Nội dung bài viết:
- 1. Canxi quan trọng như thế nào đối với trẻ?
- 2. Dấu hiệu trẻ sơ sinh bị thiếu canxi
- 3. Nguyên nhân dẫn đến trẻ bị thiếu canxi
- 4. Bổ sung canxi cho bé như thế nào đúng cách?
- 5. Những tác dụng phụ nếu bổ sung thừa canxi cho trẻ
- 6. Vì sao trẻ nên bổ sung Vitamin D?
- 7. Top những thực phẩm giàu canxi
- 8. Vì sao phụ nữ mang thai nên bổ sung đủ canxi?
Thiếu hụt canxi ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ sẽ ảnh hưởng rất lớn đến quá trình phát triển của bé cho đến khi trẻ trưởng thành. Vậy mẹ cần phải bổ sung canxi cho bé như thế nào là đúng cách? Đừng bỏ qua bài viết dưới đây.
1. Canxi quan trọng như thế nào đối với trẻ?
Canxi là một trong những khoáng chất quan trọng và thiết yếu đối với sự phát triển bình thường của trẻ. Đây chính là yếu tố giúp hệ răng và xương chắc khỏe.
Bên cạnh đó, canxi còn giúp cho hệ thần kinh, cơ và một số bộ phận khác trong cơ thể hoạt động tốt hơn. Canxi còn đóng vai trò giữ cho tim được khỏe mạnh và điều hòa nhịp tim.
Nếu cơ thể trẻ bị thiếu hụt canxi sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng như tổn thương mắt, còi xương, chậm lớn, nhịp tim bất thường.
Nếu mẹ cung cấp đủ canxi cho con sẽ giúp phòng tránh được tình trạng bệnh còi xương ở trẻ. Khi bị còi xương, trẻ sẽ dễ bị gãy cương, còi cọc, đau hoặc yếu cơ, chậm phát triển hơn so với trẻ cùng trang lứa.
Khi được bổ sung canxi vừa đủ sẽ giúp bé có một hệ xương chắc khỏe, cơ thể khỏe mạnh toàn diện, giảm thiểu nguy cơ loãng xương khi trưởng thành và lớn tuổi.
Có đến 99% số lượng canxi tập trung ở răng và xương, chỉ có 1% còn lại nằm ở tế bào máu. Trường hợp trẻ sơ sinh thiếu hụt canxi (nồng độ canxi trong máu có chỉ số dưới 1%) cơ thể sẽ lấy lượng canxi ở răng và xương bù vào máu.
Nếu lượng canxi trong máu không có thì cơ thể gần như ngừng hoạt động, có thể xuất hiện co giật và đe dọa tính mạng.
2. Dấu hiệu trẻ sơ sinh bị thiếu canxi
Nếu cơ thể bé bị thiếu canxi sẽ có những triệu chứng dưới đây:
- Trẻ ngủ không sâu giấc, hay vặn mình, ngủ hay giật mình hoặc trằn trọc khó ngủ.
- Trẻ thường xuyên quấy khóc
- Trẻ không thích bú mẹ hoặc bú kém
- Trẻ hay bị ọc sữa hoặc bị nấc
- Chậm mọc răng
- Tóc rụng theo hình vành khăn
- Chậm tăng trưởng, nhẹ cân
- Tim đập nhanh
- Chân vòng kiềng hoặc vẹo cột sống
- Trẻ dễ bị đổ mồ hôi mặc dù không nóng
3. Nguyên nhân dẫn đến trẻ bị thiếu canxi
Trẻ sơ sinh bú mẹ hoặc bú sữa công thức đều có khả năng bị thiếu hụt canxi bởi một số nguyên nhân sau:
Mẹ không cho con tắm nắng thường xuyên và đúng cách, khiến cho cơ thể bé bị thiếu Vitamin D từ nguồn năng lượng mặt trời - yếu tố giúp hấp thụ canxi.
Mẹ sau sinh có chế độ ăn uống không hợp lý, nghèo nàn chất dinh dưỡng, trong đó có canxi. Trường hợp mẹ ăn chay cũng dẫn đến tình trạng thiếu canxi trong nguồn sữa mẹ.
Trẻ bị dị tật ở tuyến giáp cũng là nguyên nhân thiếu canxi.
Trong quá trình sinh nở, nếu bé bị ngạt hoặc thiếu oxy cũng dẫn đến tình trạng này.
Nếu trong quá trình mang thai, mẹ bầu mắc một số bệnh như tiểu đường thai kỳ, ngộ độc thai nghén cũng là những nguyên nhân dẫn đến vấn đề thiếu canxi ở trẻ.
4. Bổ sung canxi cho bé như thế nào đúng cách?
Tùy thuộc vào từng giai đoạn phát triển của trẻ mà mẹ bổ sung canxi cho bé với liều lượng khác nhau.
Nếu trẻ sơ sinh đang bú sữa mẹ thì mẹ bổ sung canxi cho con bằng cách mẹ ăn nhiều thực phẩm có chứa canxi.
Nếu con bú sữa công thức thì mẹ hãy để ý đến khâu chọn sữa cho bé có chứa nhiều hàm lượng canxi.
Nếu trẻ đã biết ăn dặm trở lên, mẹ có thể bổ sung canxi thông qua khẩu phần ăn của bé.
Mẹ cũng nên cho trẻ sơ sinh tắm nắng thường xuyên để cơ thể có đủ Vitamin D để hấp thụ canxi.
Ngoài ra, mẹ cũng có thể tham khảo ý kiến của bác sĩ để được bổ sung canxi cho bé bằng cách uống Vitamin D dạng nước hoặc viên uống,...
