23g, chị vẫn cầm điện thoại, lướt Facebook. Chồng chị quay sang, nói: “Anh nghĩ chúng ta nên quy định giờ tắt điện thoại trong phòng ngủ. Cứ đến 22g30 thì không ai được cầm điện thoại lên nữa. Ôm nhau hoặc nói chuyện với nhau thôi”.
Chị bật cười trước đề nghị quá đáng yêu và có phần “dỗi hờn” từ chồng. Biết rõ sự bất ổn trong việc suốt ngày cầm điện thoại để lướt lướt những hình ảnh, đọc những thứ “vô tri” nên chị đồng ý ngay. Chị quay sang nói chuyện với chồng rồi ôm nhau ngủ trong bình yên.
Nhưng hôm sau, cả đôi bên bắt đầu nhận ra sự gượng gạo khi cả hai tắt điện thoại và… không biết nói chuyện gì. 15 năm bên nhau, cứ nghĩ là hiểu nhau hay có nhiều chuyện để nói, ngờ đâu lại trái ngược.
Những ngày sau đó thì chuyện khó quá đành bỏ qua. Anh là người chủ động chuyện ngắt kết nối để kết nối nhưng rồi lại cầm điện thoại.
Dường như anh thấy những cuộc nói chuyện với vợ bắt đầu nhạt nhẽo hơn những tin tức chính trị, tài chính và… những bộ phim cổ trang có ẩn chứa những bài học sâu sắc mà anh đang theo dõi. Vậy nên anh cũng không nhắc gì đến quy định kia nữa. Còn chị ở bên cạnh, cũng thấy thật thoải mái khi được cầm điện thoại lên theo dõi cuộc sống của bạn bè, đọc xem có ai có gì mới không, có bộ áo quần nào đẹp, bí quyết chăm sóc da hay những video giải trí. Mỗi ngày đã quá bận với công việc, chuyện con cái, chị cũng cần thời gian cho riêng mình.
Thi thoảng, chị thúc vào khuỷu tay anh, muốn nói gì đó nhưng rồi lại thôi. Đôi bên cứ xem riêng chiếc điện thoại của mình cho đến khi thiếp đi. Chân vẫn vô thức gác lên nhau, nhưng những giấc mộng hoàn toàn xa cách, chẳng liên quan gì đến nhau.
Có lẽ không ít đôi có cách sinh hoạt trong phòng ngủ như anh và chị. Những chiếc điện thoại với những chào mời hấp dẫn, dễ dàng thu hút hơn con người ngoài đời thực. Thậm chí, nhiều người sợ nếu nói chuyện mỗi ngày thì rất có thể lại sinh ra cãi cọ, đổ lỗi và trách mắng nên thà không nói. Nhưng nếu không nói chuyện trong thời gian dài thì sao? Là chẳng ai còn biết gì về cuộc sống của nửa kia, dù họ đã từng bước vào hôn nhân với tâm thế muốn trở thành “bạn đời” của nhau.
“Anh này, anh có thấy là vợ chồng mình dạo này còn chẳng nói chuyện được với nhau không?” - chị quay sang anh, hỏi. Chị chấp nhận thực tế rằng vợ chồng đã từ lâu không giao tiếp và thật khó để bắt đầu những câu chuyện ngoài thông báo tiền nong, con cái, nhà cửa. Sự lệch pha đến theo những bữa cơm lặng yên mà nếu 2 đứa con nói gì đó về chuyện ở trường thì vợ chồng cũng không biết nói gì. Hoặc thi thoảng anh sẽ mở một bộ phim hoạt hình lên, cả nhà vừa ăn cơm vừa xem ti vi cho đến khi hết bữa. Rồi ba hoặc mẹ dạy con học thì người còn lại sẽ dọn dẹp, lên giường và đi ngủ. Ngày nối ngày trôi qua…
“Có lẽ, để nói chuyện được với nhau cũng cần phải học, anh ạ” - chị tiếp lời của chính mình. Rồi chị nói với anh những cảm giác khó chịu khi thi thoảng lại nhận ra tình trạng giữa vợ chồng, phân tích cho anh nghe sự lười biếng của chính chị trong việc giao tiếp. Chị cũng nói rằng chị không muốn đến năm 60, 70 tuổi mà 2 người vẫn tiếp tục xa cách thế này hoặc ngày càng xa hơn.
Vì là người chồng có tư duy phát triển nên anh luôn lắng nghe khi chị muốn nói gì đó. Lần này cũng vậy, anh đặt điện thoại xuống và quay sang vợ: “Thế thì mình cùng học thôi em”.
Những ngày sau đó, chị và anh cùng thiết lập “kỷ luật thép” trong việc đặt điện thoại xuống trước giờ đi ngủ. Chấp nhận chuyện đôi khi lặng thinh, cứ nằm như thế trân trân nhìn… trần nhà cho đến khi buồn ngủ. Hoặc có những khi, thấy khó quá thì cả hai sẽ cùng xem điện thoại chung về một chủ đề. Mỗi người nhường nhau một chút. Khi thì chị theo dõi cùng anh về kiến thức tài chính, nghe anh kể chuyện một vài công ty. Có khi thì anh nghe chuyện bạn bè chị hoặc nghe chị… tóm tắt video hay.
Dần dần, anh chị có thể đọc được những quyển sách chung. Tối lại, khi đã dạy các con học bài xong, anh chị rủ nhau đi bộ 30 phút quanh chung cư rồi mới về cho dễ ngủ. Chủ đề để nói đã dài hơn vì chị gặp ai thú vị cũng kể với anh, có câu hỏi ngớ ngẩn nào cũng “không giấu dốt”…
Thậm chí, có những tin nhắn chị gửi đi mà anh không trả lời, chị cũng biết anh đang bận chứ không suy diễn “chồng vô tâm hay coi thường mình”. Ngược lại, anh cũng không còn giữ chặt mọi vấn đề cần suy nghĩ, tính toán trong đầu vì sợ làm phiền vợ như trước nữa. Nhiều lần anh nói ra mà chị lỡ lời phán xét chồng điều gì đó thì sẽ ngay lập tức xin lỗi.
Anh chị vẫn có những chuyện không hài lòng về nhau, nhưng những lúc đặt điện thoại xuống để đối thoại luôn là điểm bắt đầu để gần nhau hơn. Không có vợ chồng nào ngay từ đầu đã hợp nhau và nói chuyện thao thao bất tuyệt như những người tri kỷ. Chị không nhìn những hình mẫu ấy để ước muốn viển vông nữa mà thực sự cố gắng để điều đó xảy ra.
“Cảm ơn anh đã dành thời gian cho em”. Thi thoảng chị vẫn sến súa nhắn một tin như thế cho chồng. Chị đã hiểu, dù là bạn đời thì cũng cần nỗ lực để tìm hiểu nhau, ngay cả khi đã chung sống lâu năm.