Sau đại dịch Covid-19 và sự gia tăng của các ca đậu mùa khỉ, tin tức về loại virus khác lại xuất hiện khiến nhiều chuyên gia lo lắng. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), virus Marburg có khả năng lây nhiễm cao đã được báo cáo tại Ghana. Đây là lần đầu tiên một quốc gia ở Tây Phi phát hiện ca nhiễm virus này.
Hai người tử vong
Theo Washington Post, hai nạn nhân nhiễm Marburg không có có mối liên hệ dịch tễ, trú tại miền Nam Ashanti của Ghana. Trước đó, mẫu xét nghiệm của họ được xác nhận dương tính bởi một phòng thí nghiệm tại Senegal. 98 người Ghana đang phải cách ly vì tiếp xúc với hai ca bệnh.
Căn bệnh do virus Marburg gây ra có khả năng lây nhiễm cao tương tự Ebola và chưa có vaccine phòng ngừa. Theo WHO, tỷ lệ tử vong do căn bệnh này gây ra có thể lên tới gần 90%.
Các quan chức y tế nước Ghana cho biết họ đang tích cực cách ly người tiếp xúc gần ca bệnh, giảm thiểu sự lây lan của virus. “Khả năng phát tán rộng rãi của virus Marburg có nghĩa chúng ta cần phải chặn đứng đường đi của nó”, Matshidiso Moeti, Giám đốc khu vực châu Phi của WHO, cho biết.
Virus Marburg là gì?
Marburg là virus hiếm gặp nhưng có khả năng lây nhiễm cao, nó gây bệnh sốt xuất huyết. Đây là virus cùng họ với Ebola.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), Marburg là “virus RNA độc nhất về mặt di truyền của động vật thuộc họ filovirus”. WHO cho biết tỷ lệ tử vong dao động từ 24% đến 88%, tùy thuộc vào chủng virus và khả năng kiểm soát ca mắc.
Marburg có thể đã được truyền sang người từ dơi ăn quả châu Phi. Đây không phải là bệnh lây truyền qua không khí.
Khi ai đó bị nhiễm bệnh, virus có thể lây lan dễ dàng giữa người với người thông qua tiếp xúc trực tiếp với chất dịch cơ thể như máu, nước bọt hoặc nước tiểu, các bề mặt và vật liệu bị ô nhiễm. Người thân và nhân viên y tế là nhóm dễ bị tổn thương nhất vì họ tiếp xúc gần bệnh nhân, thi thể vẫn có thể phát tán virus cho người chôn cất.
Các ca nhiễm virus đầu tiên được xác nhận ở châu Âu vào năm 1967. Hai đợt bùng phát lớn ở Marburg, Frankfurt (Đức) và Belgrade (Serbia) là những ca bệnh đầu tiên, khiến ít nhất 7 người thiệt mạng. Trong khi đó, đợt bùng phát dịch chết chóc nhất xảy ra tại Angola năm 2005, cướp đi sinh mạng của hơn 200 nạn nhân xấu số.
Marburg đã được phát hiện ở đâu?
Hai ca nhiễm Marburg đánh dấu lần thứ hai virus này được phát hiện ở Tây Phi. Trường hợp đầu tiên được báo cáo trong khu vực là tại Guinea vào năm 2021. Virus có thể lây lan nhanh chóng, do đó, 90 người liên quan gồm nhân viên y tế, người thân, người tiếp xúc gần ca bệnh đang được theo dõi ở Ghana. WHO cho biết họ cũng đã liên hệ với các quốc gia lân cận có nguy cơ cao để cảnh báo về tình trạng báo động.
Các trường hợp mắc Marburg trước đó đã được báo cáo ở châu Phi (Uganda, Cộng hòa Dân chủ Congo, Kenya, Nam Phi và Zimbabwe).
