Kiến thức chăm sóc trẻ sơ sinh rất đa dạng và phong phú nhưng mẹ đừng quên tắm nắng cho bé. Mẹ có biết việc tắm nắng cho trẻ sơ sinh là điều mà mẹ nào cũng cần làm để mang lại nhiều lợi ích cho bé?
Tuy nhiên cách tắm nắng cho trẻ sơ sinh như thế nào đúng chuẩn nhất? Nếu mẹ không biết điều này sẽ dễ làm con bỏng nắng hoặc ảnh hưởng đến mắt bé. Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
1. Tác dụng của việc tắm nắng cho trẻ sơ sinh
Trước hết mẹ cần hiểu được về lợi ích của việc tắm nắng cho bé mang lại tác dụng gì cho sức khoẻ của bé? Nếu bạn đã từng được ai đó khuyên rằng nên cho bé tắm nắng mà bạn phân vân nếu không phơi nắng cho bé có sao không thì sau đây Phụ nữ sức khoẻ sẽ giải đáp điều đó.
Việc tắm nắng sẽ giúp trẻ hấp thụ được ánh sáng mặt trời, chuyển thành Vitamin D - yếu tố giúp bé ngăn ngừa bệnh còi xương, khắc phục chứng vàng da sau sinh mà một số bé mắc phải. Bên cạnh đó, việc tắm nắng còn có công dụng diệt khuẩn có nguy cơ tấn công vào cơ thể non nớt của trẻ.
2. Vitamin D là gì? Vì sao trẻ cần hấp thụ Vitamin D
Vitamin D là một chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể con người, đối với trẻ sơ sinh, Vitamin D góp phần quan trọng vào việc tăng trưởng và phát triển khoẻ mạnh. Cụ thể chúng giúp hấp thụ canxi, duy trì sự phát triển chắc khoẻ của xương. Nếu cơ thể bé thiếu Vitamin D sẽ gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng như kích ứng, nguy cơ nhiễm trùng, bé quấy khóc, khó chịu.
Trường hợp trẻ sơ sinh bị thiếu hụt Vitamin D đột ngột có thể gây còi xương, dị tật về xương (đặc biệt là ở chân). Nhiều nghiên cứu cho rằng, việc tắm nắng cho trẻ sơ sinh khoảng 30 phút mỗi ngày vào thời gian thích hợp sẽ cung cấp lượng Vitamin cần thiết cho cơ thể. Ngoài ra việc sớm tiếp xúc với ánh nắng mặt trời còn giúp bé phát triển thể chất toàn diện.
Ngoài việc tắm nắng, mẹ cũng nên bổ sung Vitamin bằng cách cho bé uống trực tiếp Vitamin D (đối với trẻ sơ sinh) hoặc từ thức ăn hàng ngày (trẻ đã biết ăn dặm trở lên). Tuy nhiên tắm cho trẻ sơ sinh giờ nào tốt nhất thì mẹ cần phải lưu ý và phải nắm được cách tắm nắng cho trẻ sơ sinh đúng cách.
3. Hướng dẫn cách tắm nắng đúng cách cho trẻ sơ sinh
Tắm nắng mấy giờ là tốt? Phơi nắng cho trẻ sơ sinh vào lúc nào?... là những thắc mắc của nhiều mẹ. Việc tắm nắng cho trẻ tuỳ thuộc vào yếu tố thời gian của các mùa là khác nhau. Đặc biệt là 2 mùa khác biệt là mùa đông và mùa hè. Vì vậy chúng ta cùng tìm hiểu cách tắm nắng cho bé tuỳ vào từng mùa.
Cách tắm nắng cho trẻ sơ sinh vào mùa hè:
Mùa hè nắng thường gay gắt, chói chang và xuất hiện sớm hơn mùa đông. Nếu mẹ tắm cho bé quá sớm hoặc quá muộn đều có thể gây hại cho con. Nếu tắm muộn, tia cực tím từ ánh nắng mặt trời có thể gây tổn thương lớp da non của bé, dẫn đến bỏng nắng. Vậy thời gian tắm cho trẻ sơ sinh vào mùa hè vào lúc nào là hợp lý?
Thời gian tắm nắng cho con phù hợp nhất vào mùa hè là khoảng từ 6-7h sáng hoặc 17h-18h buổi chiều. Lúc này, ánh nắng mặt trời dịu nhẹ vừa an toàn, lại vừa giúp trẻ hấp thụ được Vitamin D cần thiết.
Bạn nên chọn vị trí hợp lý để cho bé tắm nắng. Hãy chọn nơi sạch sẽ, yên tĩnh và thoáng mát, tránh ánh nắng mặt trời rọi trực tiếp vào mặt trẻ. Vào những ngày oi bức, mẹ cần hạn chế tắm nắng cho con vì có thể gây mất nước khi trẻ ra nhiều mồ hôi.
Trẻ sơ sinh có nên tắm hàng ngày không? Như đã nói ở trên, mẹ chỉ nên tắm vào những ngày không oi bức, nếu nắng dịu nhẹ, mẹ chỉ cần tắm nắng cho con tuần 2-3 lần là đủ.
