Nội dung bài viết
Dấu hiệu côn trùng chui vào tai
Côn trùng chui vào tai là tai nạn xảy ra khi đang ngủ trên giường hay nằm úp tai xuống mặt đất không chỉ thường gặp ở trẻ nhỏ mà những người trưởng thành cũng hay gặp phải. Dấu hiệu dễ nhận thấy đó là đau dữ dội ở một bên tai (trước đó không mắc bệnh gì liên quan đến tai).
Cơn đau có thể dữ dội hơn và kéo dài trong nhiều giờ liền. Nguyên nhân là do côn trùng chích đốt hay có gai ngạnh đâm vào tai.
Cấu tạo tai ngoài có một số dây thần kinh do đó việc ngoáy tai hơi sâu sẽ rất đau. Đặc biệt khi côn trùng bò đến phần ngoài ống tai làm cho người bệnh cảm thấy khó chịu và ngứa ngáy. Côn trùng bò vào phần trong ống tai gần màng nhĩ, nhất là một số côn trùng như gián, kiến, bọ... càng khiến tình trạng cơn đau càng dữ dội hơn.
Ngoài ra còn bị chảy nước hoặc máu do côn trùng gây trầy xước, rách da ống tai, rách màng nhĩ,… Những trường hợp nhẹ hơn thường nhột và ngứa ngáy bên tai.
Côn trùng chui vào tai có nguy hiểm hay không?
Có những trường hợp bệnh nhân khi bị côn trùng chui vào tai tự ý xử lý tại nhà hoặc đến các phòng mạch không chuyên khoa. Tuy nhiên đôi khi thì chỉ lấy được một phần côn trùng và làm cho gián hay dế cào cấu gây đau dữ dội. Điều này xảy ra do để sót phần còn lại như đầu, chân hoặc cánh của côn trùng.
Nếu bệnh nhân chủ quan không khám chuyên khoa kịp thời để gắp côn trùng ra thì rất dễ để lại nhiều di chứng và biến chứng nguy hiểm như sốt do nhiễm trùng, viêm tấy tai ngoài, viêm tai giữa cấp, thủng nhĩ vĩnh viễn, giảm thính lực hoặc điếc tai…
Cách xử lý côn trùng chui vào tai hiệu quả
Cách xử lý côn trùng chui vào tai sơ cấp đơn giản ngay tại nhà
Theo các chuyên gia có rất nhiều cách để xử lý khi gặp côn trùng chui vào tai. Tuy nhiên điều quan trọng trước hết là cần bình tĩnh. Nếu là trẻ em thì người lớn nên động viên bằng cách ôm trẻ để trấn an tâm lý. Sau đó nhỏ oxy già hoặc nước ấm (nhiệt độ tương đương với cơ thể), sau đó nằm nghiêng đầu lại cho nước chảy ra ngoài.
Nếu côn trùng vẫn chưa chui ra, tiếp tục dùng đèn pin rọi vào để dùng kẹp y tế gắp ra hoặc đặt cây nến ở đầu lỗ tai bị côn trùng chui vào, côn trùng thấy nóng sẽ tự chui ra ngoài. Mặc khác, không được cố đưa sâu vào trong tai vì rất dễ gây chấn thương và nhiễm trùng.
Cách xử lý côn trùng chui vào tai theo chuyên khoa tai – mũi – họng
Hiện nay các cơ sở y tế hay bệnh viện lớn có đầy đủ chuyên viên và trang thiết bị hỗ trợ xử trí các trường hợp dị vật chui vào tai vô cùng hiệu quả.
Côn trùng chết thì đơn giản hơn là lấy ra bằng những dụng cụ chuyên khoa như kẹp, móc… Nếu còn sống, bác sĩ sẽ làm cho côn trùng chết nhanh bằng các loại thuốc như thuốc tê, otipax, polydexa, dầu glycerin, dung dịch povidine… hay nước oxy già nhỏ vào tai.
