Cây cỏ mực là cây gì?
Cây cỏ mực (cỏ nhọ nồi) có tên khoa học là Eclipta alba Hassk thuộc họ cúc Asteraceae, mọc hoang khắp nước ta, nhất là vùng nông thôn đất đỏ. Khi mang cỏ mực đi vò nát, nước chảy ra đen như mực. Đây được xem là một loại thảo dược chữa được nhiều căn bệnh thường gặp. Vậy cây cỏ mực có tác dụng gì?
Theo y học Cổ truyền, cỏ mực có vị chua ngọt, tính lương, có tác dụng mát huyết và cầm máu hiệu quả. Ngoài ra, lương y còn dùng cỏ mực để thanh can nhiệt, bổ thận âm, làm đen râu tóc.
Nghiên cứu của y học hiện đại cho thấy, cỏ mực có chứa chất đắng, chứa nhiều tinh dầu, tannin, caroten và chất ancaloit có công dụng ngăn chảy máu từ bên trong và chống sưng viêm tĩnh mạch. Dưới đây là những tác dụng của cây cỏ mực.
Tác dụng của cây cỏ mực
Tác dụng của cây cỏ mực với trẻ sơ sinh
Trẻ sơ sinh thường có rất nhiều lông như một cơ chế bảo vệ cơ thể, tuy nhiên lại khiến trẻ ngứa ngáy, ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ của trẻ. Dùng cây cỏ mực tắm cho trẻ sơ sinh là cách mà dân gian thường dùng để giúp bé đỡ ngứa và ngủ ngon giấc hơn.
Cách tắm như sau: Giã nát lá cỏ mực (hay còn gọi là nhọ nồi), hoà thêm với nước ấm, lấy khăn sạch chấm nước đó lên người em bé, vừa chấm vừa lăn tròn tròn kiểu như vê những sợi lông lại, làm vài lần là hết.
Lưu ý, chỉ cần tắm lá cho trẻ sơ sinh khi đã rụng rốn nhằm tránh nhiễm khuẩn đường rốn. Đồng thời, phải đun sôi và để nguội nước lá trước khi tắm cho bé.
Cây cỏ mực hạ sốt cho trẻ sơ sinh
Một trong những tác dụng của cây cỏ mực thường được biết đến là hạ sốt cho trẻ em. Theo đó, dùng một ít lá nhọ nồi ngâm và rửa sạch với nước muối rồi giã nát. Lọc lấy nước nhọ nồi vừa mới giã cho bé uống, mỗi lần khoảng 50ml, uống khoảng 2-3 lần mỗi ngày. Bạn có thể hòa với một ít đường để bé dễ uống hơn. Đối với bé dưới 1 tuổi, ba mẹ có thể đun sôi lên để nguội rồi mới cho bé uống.
Ngoài ra, với bã nhọ nồi, ba mẹ có thể cho vào khăn sạch để đắp trán cho bé bớt nóng hoặc cho vào khăn sạch rồi xoa vào lưng, gan bàn chân, bàn tay để bé hạ sốt. Sau khi uống nước nhọ nồi khoảng 30-40 phút mà bé vẫn chưa hạ sốt, bạn nên đưa bé đi khám bác sĩ.
Tác dụng chữa bệnh của cây cỏ mực
Cây cỏ mực chữa suy thận
Ngoài các lợi ích đối với trẻ em thì dân gian thường dùng cây cỏ mực chữa bệnh thận.
Cây cỏ mực có tính lạnh, vị ngọt chua, không độc có tác dụng rất tốt trong việc điều trị bệnh thận. Đỗ đen là loại hạt cung cấp nhiều dưỡng chất cho cơ thể. Theo Đông y đỗ đen có tính hàn, vị ngọt, có tác dụng lợi thủy bổ thận, giải độc. Kết hợp cây cỏ mực và đỗ đen đã tạo ra một bài thuốc chữa bệnh suy thận hiệu quả.
Dùng một nắm cây cỏ mực, rửa sạch, cắt nhỏ rồi phơi khô, sao vàng để sử dụng dần. Mỗi ngày dùng 30gam cỏ mực đã được sao vàng nấu cùng với 40 gam đỗ đen rang cháy. Nấu khoảng 15 phút rồi chắt lấy nước để uống trong ngày. Khi uống hết nước đầu tiên, cho thêm nước vào nấu và uống, sau 2- 3 lần mới thay thang thuốc mới.
Bài thuốc này có tác dụng hạn chế tình trạng tiểu đêm, hay bị mộng mị khi ngủ, giảm đau lưng. Áp dụng bài thuốc từ cỏ mực đều đặn trong vòng vài tháng sẽ thấy các dấu hiệu bệnh thuyên giảm, ăn uống sẽ có cảm giác ngon miệng hơn.
