Nội dung bài viết:
Rối loạn tâm thần là gì?
Bệnh rối loạn tâm thần (tâm thần phân liệt, rối loạn lưỡng cực, loạn thần…) là bệnh do rối loạn hoạt động não bộ gây nên những biến đổi bất thường về lời nói, ý tưởng, hành vi, tác phong, tình cảm...Bệnh tâm thần điển hình bao gồm trầm cảm, rối loạn lo âu, tâm thần phân liệt, rối loạn ăn uống và hành vi gây nghiện.
Theo số liệu thống kê của của Bệnh viện Tâm thần Trung ương I, gần 15% dân số Việt Nam (tương đương gần 14 triệu người) có các bệnh lý về rối loạn tâm thần, trong đó khoảng 3 triệu người mắc rối loạn tâm thần nặng như tâm thần phân liệt, sa sút trí tuệ, chậm phát triển. Con số này vẫn không ngừng tăng lên hằng năm.
Báo cáo của tổ chức WHO công bố mới đây cũng đánh giá, trầm cảm – chứng rối loạn tâm thần phổ biến hiện nay đang là căn bệnh đe dọa sức khỏe của 350 triệu người, là nguyên nhân chủ yếu của gần một triệu vụ tự sát tử mỗi năm trên toàn cầu.
Các chứng bệnh rối loạn tâm thần gây ra gánh nặng bệnh tật cho gia đình và xã hội, đồng thời gây ra tình trạng đói nghèo, cản trở đến sự phát triển kinh tế, xã hội của quốc gia.
Ở Việt Nam, người dân ít nghĩ mình bị rối loạn stress, rối loạn lo âu mà thường đi khám các bệnh khác, dẫn đến việc chẩn đoán nhầm, chi phí điều trị bệnh cao hoặc điều trị muộn khiến việc điều trị trở nên khó khăn.
Những dấu hiệu rối loạn tâm thần không thể bỏ qua
Theo các bác sĩ, dấu hiệu nhận biết của bệnh này bắt đầu từ sự trầm cảm, người bệnh có cảm giác buồn chán, trống rỗng, khó tập trung suy nghĩ, hay quên, luôn cảm giác mệt mỏi, không muốn làm việc gì, cảm giác mình có tội lỗi, vô dụng, mất ngủ, hoặc ngủ quá nhiều, hay cáu gắt, giận dữ, giảm thích thú trong các hoạt động hoặc sở thích hàng ngày, tự tách mình ra khỏi cuộc sống của gia đình, bạn bè.
Bệnh còn làm giảm cảm giác ngon miệng, sụt cân hoặc ăn quá nhiều, nghĩ về cái chết, có ý tưởng hoặc hành vi tự sát.
Những người bị nặng hơn thì có những bất thường về hành vi, cảm xúc đó là dễ bị kích động hoặc không nói năng gì, thu mình vào một chỗ, thờ ơ với mọi việc xung quanh. Tính khí người bị rối loạn tinh thần cũng thay đổi thoắt vui rồi lại thoắt buồn.
Một số gia đình còn suy nghĩ lạc hậu, khi thấy người thân mình có các biểu hiện rối loạn tâm thần đều cho là bị “điên”, “ma nhập” nên tìm đến các thầy lang, thầy cúng… việc điều trị này không đúng, làm cho tâm lý của người bệnh ảnh hưởng nặng nề hơn dẫn tới bệnh càng thêm trầm trọng.
Nguyên nhân rối loạn tâm thần
Thứ nhất là do xu hướng phát triển của xã hội hiện đại - con người chịu nhiều áp lực của cuộc sống, vì vậy các rối loạn liên quan stress ngày càng gia tăng.
Các rối loạn tâm thần, ví dụ như trầm cảm, thường xảy ra ở những người bị stress sau khi gặp phải vấn đề khó khăn trong cuộc sống như thất nghiệp, mất người thân, đổ vỡ quan hệ, mâu thuẫn gia đình, thất bại trong học tập, khủng hoảng tinh thần,…
Thứ hai là sau khi mắc một số bệnh, đặc biệt là các bệnh nặng, bệnh mạn tính như ung thư, đái tháo đường, tim mạch, đột quỵ,...
Thứ ba là sự gia tăng sử dụng rượu bia, thuốc lá và chất gây nghiện ở một nhóm bệnh nhân trẻ có xu hướng ngày càng gia tăng.
