Mang chấy về nhà
Chị P.T.D. (ngụ Q.7, TP.HCM) giật mình khi phát hiện trên đầu bé M., con gái đang học lớp Một có chấy. Vạch tóc con ra, chị mới nhìn rõ trên thân tóc bám đầy trứng chấy. Bé M., lúc này mới vô tư kể: “Cô giáo hỏi có ai bị ngứa đầu không, con và bảy bạn giơ tay. Cô dặn khi ngủ trưa chúng con nhớ nằm trở đầu với nhau vì chấy lây nhiều quá”.
Khoảng một tuần nay, con gái chị thường xuyên gãi đầu. Ngày nào chị cũng gội đầu cho con mà vừa gội xong, bé đã kêu ngứa lắm. “Tôi cứ nghĩ con bé hiếu động, chạy nhảy nhiều nên đầu có mồ hôi sinh ngứa ngáy, còn tưởng con bé nhõng nhẽo vì vừa gội đầu xong sao ngứa được”, chị D. kể. Điều đáng nói, khi kiểm tra đầu của đứa con lớn (ở chung phòng với em) cũng phát hiện chấy.
Hỏi han nhiều người về cách diệt chấy, chị D. mới biết không chỉ con mình bị lây loại ký sinh trùng này. Chị T.T.C.V. có con đang học lớp Một tại Q.Tân Phú, TP.HCM chia sẻ, con chị bị lây chấy sau khi đi học được hai tuần.
Chị V. cũng dùng cách thủ công như bắt chấy và tuốt trứng nhưng không xuể. Chị mua dầu gội diệt chấy về dùng cho con, khoảng mươi ngày thấy gần hết nhưng ngưng dùng thì chấy lại xuất hiện.
Chảy máu đầu vì… chấy
Bác sĩ Lê Thái Vân Thanh (Phòng khám chăm sóc da, chuyên khoa da liễu, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM), cho biết, tuần nào cũng tiếp nhận 5-7 học sinh khi đến khám da liễu mới biết mình đang bị chấy làm tổ.
Phụ huynh không hề nghĩ rằng con mình bị chấy cắn, họ cho rằng con chấy chỉ có ở thời… xa xưa, khi điều kiện vệ sinh còn thiếu thốn. Chính vì tâm lý chủ quan của cha mẹ mà các tổn thương nặng trên da đầu của trẻ thường được phát hiện và xử lý chậm trễ.
Bác sĩ Thanh dẫn chứng vài trường hợp lãnh hậu quả do để chấy làm tổ lâu ngày. Ca thứ nhất là bé gái bốn tuổi P.T.T.M. (ngụ Q.Bình Thạnh, TP.HCM), đến khám bệnh nấm chốc. Lúc khám, bác sĩ ghi nhận da đầu bé đóng vảy, tóc bết lại từng mảng, trầy xước, chảy máu
Tuy nhiên trên tóc bệnh nhi còn có rất nhiều trứng chấy, bắt được cả chấy trưởng thành đang bò. Mẹ của bé M. lầm tưởng trứng chấy là gầu ống, ra sức gội đầu cho con. Bị chấy cắn lâu ngày, bé M. cào gãi khiến da đầu chảy máu, viêm đỏ, là điều kiện lý tưởng cho các loại vi khuẩn, nấm phát triển.
Trường hợp tương tự là bệnh nhi N.V.A. (12 tuổi, ngụ Q.6, TP.HCM). “Những bé ở tuổi tiền dậy thì thường có chấy. Phụ huynh cứ nghĩ con mình đang tuổi dậy thì, tuyến mồ hôi và tuyến bã phát triển nên tóc có gầu ống. Thực ra đó chính là trứng chấy”, bác sĩ Thanh chia sẻ.
Chấy không gây nguy hiểm tính mạng nhưng ảnh hưởng rất lớn tới chất lượng sống của trẻ. Khi bị chấy, bé sẽ không ngủ ngon, mất tập trung trong giờ học. Đó còn chưa kể việc trẻ ngứa ngáy cào gãi khiến da đầu bị tổn thương, dẫn tới nhiễm khuẩn, tiến triển thành bệnh chốc, bội nhiễm vi nấm…
Điều trị chấy không khó, khó là ở những ca chủ quan để da đầu tổn thương nặng. Nếu da đầu có các vết lở loét, chảy máu, bác sĩ thường cân nhắc khi cho trẻ dùng các sản phẩm gội đầu diệt chấy, bởi hóa chất có công dụng trị chấy rất dễ ngấm qua vết thương hở trên da đầu, gây ngộ độc.
Với những trường hợp này, thay vì gội rồi ủ tóc trong 30-60 phút thì cần gội nhanh và ủ khoảng 15 phút rồi xả nước thật sạch. Tuy hiệu quả diệt chấy sẽ lâu hơn bình thường nhưng đảm bảo an toàn cho trẻ.
Bác sĩ Vân Thanh cảnh báo phụ huynh tuyệt đối không dùng những cách trị chấy dân gian nguy hiểm như xoa dầu hỏa, dầu nóng, hóa chất… lên tóc. Đó là những chất gây cháy, có thể làm phỏng da, nếu đổ trúng tai, mắt của trẻ thì hậu quả khôn lường.
Làm thế nào để trị chấy triệt để?
Theo bác sĩ Trần Phủ Mạnh Siêu - Phó giám đốc Bệnh viện Nguyễn Trãi TP.HCM, chuyên gia về ký sinh trùng - nếu diệt chấy không triệt để, trẻ có thể lây chấy cho cả gia đình.
Chải tóc bằng lược chải chấy chỉ bắt được con chấy trưởng thành, không tuốt được trứng chấy, không thể trị chấy triệt để. Thay vào đó, cần cho trẻ dùng dầu gội đầu trị chấy chuyên dụng.
Muốn diệt chấy hiệu quả, phụ huynh phải báo với nhà trường để có biện pháp ngăn ngừa lây lan. Cần cách ly các bé bị chấy lúc ngủ trưa, dùng riêng lược chải đầu, không xếp chung gối.
Không chỉ thế, ở nhà, cha mẹ cũng phải xử lý chăn mền, gối của bé bằng cách giặt, ngâm trong nước sôi, phơi nắng. Nếu không phối hợp từ cả hai phía, trẻ vẫn bị lây chấy tái đi tái lại.