nguyễn Thị Hạnh (Bệnh viện Việt Nam Thụy Điển - Uông Bí, Quảng Ninh) từng chia sẻ trên truyền thông như sau: Trái cây là nguồn cung cấp vitamin và khoáng chất dồi dào nhưng không nên gọt trước và bảo quản trong tủ lạnh nếu không ăn ngay.
Việc này có thể gây nhiễm khuẩn, tăng tốc độ oxy hóa, giảm giá trị dinh dưỡng và hương vị của trái cây. Các chất như vitamin C và folate có thể bị phân hủy bởi ánh sáng, nhiệt độ và không khí, đặc biệt là khi trái cây đã được gọt vỏ. Vì vậy, để đảm bảo hấp thụ lượng dinh dưỡng tối đa, nên ăn trái cây ngay sau khi gọt.
3. Tiềm ẩn nguy cơ ung thư
Vào năm 2020 tờ Sina (Trung Quốc) đưa tin về trường hợp một cặp vợ chồng trẻ ở Cáp Nhĩ Tân, tỉnh Hắc Long Giang cùng lúc bị phát hiện ung thư gan. Vợ chồng này có thói quen mua hoa quả giảm giá về ăn, có loại là hoa quả cắt sẵn, có loại thì bị hỏng một phần... Đôi khi mua về nhà 2 ngày không ăn hết có thể bị mốc, do đó họ thường tận dụng để ép thành nước trái cây để bảo quản.
Trái cây mốc sẽ mất đi hương vị tự nhiên. Trong một số trường hợp, ăn trái cây có nấm mốc sẽ xuất hiện một số triệu chứng giống rối loạn tiêu hóa như buồn nôn, ói, chướng bụng và tiêu chảy. Đặc biệt, nấm mốc xuất hiện trên trái cây có thể là Aspergillus flavus hoặc A. parasiticus. Chúng sản sinh ra độc tố aflatoxin, gây ung thư gan.
Bác sĩ khẳng định thói quen ăn trái cây mốc là nguyên nhân khiến vợ chồng chị Xiaofang cùng mắc chung một loại ung thư và khuyến cáo mọi người nên vứt bỏ khi thấy trái cây có dấu hiệu hư hỏng.
Việc tiêu thụ các loại trái cây gọt sẵn có chất lượng không tốt tuy không thể khẳng định rằng sẽ gây nên bệnh ung thư. Nhưng rõ ràng loại trái cây này là một trong những yếu tố tiềm ẩn nguy cơ, mà bạn nên cân nhắc trước khi sử dụng.
Khi mua trái cây gọt sẵn, hãy thận trọng 3 việc
1. Không nên mua những loại trái cây gọt sẵn úng nước, mùi lạ
Để giảm thiểu nguy cơ nhiễm khuẩn, không nên mua trái cây đã gọt vỏ, cắt sẵn nếu thấy có dấu hiệu úng nước, mùi lạ hoặc quá hạn sử dụng. Phương pháp tốt nhất là tự mua trái cây về gọt và ăn ngay, đồng thời phải rửa tay và dụng cụ cắt gọt sạch sẽ trước khi sử dụng, và bảo quản trái cây đã gọt trong ngăn mát của tủ lạnh nếu không ăn ngay.
2. Không nên mua trái cây gọt sẵn ở những nơi bán hàng kém vệ sinh
Khi đi chợ, nếu bạn thấy nơi bán trái cây không được sạch sẽ: Nhiều ruồi muỗi; không có nguồn nước sạch để rửa trái cây và dụng cụ thái, gọt; người bán không có găng tay bảo hộ khi gọt hoa quả; nơi bán gần kênh mương, cống, gần hố rác, thùng rác; trái cây không được bảo quản sạch sẽ... thì tốt nhất không nên mua về ăn để tránh ngộ độc, nhiễm khuẩn.
3. Hãy chú ý theo dõi sức khỏe trong khi ăn
Sau khi mua trái cây đã gọt sẵn về ăn mà bạn thấy bản thân có dấu hiệu tiêu chảy, đau bụng, khó thở, tức ngực, sốt... nên liên hệ ngay với cơ sở y tế gần nhất.