Là người đam mê thể thao, anh Quốc Vương (25 tuổi, trú tại Hoàng Mai, Hà Nội) tham gia đá bóng theo lịch cố định với tần suất lên tới 3 buổi mỗi tuần. Các trận đấu này chủ yếu kéo dài trong khoảng 1,5 giờ và yêu cầu Vương di chuyển liên tục trên sân.
Đáng nói, đầu năm nay, nam thanh niên này mua một đôi giày đá bóng qua sàn thương mại điện tử nhưng không may nhầm kích cỡ. Đôi giày nhỏ hơn chân khiến Vương có cảm giác nhức mỏi sau mỗi trận đấu.
“Những vết chai bắt đầu xuất hiện ở bàn chân và cạnh ngón út của tôi sau khoảng 3 tháng kể từ ngày tôi mua giày. Dù sao, đây cũng không phải lần đầu tiên nên tôi không quá e ngại”, Vương chia sẻ.
Mối nguy ít nghĩ tới
Tiến sĩ, bác sĩ Lê Bá Ngọc, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, định nghĩa: “Chai chân là hiện tượng một khu vực ở bàn chân trở nên dày, cứng khi phải chịu một áp lực tì đè cường độ thấp nhưng được lặp đi lặp lại nhiều lần”.
Theo vị chuyên gia này, tình trạng chai chân chủ yếu xuất hiện tại các vị trí cạnh ngón chân, vùng rìa bàn chân hoặc mặt gan bàn chân.
Dù khá phổ biến khi xuất hiện ở nhiều người, chai chân cũng là dấu hiệu cảnh bảo cho vấn đề nguy hiểm đến đến từ loét bàn chân.
“Chai chân là phản ứng bảo vệ của cơ thể chống lại những áp lực tì đè lên bàn chân. Do đó, chúng cảnh báo nguy cơ bàn chân có thể bị loét nếu không phát hiện sớm và điều trị kịp thời”, tiến sĩ Ngọc khuyến cáo.
Vị chuyên gia cũng nêu ra một số nguyên nhân thường gặp gây ra hiện tượng chai chân bao gồm:
- Cứng các khớp hoặc hạn chế vận động khớp: Những vấn đề này làm gia tăng áp lực bàn chân thường gặp ở bệnh nhân bị thoái hóa khớp, viêm khớp dạng thấp, gout mạn tính,….
- Tiểu đường.
- Biến dạng bàn chân: Trên thực tế, đây thường là hậu quả ở người bệnh sau cắt cụt chi.
- Biến chứng thần kinh ngoại vi: Đây là biến chứng rất thường gặp ở người bệnh tiểu đường. Tình trạng này làm teo hệ thống cơ gian cốt cũng như lớp mỡ vùng mặt dưới gan bàn chân, từ đó dẫn tới thay đổi cấu trúc giải phẫu bàn chân và gây ra biến dạng bàn chân. Ngón chân hình vuốt, hình búa là những biến dạng bàn chân thường gặp nhất. Những biến đổi này dẫn tới gia tăng áp lực tại gan bàn chân và hình thành các nốt chai chân.
- Sử dụng giày dép chật. Đây cũng là nguyên nhân phổ biến dẫn tới chai chân. Giày dép chật tạo nên một áp lực nhỏ nhưng kéo dài liên tục vào vùng rìa bàn chân, từ đó làm cho các ngón chân bị ép chặt, đè vào nhau. Bên cạnh đó, sử dụng giày dép không phù hợp còn gây ra biến dạng bàn chân như tật ngón cái vẹo ngoài. Chai chân có thể xuất hiện nếu người bệnh không kịp thời thay đổi các loại giày dép phù hợp hơn.
Xử lý đơn giản
Theo tiến sĩ Lê Bá Ngọc, phương án xử lý quan trọng và hiệu quả nhất khi điều trị chai chân là tìm ra nguyên nhân gây ra vấn đề này. Cách làm và cũng là bước đầu tiên này có vai trò quan trọng trong điều trị cũng như phòng ngừa.
Vị chuyên gia nêu ví dụ với trường hợp chai chân do sử dụng giày, dép chật. Việc điều trị lúc này, khá đơn giản, là nhanh chóng thay đổi kích thước của chúng cũng như lựa chọn một loại giày, dép phù hợp hơn.
Trong khi đó, với những tổn thương chai chân do biến dạng bàn chân, việc điều trị triệt để các biến dạng bàn chân như xử lý tật ngón cái vẹo ngoài, ngón chân hình vuốt, hình búa sẽ mang lại tác dụng phòng ngừa chai hữu hiệu.
Ở những bệnh nhân bị cứng khớp, tiến sĩ Ngọc khuyến cáo các trường hợp này cần hạn chế vận động khớp, đồng thời lựa chọn một số loại giày đi bộ, sử dụng lót giày mềm, qua đó giảm áp lực tì đè và hạn chế nguy cơ chai chân.
“Đối với các tổn thương chai chân dày, cứng và gây đau, dẫn tới khó khăn trong vận động của người bệnh, vết chai chân sẽ buộc phải được gọt bỏ”, tiến sĩ Ngọc nói.
Theo vị chuyên gia này, kỹ thuật gọt chai chân là phương pháp tiểu phẫu đơn giản, tiết kiệm, thường không gây đau và ít dẫn tới chảy máu cho người bệnh. Thời gian thực hiện kỹ thuật này cũng chỉ trong khoảng 10-30 phút. Bệnh nhân thường được điều trị ngoại trú và không cần nhập viện.