Phụ Nữ Sức Khỏe

Nguy hiểm bệnh viêm não vào mùa

Thống kê của Bộ Y tế cho thấy chỉ trong một tháng qua, 49 trường hợp mắc bệnh viêm não virus đã có tới 3 ca tử vong.

Bệnh viêm não và viêm màng não đang vào mùa cao điểm. Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương, đang điều trị cho 25 bệnh nhân viêm não, viêm màng não do các căn nguyên khác nhau.

Tỷ lệ di chứng cao

TS Bùi Hữu Nam, Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương, cho hay tháng 5-8 hàng năm là giai đoạn thường ghi nhận sự gia tăng các bệnh lý viêm não, đặc biệt là viêm não Nhật Bản.

Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng thường thấy nhất ở trẻ em từ 2 đến 8 tuổi. Đây được xem là một trong những bệnh nguy hiểm, có tỷ lệ tử vong và di chứng cao ở trẻ.

Những di chứng này khiến người bệnh giảm khả năng giao tiếp, giảm hoặc mất khả năng lao động, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Bệnh nhi N.V.M. (9 tuổi, tỉnh Thái Nguyên) rơi vào tình trạng hôn mê, phải thở máy, tiên lượng để lại nhiều di chứng ngay cả khi vượt qua cơn nguy hiểm.

Trước đó, sau trận sốt cao li bì, không đáp ứng với thuốc, M. được gia đình đưa tới trạm xá rồi bệnh viện tuyến huyện nhưng tình trạng không thuyên giảm. M. dần rơi vào tình trạng lơ mơ, giảm ý thức và được chuyển tới Bệnh viện Nhi Trung ương.

Bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương chăm sóc bệnh nhi mắc viêm não.

Kết quả chẩn đoán cho thấy, M. đã mắc viêm não Nhật Bản. Điều đáng nói là khi khai thác tiền sử tiêm chủng của bệnh nhi, cha mẹ cậu bé chỉ nhớ mơ hồ đã cho con đi tiêm phòng theo chương trình Tiêm chủng mở rộng, có thể trong đó đã có mũi phòng viêm não Nhật Bản. Tuy nhiên, M. đã không tiêm nhắc lại vaccine theo khuyến cáo.

Bé P.T.T. mới 5 tuần tuổi, đã phải nhập viện vì viêm não, viêm màng não do vi khuẩn, phải thở máy. Dù đã cai được thở máy, bác sĩ điều trị cho hay tương lai của em còn rất nhiều khó khăn do phải đối mặt với các vấn đề như giãn não thất và một số di chứng khác.

TS Đỗ Thiện Hải, Phó giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, cho biết: “Các trẻ mắc viêm não Nhật Bản những ngày gần đây tại trung tâm chủ yếu là trẻ lớn từ 5 tuổi trở lên. Đa số trẻ có các biểu hiện như sốt cao, buồn nôn, đau đầu, ngủ nhiều và nếu không xử lý kịp thời sẽ dẫn đến hôn mê và co giật”.

Thực tế, không ít trẻ do bố mẹ chủ quan, không nhận biết các dấu hiệu sớm của bệnh lý viêm não nên tự ý mua thuốc điều trị, chậm trễ trong việc đưa con đi viện khám.

Hiện nay, bệnh viêm não Nhật Bản chưa có thuốc kháng virus đặc hiệu. Khi trẻ có biểu hiện mắc viêm não Nhật Bản, lượng virus chủ yếu tập trung ở não và gây tổn thương các tế bào thần kinh. Do vậy, việc điều trị viêm não Nhật Bản rất khó khăn, với tỷ lệ tử vong và di chứng rất cao.

“Thông thường tỷ lệ trẻ tử vong do mắc viêm não Nhật Bản là 3-5%, tỷ lệ di chứng có thời điểm lên tới 20-25%. Nếu tính cả những trường hợp trẻ sau khi ra viện và được theo dõi, đánh giá sau 2-3 năm, tỷ lệ di chứng còn cao hơn nữa”, TS Đỗ Thiện Hải cho biết.

