Vợ chồng anh Nguyễn Văn Hùng (ở TP.HCM) mới tổ chức đám cưới được một tuần, sau đó cả hai đi khám sức khỏe sinh sản luôn để kịp cho kế hoạch “săn con trọn năm Rồng” - tức là cả mang thai, sinh con trong năm Giáp Thìn.
Trong lúc chờ kết quả xét nghiệm, anh Hùng cho biết dự định sang năm hai vợ chồng mới kết hôn nhưng như vậy sẽ lỡ mất kế hoạch sinh con năm Thìn. Anh chia sẻ rằng, hai vợ chồng anh sinh năm Tân Mùi, nếu kịp sinh con năm Thìn mới “hợp tuổi”, làm ăn phát đạt. Do đó hai bên nội ngoại thay đổi kế hoạch phút cuối về việc tổ chức đám cưới.
Tuy nhiên, kết quả thăm khám, làm xét nghiệm tại một bệnh viện tư nhân ở TP.HCM bất ngờ ghi nhận cả hai vợ chồng anh Hùng dương tính với xoắn khuẩn giang mai. Anh Hùng cho biết, trước đó thỉnh thoảng có nổi nốt màu hồng tươi ở ngực, bụng, tay chân nhưng không ngứa. Do các nốt xuất hiện rồi lại biến mất nên dù hai vợ chồng có triệu chứng tương tự nhưng nghĩ bị dị ứng thức ăn nên không để ý. Sau khi biết mắc bệnh, cặp uyên ương đều khẳng định rất chung thủy, tin tưởng lẫn nhau, sinh hoạt lành mạnh nên không biết nguồn lây từ đâu.
TS.BS Đặng Thị Ngọc Bích, chuyên khoa Da liễu - Thẩm mỹ Da cho biết, tình trạng bệnh của vợ chồng anh Hùng đã ở giai đoạn muộn (mắc bệnh trên một năm), tiềm ẩn nhiều biến chứng nên được áp dụng phác đồ điều trị là tiêm ba mũi kháng sinh, mỗi mũi cách nhau một tuần.
Một trường hợp khác là anh Lê Minh Khái (36 tuổi, ở Hậu Giang) cũng đến bệnh viện để khám sức khỏe với mục đích sinh “rồng con”, vì anh tuổi Mậu Thìn nếu sinh được con năm nay sẽ có nhiều tài lộc.
Khi thăm khám, bác sĩ nhận thấy miệng anh Khái có vết loét giống săng giang mai, lòng bàn tay có tổn thương da đặc trưng hồng ban sẩn vảy. Kết quả xét nghiệm phát hiện anh nhiễm giang mai, còn người vợ âm tính. Người đàn ông này cho biết, khả năng lây bệnh có thể là do lần “bóc bánh trả tiền” hồi tháng trước.
May mắn hơn cặp vợ chồng trên, anh Khái mắc giang mai ở giai đoạn sớm nên bác sĩ chỉ định điều trị đồng thời cho cả hai vợ chồng, mỗi người tiêm duy nhất một liều kháng sinh mạnh.
Với các đôi điều trị giang mai, ba tháng sau mũi tiêm cuối cùng, người bệnh sẽ được xét nghiệm kiểm tra lại. Khi đó, nếu đã loại bỏ được hoàn toàn tác nhân gây bệnh, kết quả âm tính với giang mai, tức là khỏi bệnh. Lúc này, các cặp vợ chồng có thể tiếp tục thực hiện quá trình hỗ trợ sinh sản hoặc mang thai tự nhiên. Tuy nhiên, người bệnh vẫn được xét nghiệm theo dõi ở tháng thứ 6 và 12 sau mũi tiêm cuối.
Nhiều cặp vợ chồng mắc bệnh giang mai nhưng không rõ nguồn lây. Ảnh minh họa.
Các bác sĩ cho biết, giang mai có thể gặp ở mọi lứa tuổi, gây nhiều biến chứng nếu không được điều trị kịp thời. Bệnh này còn gây hiếm muộn ở cả nam và nữ. Chưa kể, việc không biết tình trạng bệnh có thể làm tăng nguy cơ lây lan trong cộng đồng nếu người bệnh quan hệ không sử dụng biện pháp an toàn. Phụ nữ mang thai mắc bệnh giang mai có thể lây nhiễm sang cho thai nhi.
Ngoài ra, giang mai dễ lây gián tiếp qua các đồ dùng chung như: Dụng cụ làm móng, dụng cụ nặn mụn, giác hơi, hoặc dụng cụ y tế không được sát khuẩn… có dính dịch tiết, máu, mủ của người bệnh. Nếu người tiếp xúc với các vật dụng này có vết trầy xước, xoắn khuẩn giang mai có thể xâm nhập vào máu.
* Tên nhân vật đã được thay đổi