Theo PGS.TS Phạm Thị Bích Đào, Bộ môn Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, dái tai là phần không cốt dưới loa tai, chỉ có da, tổ chức liên kết, mỡ. Dái tai bị sưng có kích thước to hơn bình thường, da đỏ, cảm giác nóng, đau.
Nguyên nhân gây sưng dái tai thường do nhiễm trùng, dị ứng, chấn thương hoặc các khối u. Nhiễm trùng do bấm lỗ tai là nguyên nhân phổ biến gây sưng dái tai.
Sau khi bấm lỗ, tai sẽ sưng, đau mức độ nhẹ, thuyên giảm sau vài ngày. Tuy nhiên, dụng cụ bấm không sạch có thể gây nhiễm trùng, làm dái tai sưng nặng kéo dài. Dấu hiệu thường gặp nếu tai nhiễm trùng gồm sưng tấy, đỏ, ấn vào dái tai thấy đau, thậm chí chảy mủ.
Một số vật liệu của khuyên tai có thế gây kích ứng da. Khi tháo bỏ khuyên, triệu chứng sưng, đau sẽ hết.
Bên cạnh triệu chứng sưng, đau do bấm lỗ, dái tai có thể bị ngứa, nhức do côn trùng cắn. Lúc này, người dân cần rửa sạch vùng da bị cắn bằng xà phòng, nước sạch, chườm đá lạnh 10 phút/lần để giảm mức độ sưng đau. Nếu có dấu hiệu nguy hiểm toàn thân, người bệnh cần được đưa đi cấp cứu ở cơ sở y tế gần nhất.
PGS Đào lưu ý nguy cơ hình thành u nang bã đậu ở dái tai lớn nếu vệ sinh tai không sạch, lỗ chân lông bị bít hẹp gây ứ đọng, tích tụ chất bã. U thường có dạng hình tròn, dễ dàng di chuyển với ngón tay, màu sắc da tại chỗ bình thường, đôi khi sẫm màu hơn. Trường hợp nặng, các nang này có thể bội nhiễm vi khuẩn, hình thành nên ổ áp-xe ở dái tai. Triệu chứng nặng lên là sốt cao, dái tai sưng tấy, chảy mủ.
Chuyên gia khuyến cáo người dân nên chườm đá lạnh lên vùng dái tai bị sưng để làm co mạch máu tại chỗ, giảm tình trạng sưng nề, uống các thuốc giảm đau không kê đơn như paracetamol. Nếu bị côn trùng cắn, viêm da dị ứng, có thể bôi tại chỗ thuốc mỡ corticoid, mỡ kháng khuẩn.
Khi bị sưng, đau dái tai kéo dài hơn một tuần hoặc kèm theo các triệu chứng sốt cao, có mủ tại chỗ, người dân cần đến bệnh viện để khám, điều trị. Bác sĩ sẽ trích rạch dẫn lưu mủ, kê đơn kháng sinh, kháng viêm, giảm phù nề hoặc phẫu thuật lấy bỏ khối u khi tình trạng viêm ổn định.