Thứ tư là nhiều người quá phụ thuộc vào thế giới ảo như internet, game, facebook, với những thông tin xấu tràn lan, các trò chơi bạo lực,… làm cho con người cảm thấy bất an có xu hướng thu mình lại, sống khép kín từ đó dẫn tới tâm lý bất ổn.
Thứ năm một số bệnh nhân mắc chứng rối loạn do tiền sử gia đình có người mắc bệnh trầm cảm...
Rối loạn tâm thần có chữa khỏi không?
Mặc dù bệnh rối loạn tâm thần có thể điều trị được, song cần phát hiện, điều trị sớm và phải tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ y khoa. Với những bệnh nhân điều trị sớm có thể tái hoà nhập cộng đồng như một người bình thường.
Hiện nay, số người đến khám và điều trị rối loạn tâm thần còn rất ít, phần vì mặc cảm và sợ ảnh hưởng đến cuộc sống, công việc… nên không chia sẻ bệnh tật của mình cho người thân, bạn bè.
Vì vậy chúng ta cần hiểu đúng về các rối loạn tâm thần, cách nhận biết và sớm đi khám, điều trị kịp thời; Người nhà bệnh nhân cần hỗ trợ, chăm sóc, tạo môi trường để người bệnh hoà nhập, không phân biệt, kỳ thị đối xử với người rối loạn tâm thần.
Phương pháp điều trị rối loạn tâm thần được điều trị bằng thuốc là chủ yếu, kết hợp với điều trị tâm lý và thay đổi lối sống để tinh thần người bệnh được khoẻ mạnh.
Khi người bệnh được cấp phát thuốc, phải đôn đốc, kiểm tra, quản lý thuốc của người bệnh, sao cho họ uống đúng giờ, đều đặn, đủ liều lượng. Không được tự ý ngưng thuốc đột ngột vì có thể làm bệnh thêm nguy hiểm và tái phát.
Khi chăm sóc bệnh nhân rối loạn tâm thần, người nhà cần sự kiên nhẫn, tạo điều kiện để người bệnh tham gia vào các hoạt động của gia đình, trò chuyện, tâm sự, lắng nghe và thể hiện hiểu họ.
Bên cạnh đó, hãy hướng dẫn họ dần dần làm các công việc đơn giản như tắm giặt, vệ sinh cá nhân, gấp chăn màn, quét nhà, dọn dẹp…
Xã hội, cộng đồng cần có nhìn nhận chính xác về các căn bệnh này, không được kỳ thị, phân biệt đối xử, gây khó khăn trong việc chăm sóc và điều trị bệnh của bệnh nhân. Chúng ta cần hỗ trợ, giúp đỡ, tạo môi trường để người bệnh hoà nhập với xã hội.
Bên cạnh điều trị bằng thuốc và tâm lý, chúng ta có thể cho người bệnh tham gia vào các hoạt động tập yoga. Yoga chữa bệnh rối loạn tâm thần đã được các nhà khoa học trên thế giới chứng minh vì có tác động tích cực với các vấn đề về giấc ngủ, trầm cảm nhẹ và cải thiện triệu chứng của nhiều chứng rối loạn tâm thần như tâm thần phân liệt, rối loạn tăng động giảm chú ý ở bệnh nhân dùng thuốc.
Các động tác yoga như tập hít thở, thiền... được khuyến khích cho người bệnh, tuy nhiên đây chỉ là phương pháp hỗ trợ, các bệnh nhân không nên thay thế thuốc bằng liệu pháp này.
Khi bệnh tật trở nên xấu đi, người bệnh xuất hiện các dấu hiệu như kích động, đập phá, không ăn uống, không nói năng… thì phải đưa ngay đến các cơ sở y tế để có hướng điều trị kịp thời.
Để tránh mắc các chứng bệnh rối loạn tâm thần, các bác sĩ tâm lý đều khuyên chúng ta nên cân bằng cuộc sống để tránh áp lực công việc, biết cách nghỉ ngơi hợp lý, có thời gian dành cho sở thích cá nhân, chơi thể dục thể thao. Nếu có biểu hiện của các rối loạn liên quan stress như lo âu, mất ngủ, căng thẳng... cần được khám và điều trị kịp thời.