24 tuổi đã mắc ung thư gan
Nguyễn B.A. (Hà Nội) mới 24 tuổi nhưng đã bị ung thư gan. Tốt nghiệp đại học với tấm bằng giỏi, B.A. và chồng vừa mở một trung tâm ngoại ngữ tại Hà Nội. Vốn là người chăm chút cho sức khoẻ nhưng chỉ 2 năm do bận kế hoạch của công ty riêng, B.A. không đi khám bệnh. Khi đi khám sức khoẻ định kỳ cùng chồng, bác sĩ nghi ngờ B.A. bị ung thư gan.
Nghe tới ung thư gan, B.A. rất sốc vì cô còn quá trẻ. Cô mới 24 tuổi thì không thể mắc căn bệnh ung thư này được. B.A. bắt đầu đi kiểm tra thêm ở các bệnh viện và ở đâu bác sĩ cũng chẩn đoán ung thư gan với nhiều u, có khối u đã lên tới 5, 6 cm. B.A. không thể mổ được.
Khi đó, cô nghĩ rằng mình không thể chết vì ung thư dễ dàng như thế, B.A. bắt đầu tìm hiểu. Sau đó cô xin tư vấn điều trị ung thư bằng nút mạch và sóng cao tần. B.A. cho biết cô phát hiện mình mắc viêm gan B từ lúc còn là sinh viên nhưng do chủ quan cộng với bác sĩ nói bệnh mạn tính và vi rút hoạt động yếu.
Từ đó, cô có đi kiểm tra nhưng cũng quên hẳn viêm gan B của mình. Đến khi nghe tới ung thư, B.A. mới biết rằng đây là sát thủ đưa cô tới với bệnh ung thư gan căn bệnh được cảnh báo đáng sợ nhất.
Khi phát hiện bệnh, B.A. đã bước vào giai đoạn 3 của bệnh. Thói quen sinh hoạt không khoa học cộng với viêm gan vi rút chính là thủ phạm gây ung thư cho B.A
Anh Đồng Quyết T. (32 tuổi, quê Diễn Châu, Nghệ An) cũng đang điều trị ung thư gan. Anh T. phát hiện ung thư gan từ cuối năm 2018. Ban đầu, anh T. không biết bệnh gì mà chỉ thấy người mệt, da vàng, mắt vàng. Anh T. được mẹ mua thuốc mát gan giải độc cho uống. Tình trạng mệt mỏi giảm nên anh chủ quan không đến bệnh viện.
Khi có các dấu hiệu nặng như đau gầm xương sườn, anh đi khám, bác sĩ siêu âm phát hiện có u ở trong gan. Lúc này, khối u đã to. Anh T. không thể phẫu thuật được.
Anh T. được các bác sĩ ở Bệnh viện Bạch Mai nút mạch hoá chất để tiêu diệt sự phát triển của khối u.
Thủ phạm gây ung thư gan
Theo PGS Trịnh Thị Ngọc, Phó Chủ tịch hội Gan Mật Hà Nội, ung thư gan ở Việt Nam đang ngày càng gia tăng nhanh chóng. Hiện nay, ung thư gan là bệnh ung thư gan đứng đầu ở nước ta vượt qua cả ung thư phổi, ung thư dạ dày, ung thư vú.
Trong năm 2018, thống kê có 25.300 trường hợp mắc ung thư gan. Trong đó riêng nam giới là 19.500 trường hợp mắc. Tỷ lệ tử vong do ung thư gan hiện nay vẫn rất cao, gần tương đương với tỷ lệ mắc.
Ung thư gan đã được chỉ ra nguyên nhân do tình trạng xơ gan. Bệnh nhân bị xơ gan tiến triển thành ung thư gan. Khoảng 80% ung thư gan có xơ gan.
PGS Ngọc cho biết tỷ lệ viêm gan vi rút ở nước ta hiện nay rất cao. Ước tính có 20 triệu người mắc viêm gan vi rút B và vi rút C. Trong đó có khoảng 8 triệu người đang bị viêm gan B mãn tính và từ viêm gan B mãn tính tiến triển thành ung thư gan rất lớn.
Ngoài viêm gan vi rút, ung thư gan do bia rượu, nhiễm độc aflatoxin cũng rất nhiều. Việt Nam là nước nhiệt đới, ngũ cốc rất dễ bị nhiễm nấm mốc và những loại như lạc, đậu, ngô, gạo nếu bị nấm mốc rửa sạch thì vẫn không hết được độc chất aflatoxin này.
Các nghiên cứu chỉ ra rằng aflatoxin phá huỷ tế bào gan và gây ung thư gan. Các yếu tố viêm gan vi rút, uống bia rượu, nhiễm độc chất từ ngũ cốc nấm mốc đã trở thành những sát thủ đẩy ung thư gan đứng đầu ở nước ta.
Ung thư gan hiện nay ngoài phương pháp điều trị truyền thống như phẫu thuật, xạ trị, hoá trị, dùng thuốc nhắm trúng đích, việc điều trị ung thư gan hiện nay có thêm các phương pháp nút mạch, đốt sóng cao tần, đốt u bằng vi sóng, laser, điện đông, tiêm cồn tuyệt đối qua da, ghép gan...
PGS Ngọc cho biết cách phòng ung thư gan tốt nhất là tiêm phòng vắc xin viêm gan B và điều trị triệt để viêm gan vi rút B, viêm gan vi rút C. Những người bị viêm gan vi rút cần kiểm tra bệnh 6 tháng 1 lần. Nên tránh xa các thực phẩm bị nấm mốc, ôi thịu, các thực phẩm chứa nhiều muối, hạn chế rượu bia và các chất kích thích có cồn.