Cây cỏ mực chữa bệnh trĩ
Dân gian thường dùng cây cỏ mực để chữa bệnh trĩ. Bạn có thể dùng một ít cỏ mực, rửa sạch để ráo rồi nướng trên miếng ngói khô. Sau đó, tán cỏ mực thành bột mịn, cho vào hũ thủy tinh.
Mỗi lần dùng cỏ mực, lấy khoảng 8g bột hòa chung với nước cơm để uống 2 -3 lần trong ngày, kiên trì sử dụng sẽ thấy giảm hiện tượng đi ngoài ra máu.
Bên cạnh đó, bạn có thể dùng 1 nắm cỏ mực, rửa sạch, ngâm nước muối khoảng 10 phút rồi giã nhuyễn. Nấu sôi rượu trắng rồi cho phần cỏ mới giã vào trộn chung, vừa uống nước vừa kết hợp đắp bã vùng ngoài hậu môn.
Bài thuốc này vừa có tác dụng thanh nhiệt, bổ huyết cho bên trong cơ thể vừa sát trùng cầm máu bên ngoài hậu môn.
Cây cỏ mực trị rong kinh
Theo nghiên cứu của y học hiện đại, trong cỏ mực chứa các thành phần Saponin, Tanin, chất đắng, Caroten, Alcaloid, tinh dầu, vitamin E, vitamin A… có tác dụng cầm máu. Do đó, người ta dùng cây cỏ mực chữa rong kinh, rong huyết, hoặc chảy máu ở bất cứ chỗ nào trên cơ thể.
Trong trường hợp rong kinh với lượng huyết ít, dùng cỏ mực tươi giã vắt lấy nước cốt uống hoặc cỏ mực khô sắc nước uống. Nếu huyết ra nhiều, bạn cần thêm vị thuốc trắc bá diệp (Sao đen).
Tuy nhiên, việc chữa rong kinh bằng thuốc nam này nó chỉ điều trị được triệu chứng, giảm bớt tác hại của việc mất máu. Do đó, khi bị rong kinh, nên kết hợp cách trị bệnh rong kinh tại nhà này và đi khám bác sĩ để biết rõ nguyên nhân và cách điều trị tận gốc.
Cây cỏ mực chữa nhiệt miệng
Người bị nhiệt miệng thường có cảm giác đau đớn, khó chịu khi nói chuyện. Dân gian thường dùng cây cỏ mực để chữa nhiệt miệng, đơn giản mà rất hiệu quả.
Dùng cây cỏ mực mang rửa sạch rồi vắt lấy nước cốt, hòa với một ít mật ong. Sau đó, dùng bông thấm bôi vào chỗ sưng đau, lở loét khoảng 2-3 lần/ ngày sẽ thấy công dụng.
Cây cỏ mực chữa dạ dày
Tác dụng của cây cỏ mực được phổ biến rộng rãi, không chỉ dùng để chữa một số bệnh thường gặp, nó còn được dùng để chữa các bệnh về dạ dày. Dân gian thường dùng bài thuốc sau đây để cải thiện tình trạng đau dạ dày:
Dùng 50 gam cỏ nhọ nồi, 20 gam bạch cập, 4 quả đại táo và 15 gam cam thảo (các dược liệu đều phải được phơi khô). Cho tất cả dược liệu vào trong siêu và nấu với 1 lít nước. Nấu với lửa nhỏ cho đến khi lượng nước sắc lại còn gần 1/3 ban đầu thì tắt bếp. Chia lượng nước vừa thu được thành 2 phần bằng nhau, uống sau bữa cơm trưa và tối 30 phút. Sử dụng liên tục trong vòng 2 tuần sau thì cảm giác đau dạ dày sẽ được cải thiện và không còn cảm giác buồn nôn.
Cây cỏ mực chữa tóc bạc
Nhiều người trẻ thường gặp phải tình trạng râu tóc bạc sớm. Các nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là can thận âm hư tổn. Bạn có thể dùng bài thuốc từ cỏ mực để hỗ trợ điều trị bệnh.
Theo đó, dùng 15 gam cỏ mực, 14 gam nữ trinh tử, 10 gam thục địa, 15 gam hà thủ ô chế, cho tất cả dược liệu vào ấm, sắc lấy nước uống. Mỗi ngày, uống một chén thuốc và dùng liên tục trong vòng 30 ngày để cải thiện sức khỏe, khí huyết lưu thông và điều trị tình trạng râu tóc bạc sớm.