Loại virus này được cho là không có nguồn gốc từ các lục địa khác. Theo CDC, các ca bệnh ghi nhận bên ngoài châu Phi là "không thường xuyên". Tuy nhiên, năm 2008, một phụ nữ Hà Lan đã chết vì bệnh Marburg sau khi đến thăm Uganda. Một du khách Mỹ cũng mắc bệnh sau chuyến du lịch Uganda năm 2008 nhưng đã khỏi bệnh. Cả hai người này đều đã đến thăm một hang động nổi tiếng tại công viên quốc gia, vốn là nơi sinh sống của dơi ăn quả.
Triệu chứng bệnh là gì?
Theo WHO, bệnh Marburg có khởi phát đột ngột với biểu hiện sốt cao, đau đầu dữ dội, khó chịu, nhức cơ, chuột rút.
Tại Ghana, hai bệnh nhân được mô tả với triệu chứng như tiêu chảy, sốt, buồn nôn, nôn. Một trường hợp là nam giới, 26 tuổi, nhập viện ngày 26/6 và tử vong một ngày sau đó. Người thứ hai là nam giới, 51 tuổi, đến bệnh viện ngày 28/6 và qua đời cùng ngày.
Trong những trường hợp tử vong, người bệnh thường qua đời vào ngày thứ 8-9 sau khi khởi phát triệu chứng. Trước khi tử vong, bệnh nhân bị mất máu, xuất huyết nghiêm trọng, rối loạn chức năng đa cơ quan.
CDC cũng lưu ý vào khoảng ngày thứ năm, bệnh nhân có thể xuất hiện phát ban không ngứa trên ngực, lưng hoặc dạ dày. Chẩn đoán lâm sàng của Marburg "có thể khó khăn" với nhiều triệu chứng tương tự các bệnh truyền nhiễm khác như sốt rét hoặc sốt thương hàn.
Có thể điều trị được Marburg không?
Hiện tại, thế giới không có vaccine hay thuốc kháng virus. Tuy nhiên, các biện pháp chăm sóc hỗ trợ có thể cải thiện tỷ lệ sống sót của người bệnh. Họ sẽ được truyền nước, duy trì nồng độ oxy, sử dụng thuốc điều trị từng triệu chứng. Một số chuyên gia y tế cho biết các loại thuốc dùng cho Ebola có thể mang tới hiệu quả cho người bị nhiễm Marburg.
Hiện nay, một số phương pháp điều trị thử nghiệm cho Marburg được thử nghiệm trên động vật. Song, không phương pháp nào tiến tới giai đoạn thử nghiệm lâm sàng trên người.
WHO cho biết các mẫu virus được thu thập từ bệnh nhân để nghiên cứu có "nguy cơ nguy hiểm sinh học đặc biệt", việc kiểm tra cần phải thực hiện trong phòng thí nghiệm với điều kiện bảo vệ tối đa.
WHO đã và đang làm gì?
WHO cho biết họ đang hỗ trợ nhóm điều tra liên quốc gia ở Ghana và tập hợp các chuyên gia riêng của đất nước này. Tổ chức Y tế Thế giới cũng đã gửi thiết bị bảo hộ, tăng cường giám sát dịch bệnh và truy vết để kịp thời ứng phó, chặn đứng nguồn lây khi số lượng ca bệnh còn ít.
Thông tin chi tiết có thể sẽ được WHO châu Phi chia sẻ tại cuộc họp giao ban trực tuyến vào ngày 21/7.
“Điều đáng lo ngại là phạm vi địa lý của bệnh này dường như đã lan rộng. Đây là bệnh nhiễm trùng rất nghiêm trọng với tỷ lệ tử vong cao”, Giáo sư Jimmy Whitworth, chuyên gia y tế công cộng quốc tế tại trường Y học Nhiệt đới và Vệ sinh London, nhận định với Washington Post.
Ông nói thêm: “Điều quan trọng là phải biết bằng cách nào virus xâm nhập vào người dân để gây đợt bùng phát này và bằng mọi giá phải ngăn chặn virus lây nhiễm thêm cho người khác. Hiện tại, nguy cơ lây lan của dịch ra bên ngoài vùng Ashanti của Ghana là rất thấp".