Cách tắm nắng cho trẻ sơ sinh vào mùa đông:
Tắm nắng cho trẻ vào mùa đông mẹ cần phải lưu ý vì mùa này thời tiết lạnh giá, có thể có sương nên nếu không cẩn thận, bé rất dễ bị nhiễm lạnh, viêm hô hấp,... Bên cạnh đó, việc mặc nhiều quần áo cho bé vào mùa đông cũng là nguyên nhân khiến cho cơ thể bé khó hấp thụ được nguồn ánh nắng mặt trời.
Vì mặt trời mùa đông thường lên muộn cộng thêm ánh nắng yếu ớt nên tốt nhất mẹ hãy đợi ánh nắng mặt trời đạt mức cần thiết vào khoảng 8h30 -9h sáng hoặc 15-17h buổi chiều. Vào những ngày thời tiết quá lạnh giá, sương muối nhiều thì mẹ không nên cho bé ra ngoài tắm nắng để đảm bảo sức khoẻ của trẻ.
Vào mùa đông mẹ hãy cẩn thận tránh cho bé nằm tắm nắng ở những vị trí có gió lùa, chọn chỗ yên tĩnh và sạch sẽ.
Mẹ nên chọn thời gian và vị trí tắm nắng cho con hợp lý - Ảnh minh họa: Internet
4. Cách tắm nắng cho trẻ sơ sinh bị vàng da
Nhiều trường hợp trẻ bị chứng bệnh vàng da, thường xuất hiện sau sinh khoảng 72h. Nguyên nhân vàng da sau sinh có thể do mẹ và con bị bất đồng nhóm máu, do trẻ bị nhiễm trùng, cũng có thể do di truyền. Có 2 loại vàng da ở trẻ nhỏ đó là vàng da sinh lý và vàng da bệnh lý.
Đối với trường hợp bệnh lý cần phải chữa trị theo phác đồ của bệnh viện, việc tắm nắng không thể chữa khỏi vàng da cho bé. Tuy nhiên đối với trường hợp vàng da sinh lý, đây là hiện tượng thường gặp ở trẻ hơn,ngoài việc bệnh viện sử dụng chiếu đèn để chữa cho trẻ thì mẹ cũng nên tắm nắng cho con, bệnh sẽ khỏi sau 2-3 ngày.
Hướng dẫn cách tắm đúng cách cho trẻ bị vàng da:
3 ngày đầu tiên: Mẹ cho bé mặc quần áo như bình thường rồi bế bé ra nắng, từ từ kéo nhẹ áo bé lên để ánh nắng mặt trời chiếu vào phần bụng và phần lưng của con. Đợi một lúc mẹ kéo áo xuống và lặp lại động tác như trên.
Những ngày đầu, mẹ chỉ nên cho bé tắm khoảng 5-10 phút mỗi ngày để bé làm quen với ánh nắng mặt trời. Mẹ cần lưu ý về thời gian và vị trí tắm cho bé như đã hướng dẫn ở phần trên.
10 ngày tiếp theo: Mẹ cho bé hở nhiều, không cần mặc quần áo, chỉ cần quần ngắn hoặc đóng bỉm là được. Mẹ hãy lấy một chiếc quạt hoặc tấm che mắt cho bé, tránh ánh nắng mặt trời rọi trực tiếp vào mắt con. Những ngày này, mẹ có thể tắm cho con khoảng 15-20 phút.
5. Một số lưu ý khi tắm nắng cho trẻ sơ sinh
- Khi con được 7-10 ngày tuổi, mẹ có thể tắm nắng cho con
- Khi tắm nắng, mẹ cần dùng quạt giấy hoặc tay che mắt, gáy và bộ phận sinh dục cho con.
- Mẹ có thể tắm nắng khi trẻ đang ngủ
- Nếu bé thức, mẹ hãy trò chuyện vui đùa với con, massage, vuốt ve để bé cảm thấy thích thú.
- Mẹ cũng có thể cho con bú trong lúc tắm nắng nếu ở nơi vắng người.
- Mẹ nên tăng thời gian tắm nắng dần lên cho trẻ: Những ngày đầu chỉ cần vài ba phút, sau đó tăng lên 5-10 phút để bé dần thích nghi và không khóc.
- Nên chọn thời gian tắm cho bé phù hợp với từng vùng miền, miền Nam không có mùa đông lạnh giá, nắng quanh năm thì trẻ ở miền Nam nên tắm nắng ít hơn trẻ ở miền Bắc.
- Không nên tắm nắng cho trẻ qua cửa kính hoặc bóng râm vì sẽ làm giảm khả năng hấp thụ Vitamin D.
- Trẻ có da sậm màu nên tắm lâu hơn trẻ da trắng sáng
- Tắm nắng xong mẹ cần cho con bú để bù lại lượng nước đã mất
- Trong quá trình tắm nắng nếu nhận thấy cơ thể bé có những dấu hiệu bất thường như nổi mẩn đỏ, phát ban, trẻ ngứa ngáy khó chịu thì mẹ nên dừng việc tắm nắng cho con lại và mang bé đến bác sĩ để được thăm khám.
Trên đây là hướng dẫn cách tắm nắng cho trẻ sơ sinh đúng cách mà mẹ nào cũng nên nắm rõ để giúp con hấp thụ được nguồn Vitamin D, giúp bé phát triển khoẻ mạnh và toàn diện.