Theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội, trong tuần qua, Thủ đô có thêm 442 ca sốt xuất huyết. Số ca mắc mới tăng gấp 1,5 lần so với tuần trước đó. Có 19 ổ dịch mới được ghi nhận ở 11 quận, huyện.
Trong đó, quận Bắc Từ Liêm có 3 ổ dịch; 6 quận, huyện: Cầu Giấy, Hoàng Mai, Nam Từ Liêm, Đống Đa, Thanh Oai, Đan Phượng, mỗi nơi có 2 ổ dịch; còn lại 4 quận, huyện: Thường Tín, Hà Đông, Phúc Thọ, Thạch Thất, mỗi nơi có một ổ dịch.
Theo thống kê của CDC Hà Nội, Thạch Thất đứng đầu về số ca sốt xuất huyết mới với 109 bệnh nhân. Hiện đây cũng là địa bàn ghi nhận nhiều bệnh nhân sốt xuất huyết nhất, tính từ đầu năm. Chỉ tính riêng xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất đã phát hiện 223 ca bệnh.
Cộng dồn từ đầu năm đến nay, Hà Nội đã phát hiện tổng cộng 1.556 bệnh nhân sốt xuất huyết, chưa ghi nhận ca tử vong. Con số này cao gấp 4 lần so với cùng kỳ năm 2022.
Tổng số ổ dịch sốt xuất huyết ghi nhận được trong 7 tháng đầu năm cũng lên đến con số 91. Hiện tại, Thủ đô có 40 ổ dịch đang hoạt động.
Số ca mắc sốt xuất huyết tiếp tục có xu hướng gia tăng nhanh trong 3 tuần gần đây; một số ổ dịch có nhiều bệnh nhân, diễn biến kéo dài.
Kết quả kiểm tra giám sát tại các ổ dịch cho thấy, một số tồn tại như xử lý chưa triệt để, chỉ số côn trùng sau xử lý cao vượt ngưỡng nguy cơ, tỷ lệ phun hóa chất chưa đạt yêu cầu...
Kết quả giám sát công tác phòng, chống sốt xuất huyết tại một ổ dịch trong tuần qua cho thấy, chỉ số muỗi, bọ gậy (chỉ số BI) cao vượt ngưỡng như: đường An Thắng, phường Biên Giang, quận Hà Đông (BI=55); xã Vĩnh Quỳnh, huyện Thanh Trì (BI=44)…
CDC Hà Nội nhận định, số ca mắc sốt xuất huyết tiếp tục có xu hướng gia tăng, xuất hiện thêm các ổ dịch, đặc biệt tại khu vực ổ dịch cũ, xã phường có diễn biến dịch các năm phức tạp.
Thời gian tới, CDC Hà Nội tăng cường giám sát chặt chẽ, phát hiện sớm bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm tại cộng đồng và các bệnh viện được phân cấp nhằm nắm bắt tình hình dịch bệnh, điều tra, xử lý dịch kịp thời các ca bệnh, ổ dịch, không để dịch bùng phát.
TS Nguyễn Văn Dũng, Trưởng khoa Côn trùng, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương cho biết, trước đây, dịch sốt xuất huyết ở nước ta diễn biến theo chu kỳ 4-5 năm. Tuy nhiên, hiện nay quy luật này đang có dấu hiệu bị phá vỡ.
"Dịch sốt xuất huyết hiện cũng đang có dấu hiệu "đảo chiều" so với năm 2022. Miền Nam có số lượng ca mắc giảm hơn một nửa so với năm ngoái. Trong khi đó ở miền Bắc có dấu hiệu gia tăng", TS Dũng phân tích.
Theo BSCKII Trần Duy Hưng, Trưởng khoa Virus - Ký sinh trùng, sốt xuất huyết do virus Dengue gây ra. Căn bệnh này không có thuốc điều trị đặc hiệu. Khi có dấu hiệu cảnh báo, bệnh nhân cần nhập viện để được theo dõi, điều trị từng triệu chứng và điều trị hỗ trợ kịp thời.
Nếu người mắc sốt xuất huyết chủ quan thì tình trạng có thể trở nên rất đáng báo động. Những biến chứng nặng có thể xảy ra khi bệnh nhân được phát hiện và điều trị muộn. Chúng có thể ảnh hưởng đến nhiều cơ quan trong cơ thể và gây nguy hiểm tính mạng.
Bên cạnh đó, BS Hưng cũng nhấn mạnh rằng, bệnh nhân sốt xuất huyết có thể tái mắc nhiều lần. Do đó, người đã từng mắc sốt xuất huyết tuyệt đối không được chủ quan. "Một bệnh nhân có thể mắc 2 lần trong một mùa dịch. Thậm chí, họ có thể mắc đến 2 type khác nhau", BS Hưng nhấn mạnh.