Ớt chuông hay ớt ngọt là một loại rau phổ biến mà mọi người có thể ăn sống hoặc nấu chín. Chúng có nguồn gốc từ Bắc và Nam Mỹ, chính vụ thường vào mùa hè và mùa thu.
Ớt chuông có nhiều màu sắc khác nhau tùy thuộc vào từng loại và độ chín. Mọi người có thể chọn từ ớt xanh đến ớt vàng, cam, tím hoặc đỏ. Ớt chuông màu nào cũng đều có lợi về mặt dinh dưỡng, nhưng ớt đỏ có thể có hàm lượng chất chống oxy hóa và chất dinh dưỡng thực vật cao hơn vì chúng chín hơn ớt vàng hoặc xanh.
Giống như tất cả các loại rau, ớt chuông tự nhiên chứa một lượng nhỏ đường. Ớt đỏ ngọt hơn, trong khi ớt xanh có vị đắng hơn.
Trong bài viết này, mời bạn cùng tìm hiểu những lợi ích sức khỏe của ớt chuông, phân tích các rủi ro có thể gặp khi ăn và cách chế biến phù hợp với loại rau này.
Ớt chuông giàu vitamin C
Ớt chuông có nhiều vitamin C, đặc biệt là ớt đỏ. Theo Viện Y tế Quốc gia Mỹ (NIH), nửa cốc ớt đỏ sống cung cấp 95 miligam (mg) vitamin C, chiếm 106% giá trị hàng ngày được khuyến nghị cho người lớn và trẻ em từ 4 tuổi trở lên.
Giống như tất cả các loại vitamin, vitamin C rất cần thiết cho sức khỏe. Cơ thể không thể tự tạo ra vitamin C mà chỉ nhận được thông qua chế độ ăn uống.
Vitamin C rất quan trọng đối với nhiều chức năng trong cơ thể, bao gồm: Sản xuất collagen - chất cần thiết để chữa lành vết thương và hình thành mô liên kết; Chuyển hóa protein; Hỗ trợ hệ thống miễn dịch; Tăng sự hấp thụ sắt không heme (dạng có trong thực vật)...
Vitamin C còn có khả năng chống oxy hóa mạnh mẽ, trung hòa các gốc tự do và giảm nguy cơ ung thư và các bệnh khác liên quan đến stress oxy hóa. Nạp đủ vitamin C sẽ giúp ngăn ngừa các tình trạng xảy ra do thiếu vitamin C, chẳng hạn như bệnh Scurvy (bệnh của máu do thiếu vitamin C trong đồ ăn hàng ngày).
Ớt chuông là nguồn vitamin A dồi dào
Theo NIH, nửa cốc ớt đỏ sống cung cấp 117 mcg vitamin A, chiếm 13% nhu cầu hằng ngày.
Dạng vitamin A trong ớt có màu cam và đỏ được gọi là beta caroten. Vitamin A đóng một vai trò thiết yếu trong việc thực hiện các chức năng của cơ thể như nhìn, miễn dịch, sinh sản, kết nối giữa các tế bào, tăng trưởng tế bào và hoạt động bình thường của các cơ quan.
Các nguồn beta carotene khác bao gồm rau bina và khoai lang.
Chứa nhiều vitamin và khoáng chất khác
Ớt chuồng cũng là nguồn cung cấp:
- Vitamin B6: Đây là loại vitamin hỗ trợ hệ thần kinh trung ương và sự trao đổi chất.
- Folate: Loại vitamin này, còn được gọi là vitamin B9, giúp chuyển hóa carbohydrate thành năng lượng và cần thiết cho sự phát triển và tăng trưởng bình thường của tế bào.
- Vitamin E: Hỗ trợ hệ thống miễn dịch và giữ cho các mạch máu khỏe mạnh.
- Chất xơ: Giúp thúc đẩy sức khỏe đường ruột và tim mạch bằng cách hỗ trợ nhu động ruột thường xuyên và giảm mức cholesterol lipoprotein mật độ thấp.
Nguồn chất chống oxy hóa tuyệt vời
Ớt chuông còn là một nguồn tuyệt vời của chất chống oxy hóa, bao gồm cả flavonoid, giúp bảo vệ chống lại các tổn thương oxy hóa trong cơ thể.
Ớt chuông chứa một số chất chống oxy hóa khác nhau như: quercetin, luteolin, capsaicinoids, vitamin C, beta caroten, lycopene... Các hợp chất này giúp ngăn ngừa tổn thương tế bào oxy hóa, có thể giúp phòng tránh một số bệnh như: ung thư, tiểu đường, đục thủy tinh thể, bệnh tim mạch, Alzheimer, bệnh Parkinson.
Các flavonoid trong ớt cũng giúp bảo vệ các tế bào não bằng cách giúp ngăn chặn quá trình oxy hóa các chất béo thiết yếu trong các tế bào đó.
Hỗ trợ sức khỏe của mắt
Zeaxanthin và lutein là các carotenoid trong ớt có thể giúp bảo vệ sức khỏe của mắt. Một nghiên cứu năm 2020 cho thấy một số loài ớt cam có hàm lượng zeaxanthin cao. Ớt vàng chứa hàm lượng lutein cũng khá cao.
Cải thiện tình trạng viêm và viêm khớp
Theo Tổ chức Viêm khớp Mỹ, ớt chuông có thể giúp giảm nguy cơ mắc một số loại viêm khớp và các tình trạng viêm nhiễm khác. Tác dụng này có được là nhờ hai yếu tố: beta-cryptoxanthin và hàm lượng vitamin C cao.
Beta-cryptoxanthin là một loại carotenoid có trong ớt đỏ và cam. Tiêu thụ nó có thể làm giảm nguy cơ khả năng mắc bệnh viêm khớp dạng thấp.
Ớt chuông có thể giúp bảo vệ các tế bào xương và sụn vì hàm lượng vitamin C cao. Sử dụng ít hơn mức khuyến nghị hàng ngày là 75 mg vitamin C đối với nữ và 90 mg đối với nam có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm xương khớp. Trong khi đó, chỉ cần một nửa bát ớt chuông đã cung cấp đủ chất này cho một người cả ngày.
Một số rủi ro có thể gặp khi sử dụng ớt chuông
Một số người có thể gặp những phản ứng không mong muốn khi ăn ớt chuông, chẳng hạn như tình trạng dị ứng. Nếu sau khi ăn, bạn có các biểu hiện như ngứa, nổi mề đay... và nghi ngờ mình bị dị ứng với ớt chuông thì có thể đi làm xét nghiệm chích da để kiểm tra và phòng ngừa. Nếu bạn vốn dị ứng hạt tiêu hoặc đồ cay thì nên tránh ăn ớt chuông.
Chọn và sử dụng ớt chuông như thế nào cho tốt?
Khi mua, nên chọn quả có vỏ chắc, mịn, không bị thâm, dập. Tránh mua những quả ớt mà vỏ có những phần bị nhũn hay nhăn nheo. Các vi sinh vật có hại có thể xâm nhập vào đó và khiến bạn gặp các vấn đề về sức khỏe, chẳng hạn như ngộ độc thực phẩm.
Có thể đựng ớt chuông trong túi nilon và bảo quản trong tủ lạnh 5 ngày.
Ớt chuông có thể ăn sống bằng cách cắt bỏ cuống, lọc sạch phần trắng ở giữa và hạt rồi thái lát. Bạn cũng dễ dàng chế biến ớt chuông thành nhiều món ngon như ớt chuông xào, ớt xào thịt bò hay thịt lợn, ớt chuông nhồi thịt bỏ lò, thêm vào topping pizza…