Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: “Đến giờ phút này Việt Nam đang kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh vì chúng ta có sự lãnh đạo đúng, thực thi đúng và hiệu quả. Tình hình tốt lên thì điều quan trọng là nhất định không được chủ quan”.
PGS.TS Trần Đắc Phu nhận định, từ hôm nay (23/4), nhiều địa phương sẽ được “nới lỏng” khi các hoạt động kinh tế, sản xuất đi vào hoạt động, học sinh cũng chuẩn bị đi học trở lại, lúc này toàn dân không chỉ tiếp tục thực hiện triệt để quy tắc 4 an toàn, mà thậm chí là 5 an toàn, mới đảm bảo phòng dịch.
Theo đó, người dân tiếp tục thực hiện đeo khẩu trang vì đeo khẩu trang là việc quan trọng nhất trong phòng chống các bệnh lây lan qua đường hô hấp. Tiếp tục duy trì, tránh việc giao tiếp gần dưới 2 mét, không nên tụ tập đông người, hạn chế đi ra khỏi nhà nếu không cần thiết và đặc biệt lưu ý những đối tượng người cao tuổi, người có bệnh nền.
Đặc biệt cần khai báo y tế đầy đủ, nhất là khi có những triệu chứng như: sốt, ho, khó thở, kể cả triệu chứng mệt mỏi mà không tìm ra nguyên nhân… Khi khai báo, người dân sẽ được tư vấn, hướng tới làm xét nghiệm, chẩn đoán điều trị, sàng lọc ca bệnh trong cộng đồng.
Theo nhận định của các chuyên gia, các hoạt động bình thường trở lại sẽ làm tăng những nơi tập trung đông người, nếu không quyết liệt thực hiện phòng bệnh dịch rất dễ bùng phát mạnh.
“Chúng ta cần đặc biệt chú ý vấn đề phòng dịch tại các khu ở tập trung của công nhân, các khu ký túc xá… là những nơi khó kiểm soát và dễ lây lan dịch bệnh. Vừa qua, Singapore đã để lại bài học khi chủ quan, đã có trường hợp bùng phát dịch bệnh ở những khu lao động tự do nhập cư.
Bên cạnh đó, ở khu ký túc xá các trường trung học, đại học, việc ăn ở của các học sinh, sinh viên, phòng bệnh trong khu tập trung cũng phải đặt lên hàng đầu. Vì đây là môi trường rất dễ lây lan do khó thực hiện triệt để được khoảng cách giao tiếp của các học sinh ở nơi ở”, ông Phu khuyến cáo.
Xét đề nghị của Bộ Y tế về kế hoạch, phương án sản xuất máy thở phục vụ phòng, chống dịch COVID-19, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ Y tế căn cứ nhu cầu máy thở cho các kịch bản, đề xuất số lượng máy thở cần phải bổ sung thêm, làm việc với các đơn vị tài trợ và các đơn vị sản xuất để quyết định số lượng đặt hàng, mua theo đúng quy định.
Trước đó, tại Thông báo số 141/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại cuộc họp về phương án sản xuất máy thở phục vụ phòng, chống dịch COVID-19 nêu rõ, trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh COVID-19 trên thế giới, việc đáp ứng đủ nhu cầu máy thở cho hoạt động khám chữa bệnh nhân là đặc biệt quan trọng và cần thiết, liên quan trực tiếp đến tính mạng của người bệnh.
Khi dịch bệnh bùng phát mạnh, nhu cầu sử dụng máy thở tăng cao, khả năng đáp ứng máy thở sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, khả năng sản xuất của các doanh nghiệp nước ngoài cũng không đủ cung ứng nhu cầu các nước trên thế giới, gây khó khăn cho việc đặt mua máy thở của Việt Nam từ nước ngoài.
Trước tình hình đó, việc đẩy mạnh nghiên cứu, sản xuất máy thở trong nước có ảnh hưởng sống còn đến quá trình kiểm soát dịch bệnh ở nước ta.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá cao một số doanh nghiệp trong nước đã tích cực, khẩn trương nghiên cứu, sản xuất các trang thiết bị y tế phòng chống dịch như camera đo thân nhiệt từ xa, máy thở.
Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, cần nhanh chóng chuẩn bị đủ các trang thiết bị y tế, thuốc chữa bệnh, đặc biệt là máy thở, sẵn sàng các phương án ứng phó, kể cả với tình huống xấu nhất.
Trên cơ sở đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế rà soát lại toàn bộ số lượng các loại máy thở hiện đang sử dụng và dự trữ, đồng thời đánh giá đầy đủ nhu cầu máy thở cho các kịch bản và xây dựng kế hoạch huy động, đặt hàng sản xuất mới.
Bộ Y tế chủ động phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp sản xuất máy thở trong nước để chủ động trong nghiên cứu và sản xuất; nghiên cứu kiến nghị của các doanh nghiệp để đẩy nhanh tiến độ sản xuất máy thở trong nước như ban hành tiêu chuẩn về máy thở, hỗ trợ thiết bị đo lường, thực hiện thủ tục thông quan và miễn thuế nhập khẩu đối với các nguyên liệu để sản xuất máy thở.
Phó Thủ tướng cũng giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ và các bộ, cơ quan liên quan tổ chức kiểm định, đánh giá thử nghiệm máy thở sản xuất trong nước để có thể đưa ra sử dụng kịp thời, góp phần vào việc phòng, chống dịch bệnh COVID-19.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế sẵn sàng đào tạo, tập huấn cho đội ngũ nhân lực sử dụng, vận hành máy thở; chủ động phương án cung ứng các nguyên liệu, phụ tùng thay thế trong quá trình sử dụng máy thở đảm bảo an toàn tuyệt đối.