Thực tế cho thấy, các cầu thủ lừng danh nhất thời đại nằm trong danh sách FIFA 100 ngoài một số ít là con nhà nòi, còn lại phần nhiều xuất thân từ các khu dân cư lao động, trong các gia đình nông dân, công nhân bần hàn, bố làm mỏ than, bảo vệ, thợ lắp ráp nhà bếp, thợ điện, thợ làm bánh, công nhân đường ray, đóng tàu, bán hàng thuê. Hoặc nhà đông con đến bảy tám người, cha mẹ bỏ nhau, mẹ đi biệt tích từ lúc cầu thủ còn nhỏ xíu. Các cầu thủ tương lai nhà nghèo đến nỗi gia đình đã chọn sẵn cho việc trở thành công nhân mỏ than, tài xế xe tải hay thợ cơ khí như George Weah, Eric Cantona, Franz Beckenbauer, Dino Zoff… chưa kể nhiều ngôi sao hàng đầu còn lớn lên từ khu ổ chuột như Maradona hay Rivaldo.
Nhưng trong cái không may đâm có cái may. Hoàn cảnh vất vả khiến đấng sinh thành của các thiên tài sân cỏ không còn cách nào khác để có thể kè kè trông nom cậu con trai hiếu động của mình. Vậy là các ông tướng được thỏa thích ra vỉa hè đá bóng, người lấm đất lấm cát lấm tuyết vô tư, đá đến bao giờ về thì về. Chứ chẳng may phải sinh ra trong một gia đình có truyền thống hiếu học ở Hà Nội thì khéo lại thành bất hạnh, vì yên trí trăm phần những cặp giò vàng, giò kim cương ấy giờ đang ngồi bàn giấy xem đá bóng mà thèm rơi nước mắt.
Phàm việc gì cũng vậy, muốn thành công chỉ có mỗi công thức duy nhất: Đam mê + Kiên trì khổ luyện + May mắn (tình cờ gặp được mắt xanh phát hiện ra tài năng sớm hoặc sinh ra trong gia đình luôn thấu hiểu con cái để khuyến khích khả năng của con mình).
Lớp con gái tôi đang học có một thầy dạy lý rất kém cỏi trong việc truyền đạt. Dạy được một kỳ thì thầy mắc phải khiếu nại liên tục từ phía phụ huynh học sinh từ lớp 6 đến lớp 9. Lý do là thầy dạy xong trò không hiểu gì cả, học lực môn giảm sút từng ngày. Tôi cũng nhận ra điều đó khi con gái mình rất say mê môn vật lý vào năm lớp 7 nhưng bắt đầu cảm thấy sách giáo khoa lý xa lạ như tiếng ngoài khi lên lớp 8. Những trò giỏi lý ít ỏi trong lớp đều là do đi học thêm ngoài hoặc tự lên Google tải các phần mềm học lý về.
Trường con gái tôi theo học là hệ tư thục đào tạo theo chương trình quốc tế, ý kiến của phụ huynh luôn được tôn trọng hàng đầu như cách một công ty ứng xử với khách hàng. Nên nhiều lần các trò đi ngang qua phòng chờ giáo viên đều thấy thầy giáo trẻ đang ngồi khóc thút thít trước mặt các giáo viên khác. Thầy bị phụ huynh toàn khối gây sức ép lên hiệu trưởng.
Thầy xấu hổ, nhưng một nguy cơ khác còn gây đau khổ hơn là thầy sắp mất việc. Chẳng biết làm thế nào nên thầy đành khóc. Có lẽ đến hiệu trưởng cũng mủi lòng mà để thầy tiếp tục được đứng lớp sau khi đôi bên cùng nỗ lực hết sức để cải thiện bài giảng. Thầy vẫn lên lớp hàng ngày, nhưng với tư thế nem nép của một ông đồ biết thân biết phận rằng mình giảng chẳng ra sao. Vậy là học trò thỏa sức bắt nạt thầy. Những đứa trẻ lớp sáu ngông cuồng thuộc dạng con nhà bắt đầu muốn nói gì thì nói, hành động sao cũng được vì biết tỏng thầy đang sợ tất tật những ai có mặt trong trường này. Nghe kể đến nông nỗi thế thì tôi cũng thương thầy, chấp nhận việc con mình mù tịt môn khoa học này mà thôi cái ý đồ lên trường kiện cáo.
Đi dạy gần 20 năm nên tôi hiểu lắm. Những người chuyên môn yếu, không bao giờ dám tự tin nhận xét phê bình đồng nghiệp hay giáng điểm xấu cho học trò. Họ đang sống một cuộc đời sao cũng được hết sức tội nghiệp. Tôi nghĩ bụng rằng thầy giáo ấy chắc hẳn khổ tâm lắm, vì hạnh phúc là sáng muốn đi làm, chiều muốn về nhà kia mà. Đằng này thầy đến trường gặp ai cũng sợ sệt, sợ người ta nhìn thấu rằng mình không biết giảng bài, dù rằng ai cũng biết cả rồi.
sau một buổi học về con gái tôi kể: “Hôm nay vừa bước vào lớp, thầy dạy lý tự dưng thốt lên: Các em không thích tôi chứ gì. Còn tôi cũng chẳng báu gì cái nghề dạy học này đâu. Tôi thì đã không giỏi ăn nói. Ước mơ của tôi là được làm kỹ sư điện tử.
Tôi đã thi đỗ vào một trường khác đúng sở trường nhưng đành phải theo học sư phạm với lý do là trường này miễn học phí. Nhà tôi thì nghèo, nếu không theo đường sư phạm thì tôi có nguy cơ phải bỏ học vì không thể đủ tiền trang trải. Ra trường, tôi vẫn mong tìm được một công việc liên quan đến mơ ước cũ với vốn liếng đã học, nhưng kết quả là tôi bị thất nghiệp mấy năm trời. Chẳng ai chịu nhận tôi cả. Tôi cứ ở quê với bố mẹ, ăn bám bố mẹ cho hàng xóm chê cười. Xong rồi không chịu nổi, tôi tiếp tục phải đi tìm việc và được nhận vào đây. Tôi thì có giỏi ăn nói đâu. Tôi biết trong lớp mình rất nhiều em có bố mẹ làm công ty riêng. Các em thử về hỏi bố mẹ xem có việc gì phù hợp với ngành điện tử thì xin cho tôi vào làm với”.
Con gái kể đến câu cuối thì tôi không nhịn được cười, cười đến chảy nước mắt vì sự hài hước chưa từng thấy bao giờ, nhưng trong bụng thì không khỏi xót xa cho cậu giáo trẻ. Tôi không chắc sau khi lên lớp đủ 10.000 lần theo quy tắc của Malcolm Galdwell thì thầy giáo vật lý có thể truyền cảm hứng được cho học trò bằng những bài giảng khúc triết và sinh động được không. Nhưng chẳng phải con người ta, làm gì không quan trọng, điều quan trọng nhất là được làm đúng công việc mà mình yêu thích hay sao. Không ngồi nhầm chỗ của người khác, thế mới là hạnh phúc vậy.