Nguyên nhân trẻ bị hôi miệng
Tình trạng trẻ em bị hôi miệng ngày càng gia tăng khiến không ít các bé cảm thấy khó chịu và tự ti trong giao tiếp. Có nhiều nguyên nhân khiến hơi thở trẻ em bị nặng mùi.
Chia sẻ với Phụ nữ sức khỏe, Bác sĩ Trương Hữu Khanh – Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) cho biết nguyên nhân trẻ bị hôi miệng chủ yếu xuất phát từ sức khỏe răng miệng, một số khác do bệnh dạ dày.
Theo thống kê, có đến 70% trẻ em bị hôi miệng do các bệnh lý nha khoa. Trẻ bị viêm nướu, áp xe răng, sâu răng, mảng bám tích tụ... và một số bệnh nha khoa khác hoặc vệ sinh răng miệng chưa đạt đều khiến hơi thở có mùi khó chịu.
Hiện tượng hôi miệng xuất hiện ở trẻ còn do thói quen ăn nhiều thực phẩm nặng mùi như hành, tỏi, phô mai, cà ri.... Bên cạnh đó, lượng nước bọt tiết ra trong khoang miệng ít cũng có thể khiến bé bị hôi miệng. Nước bọt tiết ra ít khi trẻ không uống đủ nước, trẻ thở bằng miệng thay vì mũi do các triệu chứng nghẹt mũi, tắc mũi; Một số loại thuốc cũng có thể làm khô nước bọt, Bác sĩ Trương Hữu Khanh thông tin.
Làm gì khi trẻ bị hôi miệng?
Để khắc phục tình trạng hôi miệng ở trẻ, việc chăm sóc sức khỏe răng miệng là yếu tố cần ưu tiên hàng đầu. Bác sĩ Trương Hữu Khanh khuyên các bậc cha mẹ nên hướng dẫn bé vệ sinh răng miệng đúng cách. Cụ thể:
Mẹ nên tập cho trẻ thói quen chải răng sau mỗi bữa ăn và trước giờ đi ngủ để loại bỏ mảng bám, phòng ngừa sâu răng. Trước khi đánh răng mẹ hãy giúp bé loại bỏ thức ăn thừa dính ở kẽ răng bằng chỉ tơ nha khoa. Nên sử dụng kem đánh răng không chứa chất mài mòn và bàn chải mềm cho trẻ. Thay bàn chải sau mỗi 3 tháng là việc làm cần thiết mặc dù vật dụng này chưa bị hư hỏng.
Hàng ngày, mẹ cần nhắc nhở cho trẻ uống đủ lượng nước theo nhu cầu để không bị mất nước, tránh bị khô miệng dẫn đến khoang miệng không tiết nước bọt.
Khi trẻ mắc các bệnh răng miệng, nên điều trị dứt điểm. Các bệnh hô hấp khiến trẻ thở bằng miệng cũng cần được thăm khám và chữa trị kịp thời. Nếu tình trạng hôi miệng kéo dài, mẹ nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ nha khoa.