Sau khi phát hiện chồng ngoại tình, ngày 15/4/2016, chị Trương Thị Mỹ Nhung quyết định đơn phương gửi đơn xin ly hôn lên Tòa án nhân dân (TAND) quận 12, TP.HCM.
Trong ngày xét xử, anh Bùi Mạnh Dũng vắng mặt, tòa đã chấp nhận đơn xin ly hôn của Nhung. Đồng thời, chị Trương Thị Mỹ Nhung cũng nhận được quyền nuôi con kể từ ngày 9/6/2016. Nhưng khi Nhung đến nhà đón con thì phía nhà chồng chửi mắng và giữ cháu lại, không cho gặp mẹ.
Được biết, sau đó, anh Bùi Mạnh Dũng có kháng cáo, và đơn xin ly hôn của chị Trương Thị Mỹ Nhung đã được chuyển lên Tòa án Nhân dân TP.HCM để xét xử theo trình tự pháp luật.
Phụ Nữ và Gia Đình đã có cuộc trao đổi với Luật sư Lê Ngọc Luân - Hãng luật GOLD KEY (Đoàn Luật sư TP.HCM) về các tình tiết của vụ việc này. Dưới đây là nội dung cuộc trao đổi.
PN&GD: Xin chào LS Lê Ngọc Luân, vụ việc ly hôn của chị Trương Thị Mỹ Nhung và anh Bùi Mạnh Dũng đã được TAND quận 12 đưa ra xét xử và có quyết định chấp thuận chị Nhung được ly hôn với anh Dũng vào ngày 9/6/2017. Sau đó, do anh Dũng có kháng cáo nên TAND quận 12 đã chuyển lên lên TAND TP.HCM vào ngày 13/7/2017. LS cho biết quan điểm của ông về thời gian mà các cơ quan chức năng đã chuyển vụ việc này như thế nào?
LS Lê Ngọc Luân: Điều 286 Bộ luật Tố tụng dân sự 2014 quy định, kể từ ngày tòa cấp sơ thẩm (tại TAND Quận 12) chuyển hồ sơ vụ án, thì trong vòng 2 tháng, tòa cấp phúc thẩm (TAND TP.HCM) phải ban hành 1 trong 3 quyết định: i) tạm đình chỉ, ii) đình chỉ, hoặc iii) đưa vụ án ra xét xử.
Trong trường hợp có tính chất phức tạp, trở ngại khách quan hoặc bất khả kháng, có thể kéo dài trong vòng 1 tháng. Trong vụ án này, tôi cho rằng, không rơi vào các trường hợp phức tạp, trở ngại khách quan, bất khả kháng nên tòa cấp phúc thẩm cần nhanh chóng đưa vụ án ra xét xử để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp đương sự, đặc biệt là quyền phụ nữ và trẻ em.
PN&GD: Theo quyết định từ TAND quận 12, quyền nuôi con được giao cho chị Nhung nhưng đến thời điểm hiện tại, phía gia đình chồng chị vẫn giữ bé, hành vi này có vi phạm pháp luật không?
LS Lê Ngọc Luân: Cháu bé đang còn nhỏ (dưới 36 tháng) nên trường hợp này mẹ được quyền được chăm sóc, nuôi dưỡng để đảm bảo sự phát triển tốt nhất cho trẻ. Trừ trường hợp người mẹ có hành vi vi phạm các quy định của pháp luật về việc hạn chế quyền nuôi con. Theo quan điểm của tôi, tòa quận 12 đã xét xử đúng pháp luật, giao quyền nuôi con cho mẹ cháu bé là hợp tình và hợp lý. Dù bản án sơ thẩm chưa có hiệu lực (do có kháng cáo) nhưng hành vi giữ con của người chồng và gia đình chồng như vậy là có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
PN&GD: Thưa luật sư, luật pháp Việt Nam quy định trẻ ở độ tuổi nào sẽ được giao cho người mẹ chăm sóc khi ly hôn? Trường hợp này, người mẹ có cần đảm bảo điều kiện gì không?
LS Lê Ngọc Luân: Khoản 3 điều 81 Luật Hôn nhân gia đình 2014 quy định: “Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc,nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con”.
Theo tôi, căn cứ theo thông tin tại bản án sơ thẩm, người mẹ được toàn quyền nuôi con vì cháu bé dưới 36 tháng tuổi và mẹ cháu đủ điều kiện chăm sóc tốt nhất cho cháu bé, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
PN&GD: Trong trường hợp này, một người ít hiểu biết về pháp luật như chị Nhung cần phải làm gì?
LS Lê Ngọc Luân: Đối với việc xảy ra tranh chấp về nuôi con khi ly hôn, một người ít hiểu biết pháp luật như chị Nhung, tôi nghĩ cần nhờ luật sư tư vấn, hỗ trợ pháp lý bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho chị Nhung và đứa bé. Như trên đã nói, việc gia đình chồng chị Nhung bắt con chị Nhung từ lúc 6 tháng tuổi không cho chị Nhung chăm sóc, trông nom cháu bé là việc xâm phạm quyền, lợi ích nghiêm trọng về nghĩa vụ, quyền của cha mẹ với con cái. Nếu sau khi bản án phúc thẩm bác đơn kháng cáo của chồng chị Nhung mà cha cháu bé có các hành vi cản trở, quấy rối người trực tiếp nuôi con thì chị Nhung có quyền yêu cầu tòa án hạn chế quyền của cha mẹ đối với con chưa thành niên đối với người cha (Điểm a khoản 1 Điều 85 Luật Hôn Nhân gia đình 2014).
PN&GD: Nếu người phụ nữ muốn đơn phương ly hôn, thì nộp đơn ở đâu?
LS Lê Ngọc Luân: Theo quy định của Bộ luật Tố Tụng Dân sự 2014, người muốn đơn phương ly hôn (người khởi kiện - nguyên đơn) sẽ phải nộp đơn ở tòa án cấp quận, huyện nơi (người bị kiện - bị đơn) cư trú, làm việc. Trường hợp không biết nơi cư trú, nơi làm việc của bị đơn thì nguyên đơn có thể yêu cầu tòa án cấp quận, huyện nơi bị đơn cư trú, làm việc cuối cùng để yêu cầu giải quyết.