Tết Hàn thực (tức 3/3 âm lịch) năm 2024 rơi vào thứ Năm ngày 11/4 dương lịch. Theo phong tục truyền thống của người Việt Nam, vào ngày Tết Hàn thực, các gia đình thường chuẩn bị bánh trôi, bánh chay để dâng lên bàn thờ để cầu mong tổ tiên. Đây là dịp để con cháu hướng về cội nguồn thể hiện truyền thống “uống nước nhớ nguồn”.
Nguồn gốc của ngày Tết Hàn thực (tức 3/3 âm lịch)
Tết Hàn thực có nguồn gốc từ Trung Quốc và gắn liền với một điển tích từ xa xưa được biên lại trong cuốn "Đông Chu Liệt Quốc". Để tưởng niệm lòng trung thành của Giới Tử Thôi, vua nước Tấn đã hạ lệnh trong dân gian phải kiêng đốt lửa ba ngày (từ mùng 3-5/3 âm lịch) và chỉ ăn đồ ăn nguội đã nấu sẵn.
Vì lẽ đó, ngày này được gọi là Hàn thực. Sau này, người Trung Quốc đã giản tiện chỉ giữ lệ làm Tết Hàn thực vào ngày mùng 3/3. Do ảnh hưởng nhiều của văn hóa Trung Quốc, nên người Việt cũng làm Tết Hàn thực. Tuy nhiên kể từ thời Lý, Tết Hàn thực đã được Việt hóa.
Theo đó, người Việt Nam ăn tết Hàn thực để lễ Phật và cúng gia tiên. Vào ngày Tết Hàn thực ở Việt Nam, chúng ta không kiêng lửa, mọi việc nấu nướng vẫn diễn ra bình thường.
Bánh trôi và bánh chay là hai món ăn không thể thiếu trong Tết Hàn thực của người Việt. Ngoài ra, trong ngày này, ở một số nơi, người ta còn có thể nấu xôi chè. Không chỉ thế, nhiều người cho rằng tục làm bánh trôi, bánh chay là để nhắc lại sự tích "bọc trăm trứng" của Âu Cơ.
Do đó, người dân Việt mới sử dụng hình ảnh bánh trôi, bánh chay để bày tỏ lòng thành, tiếp nối truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, tưởng nhớ công lao của ông bà, tổ tiên vào dịp Tết Hàn Thực.
Tại sao phải có bánh trôi bánh chay?
Tục cúng Bánh trôi bánh chay của người Việt gợi nhớ đến tích truyện “bọc trăm trứng của mẹ u Cơ”. Bánh trôi tượng trưng cho 50 quả trứng nở ra thành 50 người con lên rừng theo mẹ. Bánh chay tượng trưng cho 50 quả trứng nở ra thành 50 người con theo cha xuống biển.
Chính vì thế, Tết Hàn thực của người Việt chủ yếu mang ý nghĩa hướng về cội nguồn, tưởng nhớ công lao của những đã khuất.
Theo các chuyên gia văn hoá, khi bước sang tháng 3, thời tiết bắt đầu nóng lên, chuẩn bị bước sang mùa hè. Người Việt xưa đã sáng tạo ra món bánh trôi, bánh chay là những món ăn nguội, mang tính mát. Món ăn này vị ngọt thanh, rất phù hợp cho những ngày nóng nực.
Việc dùng bánh trôi, bánh chay để cúng lễ cũng mang nhiều ý nghĩa tốt đẹp. Nó thể hiện cho văn hóa lúa nước. Cả hai thứ bánh đều được làm từ bột gạo nếp thơm, thành quả lao động vất vả mới có được để dâng lên ông bà, tổ tiên.
Cúng bánh trôi bánh chay nhiều màu hay nên cúng màu trắng?
Bánh trôi bánh chay của Việt Nam xưa chỉ có bột nếp trắng, bên trong nhân đỗ hoặc nhân đường. Bánh trôi bánh chay còn thể hiện cho người phụ nữ Việt Nam tấm lòng thanh khiết trắng trong, ba chìm bảy nổi nhưng không làm mất đi bản chất tốt đẹp của mình.
Ngày nay khi đời sống phát triển hơn, nhiều người thích sáng tạo bánh trôi bánh chay nhiều màu sắc trồng đẹp mắt.
Tuy nhiên thờ cúng dịp 3.3 mang ý nghĩa thắp hương tưởng nhớ tổ tiên và ăn đồ nguội không cầu kỳ lễ vật và thể hiện sự trong sáng, thanh tịnh.
Bởi thế khi thắp hương nên thắp hương bánh trôi bánh chay vỏ trắng truyền thống để thể hiện sự trang trọng trong thờ cúng, còn việc bày mâm cỗ và thưởng thức bánh trôi bánh chay nhiều màu. Tất nhiên điều đó cũng tùy thuộc vào niềm tin tâm linh của mỗi người.
Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo!