9 tháng tuổi là giai đoạn trẻ sẽ bắt đầu mọc răng. Hầu hết con sẽ mất cảm giác ngon miệng do những cơn đau, khó chịu và sưng do nướu răng bị nứt. Nếu cha mẹ không xây dựng và duy trì cho con một chế độ ăn hợp lý vào khoảng thời gian này sẽ làm trẻ bị nhẹ cân, kém thông minh.
Thực phẩm lý tưởng cho trẻ 9 tháng tuổi
Yến mạch
Yến mạch có hàm lượng chất xơ, khoáng chất cao, không chất phụ gia và ít chất béo nên đây là lựa chọn tuyệt vời cho thực đơn của trẻ. Bạn có thể chế biến món cháo yến mạch đi kèm với các loại rau xanh, tôm, thịt để món ăn thêm thơm ngon, kích thích vị giác của con.
Trái cây
Từ tháng thứ 9 trở đi, mẹ không cần phải hấp trái cây trước khi cho trẻ ăn. Tuy nhiên, bạn cần lưu ý cắt thành những miếng mỏng hoặc hạt lựu để không làm khó nuốt hay bị vướng nơi cổ họng. Táo, chuối, lê, xoài, mận đều là những lựa chọn tốt nhất để mẹ thêm vào bữa ăn cho con miễn là trái cây đã được rửa sạch, gọt vỏ và loại bỏ hạt.
Bánh mì
Để làm khẩu vị món ăn của con được thêm đa dạng, mẹ có thể thử món bánh mì kèm sữa, phô mai hoặc mứt trái cây. Tuy nhiên, mẹ chỉ nên cho trẻ ăn bánh mì như một món ăn vặt hàng ngày chứ không phải là nguồn thức ăn chính.
Trứng
Trứng được mệnh danh là “ông vua dinh dưỡng” nhờ phần thành phần dinh dưỡng cao có trong đó. Trẻ 9 tháng tuổi hoàn toàn có thể ăn được cả lòng trắng và lòng đỏ mà không lo bị dị ứng.
Mẹ có thể thoải mái cho trẻ thử nhiều loại trứng khác nhau như gà, vịt, ngỗng…với nhiều cách chế biến để làm trẻ không bị ngán.
Thịt, cá
Cá, tôm, thịt là nguồn giàu protein và sắt, do đó cha mẹ không thể bỏ qua nó trong khẩu phần ăn hàng ngày. Ở giai đoạn này, trẻ vẫn chưa có răng hàm để nhai nên cần băm nhỏ hoặc xay nhuyễn để trẻ dễ tiêu hóa thức ăn hơn.
Rau xanh
Rau xanh không chỉ giàu chất xơ rất tốt cho sức khỏe mà còn là nguồn giàu vitamin và khoáng chất không thể thiếu trong mỗi bữa ăn. Đặc biệt, trẻ nhỏ rất cần rau xanh để giảm nguy cơ mắc bệnh về tiêu hóa, mẹ có thể thêm vào nhiều rau trong mỗi khẩu phần ăn hàng ngày của trẻ mà không cần nghiền hoặc xay nhuyễn.
Mẹ chỉ cần nấu chín rau củ, tốt nhất là luộc rồi cắt thành những lát nhỏ cho trẻ thưởng thức. Cải bó xôi, bông cải xanh, cà rốt, khoai tây, khoai lang...là những lựa chọn hàng đầu cho bé.
Nước lọc và nước ép
Nước lọc hoặc trái cây ép cần được cho trẻ uống bổ sung trong giai đoạn này vì lượng sữa mẹ cũng sẽ không còn đủ cung cấp chất dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển của trẻ. Tuy nhiên, mẹ cần tránh các loại hoa quả có múi, vị chua cho đến khi trẻ được 1 tuổi vì chúng dễ làm trẻ bị loét dạ dày
Thực phẩm nên tránh
Trẻ cần tránh ăn các loại cá biển có hàm lượng thủy ngân cao hay các hải sản có vỏ như trai, hến vì sẽ gây hại cho hệ thần kinh trung ương của bé.
Tuyệt đối không cho trẻ dùng mật ong. Các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng, mật ong vô cùng nguy hiểm cho trẻ dưới 12 tháng tuối vì trong mật ong có chứa độc tố botulism. Độc tố này có thể tác động lên dây thần kinh cơ của trẻ gây tê liệt và nguy cơ ngộ độc cao.
Cơ thể người trưởng thành hầu như không bị ảnh hưởng bởi độc tố từ mật ong, vì hệ tiêu hóa chúng ta có đủ khả năng vô hiệu hóa chúng. Trong khi đó, trẻ dưới 12 tháng tuổi, hệ tiêu hóa còn chưa đủ các vi khuẩn có lợi cần thiết để tiêu diệt bào tử, ngăn ngừa sản sinh độc tố từ vi khuẩn
Không nên cho trẻ dưới 5 tuổi ăn các loại ngũ cốc nguyên hạt vì có thể gây nghẹt thở. Muối trong thời gian này cũng không được khuyên dùng cho các món ăn của trẻ, nếu có thì mẹ chỉ nên thêm 1 lượng rất ít để tránh làm tổn thương thận của con. Hạn chế cho trẻ ăn quá nhiều bánh kẹo, đồ uống ngọt vì dễ gây ra các vấn đề về răng miệng.
Tốt nhất mẹ nên tham khảo ý kiến của các chuyên gia dinh dưỡng nếu như cảm thấy không chắc chắn về một loại thực phẩm mà bạn đang muốn thêm vào thực đơn cho con. Hãy xây dựng cho con một thực đơn đa dạng và đầy đủ dinh dưỡng vì 3 năm đầu đời là một trong những cột mốc quan trọng cho sự phát triển về sau của trẻ.