Trường hợp một số bé hốt hoảng và kích động, bác sĩ sẽ gây mê hoặc tiền mê nhẹ để giúp bé ngủ trong quá trình làm thủ thuật gắp côn trùng ra. Điều này hạn chế tình trạng sang chấn nguy hiểm khi cố lấy côn trùng trong tình trạng bé giãy giụa.
Không ít trường hợp đã gây ra biến chứng đáng tiếc như gây điếc, rách thủng màng nhĩ do người nhà hoặc các nhân viên y tế thiếu kinh nghiệm thực hiện.
Đối với những côn trùng to thường nên làm chết trước khi lấy ra để tránh gây sang thương thêm cho ống tai và màng nhĩ. Côn trùng nhỏ thì dễ dàng lấy ra như hút, bơm rửa bằng nước ấm, nước muối sinh lý hoặc các thuốc chuyên dụng như audiclean,…
Sau khi lấy côn trùng ra bác sĩ sẽ rửa sạch tai và nhỏ thuốc tai vài ngày sau đó để tránh nhiễm trùng, nhiễm nấm.
Một số cách xử lý côn trùng chui vào tai khác
Có nhiều phương pháp dân gian hỗ trợ hiệu quả việc lấy côn trùng nhỏ như kiến ra khỏi tai. Chẳng hạn như giã lá hẹ, hành lá rồi vắt lấy nước, ép nước gừng sống nhỏ vào tai hay xông khói vào lỗ tai để côn trùng chui ra.
Tuy nhiên, nếu người dùng không biết cách áp dụng đúng những cách dân gian này có thể gây tai biến hoặc để lại di chứng vĩnh viễn cho tai.
Cách khắc phục tình trạng côn trùng chui vào tai
Muốn đề phòng việc côn trùng chui vào tai, người bệnh nên hạn chế ngủ dưới đất. Đặc biệt là vệ sinh nhà ở và giường ngủ thật sạch sẽ. Tuyệt đối không ăn uống trên giường vì khi đồ ăn bị rơi rớt sẽ thu hút kiến và côn trùng đến.
Ngoài ra, không cho trẻ em tiếp xúc nhiều với thú cưng để tránh bị ve chui vào tai. Hơn nữa, cần điều trị ve cho chó mèo.
Sử dụng cửa lưới ngăn côn trùng lắp đặt thêm trong nhà. Giải pháp này không những mang lại hiệu quả cao trong việc ngăn chặn bất kì côn trùng nào mà còn khá an toàn cho người dùng.
Chủ động phun thuốc diệt côn trùng định kỳ hàng tuần (thuốc diệt côn trùng bằng sinh học) để tránh những mối nguy cơ gây hại tiềm tàng từ các loại côn trùng có thể gặp phải.
Một số lưu ý cho người bị côn trùng chui vào tai
- Nếu côn trùng chui sâu vào bên trong tai, người bệnh không cố lấy côn trùng ra bằng nhiều cách khác nhau. Điều này có thể gây tổn thương màng nhĩ hoặc làm côn trùng nát ra dẫn đến nhiễm trùng tai
- Không nên dùng tăm bông hoặc vật nhọn để khều côn trùng từ trong tai ra.
- Đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ phải vệ sinh sạch sẽ sau khi bé bú sữa, thay quần áo, thay ra, áo gối nếu bị dính sữa.
- Nếu phát hiện người bị côn trùng chui vào tai xuất hiện những dấu hiệu bất thường như dịch hay máu chảy ra từ tai, có nghĩa là màng nhĩ đã thủng. Do đó không nên áp dụng phương pháp xử lý trên. Tốt nhất là nhanh chóng đưa người bệnh tới bệnh viện gần nhất để bác sĩ chẩn đoán chính xác.
Trên đây là những cách xử lý ban đầu khi bị côn trùng chui vào tai. Nếu áp dụng các cách sơ cứu trên mà vẫn không thấy hiệu quả thì bệnh nhân cần đến ngay bệnh viện chuyên khoa tai mũi họng để được bác sĩ kiểm tra và xử lý kịp thời.