Cần thiết tiêm mũi vaccine nhắc lại

Cũng theo TS Bùi Hữu Nam, hầu hết trường hợp viêm não đến điều trị đều chưa được tiêm hoặc chưa tiêm đầy đủ mũi nhắc lại các loại vaccine phòng bệnh viêm não đã có (như vaccine viêm não Nhật Bản, vaccine phế cầu, vaccine 6 trong 1).

Bác sĩ khuyến cáo các bậc phụ huynh nên đưa trẻ đi tiêm đủ các loại vaccine phòng viêm não, viêm màng não đã có.

Bên cạnh đó, gia đình cần chú ý vệ sinh, ăn uống sạch sẽ giúp trẻ nâng cao thể trạng; rửa tay cho trẻ trước khi ăn; vệ sinh nhà cửa, môi trường sống của trẻ sạch sẽ, thoáng mát.

Theo các bác sĩ, thời gian vàng để điều trị cũng như hạn chế di chứng có thể xảy ra khi trẻ mắc viêm não Nhật Bản là 2 ngày kể từ khi nhiễm virus.

Vì vậy, khi thấy trẻ có các biểu hiện như: sốt cao liên tục, nôn, các triệu chứng rối loạn vận động và rối loạn ý thức như tay chân khó cử động, run, người li bì, lơ mơ, co giật, hôn mê với trẻ lớn, trẻ có dấu hiệu đau đầu… cần đưa đến viện khám ngay.

Theo TS Đỗ Thiện Hải, so với các bệnh viêm não, viêm màng não, viêm não Nhật Bản thường để lại di chứng nặng nề nhất. Nguyên nhân trẻ mắc bệnh, ở hầu hết trường hợp, là do phụ huynh quên lịch tiêm nhắc lại vaccine viêm não Nhật Bản cho con sau khi hoàn thành những mũi tiêm cơ bản lúc 2 tuổi.

Bác sĩ Hải khuyến cáo phụ huynh nên lưu ý cho con tiêm đầy đủ các mũi vaccine phòng viêm não Nhật Bản. Mũi một tiêm khi trẻ được một tuổi, mũi 2 sau mũi một 1-2 tuần, mũi 3 tiêm sau một năm tiêm mũi 2.

Sau đó, trẻ nên tiêm nhắc lại sau 3-4 năm đến khi 15 tuổi. Vaccine viêm não Nhật Bản có tác dụng phòng bệnh trong khoảng 3-5 năm.

Theo Hà Minh/ Tiền Phong

Tin liên quan

Sáng 19/7: Chỉ còn 29 ca COVID-19 nặng phải thở oxy; Giám sát chặt các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm...

Ủy ban Khẩn cấp của WHO cho biết, COVID-19 vẫn là vấn đề y tế toàn cầu khi số ca...

Nhận biết nguy cơ mắc tiểu đường thông qua sự biến đổi báo động của làn da

Các trường hợp mắc bệnh tiểu đường đang gia tăng và ước tính có khoảng 13,6 triệu người Anh có...

Ung thư dạ dày biểu hiện qua các triệu chứng nhỏ dễ phát hiện

Bệnh ung thư dạ dày rất hiếm, với ít hơn 200.000 trường hợp được chẩn đoán mỗi năm ở Hoa...

Phụ nữ lo sợ họ bị chẩn đoán sai khi bác sĩ 'bỏ sót' các yếu tố thay đổi trên...

Theo nghiên cứu mới đã cho biết, phụ nữ trên khắp Vương quốc Anh lo sợ họ không nhận được...

Cảnh báo: Nhiệt độ tăng cao có ảnh hưởng thế nào đến sức khỏe và thể trạng của nam giới?

Các chuyên gia nói rằng nhiệt độ khiến nam giới ăn nhiều hơn, tuy nhiên, điều này liệu có tốt...

6 điều bạn không được nói dối bác sĩ

Không nói thật về tiền sử phẫu thuật, đời sống tình dục hay thói quen hút thuốc, uống rượu có...

9 dấu hiệu cảnh báo bạn đang ăn quá mặn

Phù nề, đầy hơi, khát nước, đi tiểu liên tục, luôn cảm thấy đồ ăn nhạt nhẽo là những dấu...

Tin mới nhất

Tin Phụ Nữ Và Gia Đình