Canxi quan trọng đối với trẻ là thế, tuy nhiên nếu mẹ bổ sung quá nhiều dẫn đến cơ thể trẻ bị thừa canxi sẽ gây ra một số tác dụng phụ nhất định. Vì vậy, mẹ hãy lưu ý về liều lượng để bổ sung cho bé một cách hợp lý theo hướng dẫn dưới đây:
Đối với trẻ sơ sinh thiếu tháng: Các bác sĩ nhi khoa khuyên rằng, trẻ sinh thiếu tháng nên bổ sung khoảng 200-400 IU Vitamin D/ngày.
Đối với trẻ sinh đủ tháng:
Trẻ dưới 6 tháng tuổi: Lượng canxi cần thiết từ 200-300 mg canxi/ngày
Trẻ từ 6 -11 tháng tuổi: 250-400 mg canxi/ngày
Trẻ em từ 1 đến 3 tuổi: 500-700 mg canxi/ngày
Lưu ý: Đối với trẻ dưới 1 tuổi, mẹ chỉ nên bổ sung canxi cho con bằng cách uống sữa mẹ hoặc sữa công thức, ngoài ra không bổ sung bất cứ nguồn sữa khác vì có thể gây ra triệu chứng dị ứng, tiêu chảy.
5. Những tác dụng phụ nếu bổ sung thừa canxi cho trẻ
Nếu mẹ cung cấp canxi không đúng liều lượng hợp lý và quá nhiều, con sẽ bị thừa canxi. Khi lượng canxi thừa tích tụ lại, diễn ra quá trình vôi hóa, gây nên sỏi thận, sỏi mật, làm giảm chức năng của thận và giảm quá trình hấp thụ các khoáng chất thiết yếu khác cho cơ thể như magie, sắt, kẽm, phốt pho,...
Nếu hàm lượng canxi trong máu quá cao sẽ có thể gây ra hiện tượng xơ vữa động mạch, tức là các bệnh tim mạch, hình thành nhiều nếp nhăn trên da.
Nguy hiểm hơn, thừa canxi còn khiến cho cơ thể bé bị cốt hóa xương nếu bị chấn thương, ngừng phát triển chiều cao sớm, hạn chế sự phát triển xương,...
Nếu thấy bé có một số triệu chứng dưới đây thì hãy đưa con đi khám ngay:
- Trẻ bị táo bón, đau bụng
- Mệt mỏi quấy khóc
- Biếng ăn thường xuyên, hay buồn nôn
- Trẻ bị rối loạn nhịp tim
- Trẻ tiểu nhiều, tiểu són, tiểu ra máu hoặc khát nước liên tục
6. Vì sao trẻ nên bổ sung Vitamin D?
Để giúp cơ thể trẻ hấp thụ được lượng canxi cần thiết, bé cần được bổ sung Vitamin D đúng cách. Trong nguồn thực phẩm chứa rất ít Vitamin D nên bác sĩ thường khuyên trẻ nên được bổ sung Vitamin D bằng đường uống và tắm nắng thường xuyên.
Trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn toàn hoặc một phần: Lượng Vitamin D cần phải bổ sung là 400 IU/ngày. Mẹ nên bổ sung cho bé uống sớm, ngay từ khi sau sinh để phòng tránh còi xương ở trẻ và kéo dài đến khi bé được 1 tuổi.
Đối với trẻ uống sữa công thức hoàn toàn: Hàm lượng sữa công thức sẽ đủ khi bé uống hơn 900ml sữa/ngày, lúc này bé không cần phải bổ sung Vitamin D nữa bởi sữa chứa nhiều hàm lượng canxi.
Trẻ em trên 1 tuổi và người lớn: Cần thường xuyên bổ sung Vitamin D thông qua khẩu phần ăn uống hoặc bổ sung thêm ít nhất 600IU/ngày.
7. Top những thực phẩm giàu canxi
- Lòng đỏ trứng gà
- Sữa bổ sung vi chất
- Cá hồi, cá thu, cá ngừ, cá rô, lươn
- Gan động vật, nhiều nhất là gan bò
- Nấm portobello
8. Vì sao phụ nữ mang thai nên bổ sung đủ canxi?
Việc phụ nữ mang thai bổ sung đủ canxi không chỉ giúp hệ xương răng của cơ thể mẹ khỏe mạnh, ngăn ngừa loãng xương sau sinh mà còn giúp trẻ phát triển ổn định hệ xương răng từ khi còn trong bụng mẹ, tránh được một số bệnh khi trẻ lớn lên như thiểu sản men răng, thiếu canxi bẩm sinh,...
Vì vậy, mẹ bầu cần cung cấp lượng canxi trong quá trình mang thai hợp lý. Ngoài ra những bà mẹ trong độ tuổi sinh đẻ và sau khi sinh, giai đoạn cho con bú cũng cần bổ sung canxi đúng cách.
Đối với mẹ mang thai: Mẹ cần 600 IU Vitamin D/ngày bằng cách uống viên canxi, sắt và axitfolic.
Đối với mẹ đang cho con bú: Mẹ cần 600 IU/ngày để cung cấp đủ Vitamin D. Mẹ sau sinh nên đa dạng nguồn thức ăn, cân bằng dinh dưỡng, không nên kiêng khem quá mức.
Phụ nữ đang trong độ tuổi sinh đẻ: Chị em cần bổ sung Vitamin D với hàm lượng khoảng 600 IU/ngày.
Trên đây là hướng dẫn bổ sung canxi cho bé đúng cách, mẹ nên tham khảo và áp dụng cho bé, giúp con yêu phát triển khỏe mạnh và toàn diện.