Anh là nhân viên nhà nước, ngày hai buổi đến cơ quan, vợ kinh doanh nhỏ tại nhà cho nên trước nay mặc định công việc nội trợ, chăm con là giao phó toàn tập cho vợ. Cũng chính vì “lập trình” như vậy nên khi vợ vắng nhà vài hôm thì mọi việc trở nên… nhốn nháo! Đứa con trai nào giờ đã quen được mẹ dạy dỗ, kèm cặp việc học, nhất là khi mới vào lớp 1 lại học hình thức trực tuyến. Cho nên, khi cha làm… mẹ, đứa con không tránh khỏi ngỡ ngàng, vì cái gì cha cũng không biết, thế là “cha điện hỏi mẹ đi” luôn là câu nói thường trực của nó.
Cơm nước, đồ ăn, cha chỉ làm được mỗi món cơm chiên trứng, mì gói nên ngoài nỗ lực của cha, mẹ phải nhờ sự trợ giúp của người thân. Chuyện cơm nước không còn khó, chỉ mỗi chuyện dạy học cho con khi kỳ thi học kỳ đến gần là mối bận tâm lớn nhất của mẹ…
Khi vợ vắng nhà, những người chồng vốn quen được vợ “bao” việc nhà sẽ rối rắm như thế! Tự mỗi người đàn ông lúc đó sẽ nhận ra, nhiệm vụ nội trợ không hề đơn giản như họ vốn nghĩ. Cứ tưởng, ở nhà là thảnh thơi, thế nhưng trăm việc không tên luôn biến người phụ nữ thành… ô-sin trong chính ngôi nhà mình. Nhà cửa ngăn nắp, bếp núc gọn gàng, cơm canh ngon lành, quần áo sạch sẽ, con cái học hành nền nếp… luôn đặt lên đôi vai người vợ biết bao nhiêu nhiệm vụ mỗi ngày.
Bình đẳng giới không chỉ tạo sự công bằng giữa nam và nữ, thúc đẩy sự tiến bộ của một xã hội văn minh, mà đơn giản hơn trong mỗi nhà là giúp đôi bên có thể tự cân bằng cuộc sống của mình khi thiếu vắng bên kia, những ngày vợ vắng nhà đã cho anh chồng suy nghĩ đó…