Ngày 21/3, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cho biết trong tuần (từ ngày 10 đến 17/3), thành phố ghi nhận 70 trường hợp mắc thủy đậu. Trong khi tuần trước đó, Hà Nội ghi nhận 112 ca thủy đậu.
Như vậy, cộng dồn từ đầu năm 2023 đến nay, thành phố đã có 548 ca thủy đậu (trong khi cùng kỳ năm 2022 có 4 ca). Số ca mắc ghi nhận cao ở nhóm tuổi mầm non (36,5%) và tiểu học (38%).
Bệnh nhân thủy đậu được ghi nhận tại 18/30 quận huyện, trong đó, một số quận, huyện có số ca mắc cao như Chương Mỹ (230 ca), Mê Linh (69), Ba Vì (60 ca), Nam Từ Liêm (56 ca), Mỹ Đức (42 ca).
Theo Cục Y tế dự phòng, thủy đậu là bệnh cấp tính do nhiễm virus Varicella Zoter (gây ra bệnh thủy đậu ở trẻ em và bệnh zona ở người lớn). Virus có khả năng sống được vài ngày trong vẩy thủy đậu khi bong ra, tồn tại trong không khí. Bệnh rất dễ lây lan, lây truyền từ người sang người qua đường hô hấp thông qua tiếp xúc trực tiếp, qua dịch tiết mũi họng, dịch từ nốt phỏng thủy đậu.
Bệnh nhân thường có biểu hiện mệt mỏi, nhức đầu, sốt nhẹ, chảy nước mũi, đau họng và da xuất hiện các nốt ban đỏ bắt đầu ở vùng đầu, mắt rồi lan ra toàn thân. Thời kỳ lây truyền của bệnh là 1-2 ngày trước khi phát ban và trong vòng 5 ngày sau khi xuất hiện nốt bọng nước đầu tiên. Bệnh thường kéo dài 7-10 ngày.
Theo TS.BS Nguyễn Đăng Mạnh, Viện trưởng Viện Lâm sàng các bệnh truyền nhiễm, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Hà Nội, thời tiết nồm ẩm là điều kiện thuận lợi để bệnh thủy đậu phát triển và lây lan. Bệnh gây ra nhiều biến chứng như viêm phổi, viêm não. Di chứng sau đó có thể kèm theo như điếc, động kinh, chậm phát triển tinh thần vận động…
Trẻ sơ sinh được sinh ra từ mẹ mắc thủy đậu khi mang thai có thể mắc phải các dị tật bẩm sinh. Bệnh thủy đậu không phải chỉ gặp ở trẻ em mà còn xuất hiện ở người lớn với biểu hiện đôi khi nặng hơn.
Hiện bệnh không có biện pháp điều trị đặc hiệu. Việc điều trị bệnh thường tập trung vào việc làm giảm nhẹ các triệu chứng, giữ bệnh nhân không bị mất nước.
"Bệnh có thể lây lan nhanh chóng, trở thành dịch nên việc phòng ngừa thủy đậu rất quan trọng. Cách chủ động và có hiệu quả nhất là chủng ngừa bằng vaccine. Đối với các trẻ lớn hơn và người lớn, chúng ta nên tiêm đủ 2 liều, cách nhau ít nhất 6 tuần", bác sĩ Mạnh khuyến cáo.