Khi nhắc tới các dấu hiệu cảnh báo ung thư, chúng ta thường nghĩ ngay tới cảm giác đau đớn, sụt cân, chảy máu bất thường… Tuy nhiên, cũng có không ít dấu hiệu ung thư bộc lộ ra cả bên ngoài và dễ dàng nhìn thấy khi bạn soi gương hàng ngày.
Điều đáng tiếc là hầu hết chúng ta đều có thói quen soi gương hàng ngày nhưng lại không để ý hoặc xem nhẹ những bất thường này. Hy vọng sau bài viết này, bạn hãy tìm một chiếc gương và tự kiểm tra khu vực đầu và cổ của mình, tránh bỏ lỡ những cảnh báo về ung thư nhé!
1. Mặt và cổ sưng phù
Ung thư phổi là một trong những loại ung thư phổ biến và nghiêm trọng nhất trên thế giới. Khi bệnh phát tác, tình trạng sưng tĩnh mạch chủ trên diễn ra, dẫn tới một triệu triệu chứng sưng phù ở vùng mặt và/hoặc cổ một cách bất thường.
Theo Tổ chức Nghiên cứu Ung thư Anh, đây được gọi là chứng tắc nghẽn tĩnh mạch chủ trên. Tĩnh mạch chủ trên vận chuyển máu từ phần trên cơ thể đến tim. Nếu đè lên tĩnh mạch chủ trên, khối u có khả năng chặn dòng chảy của máu dọc theo tĩnh mạch này.
Khi tình trạng đó xảy ra, bệnh nhân cần được chăm sóc y tế ngay lập tức. Các triệu chứng sẽ được giảm bớt nhờ oxy và các loại thuốc khác nhau. Để tránh nhầm nhẫn, các chuyên gia nhắc nhở rằng tắc tĩnh mạch chủ trên do ung thư phổi thường đi kèm tức ngực, khó thở, nhức đầu, ho, giảm thị lực, có thể bị sưng phù cả ở tay và/hoặc tĩnh mạch trên ngực
2. Da mặt khô, xỉn màu, quầng thâm mắt đậm
Để biết sức khỏe của bản thân có đang ổn định hay không, bạn có thể quan sát kỹ sắc mặt khi soi gương. Nếu nước da sẫm màu bất thường, nhợt nhạt, xỉn màu, nhiều quầng thâm hoặc da vàng kéo dài... thì rất có thể tế bào ung thư đã xâm nhập vào cơ thể chúng ta.
Bởi thông thường, ở người khỏe mạnh sẽ có nước da hồng hào, căng bóng. Nếu da mặt sạm đen chứng tỏ lượng máu trong cơ thể đang bị thiếu, nội tiết không cân bằng, rất có thể tế bào ung thư đã xâm nhập vào cơ thể và đang phát triển từng ngày. Đặc biệt, các chuyên gia nội tiết cho rằng thay đổi trên da mặt liên quan rất lớn tới bệnh về gan, bao gồm cả ung thư gan.
Bệnh ung thư gan gây ra vàng da mặt kéo dài hoặc da xỉn, sạm đen cùng quầng thâm mắt ngày càng đậm. Bởi vì gan đóng vai trò quan trọng trong việc hấp thụ sắt nên khi tổn thương nặng sẽ khiến nồng độ sắt trong máu tăng cao, tích tụ lại làm da bị khô, xỉn màu, đen sạm bất thường. Dấu hiệu này thường rõ ràng nhất là ở vùng da mặt, đặc biệt là vùng da quanh hốc mắt.
Ở 1 số bệnh nhân, ung thư gan còn gây ra các vết đốm đen trên da mặt. Nguyên nhân là do chức năng gan bị suy giảm, nguyên liệu chính để gan sản xuất hormone vỏ thượng thận không đủ gây ra rối loạn nội tiết.
3. Mặt đỏ hơn hoặc/và cổ to lên, có u hạch
Theo Tổ chức nghiên cứu Ung thư Anh, mặt hay đỏ kèm theo những bất thường ở cổ là triệu chứng phổ biến của bệnh ung thư tuyến giáp.
Bởi vì một trong những nhiệm vụ chính của tuyến giáp là sản xuất hormone giúp điều chỉnh quá trình trao đổi chất của cơ thể, đó là quá trình biến thức ăn thành năng lượng. Do vị trí của nó, các dấu hiệu phổ biến nhất của ung thư tuyến giáp ảnh hưởng đến cổ, cổ họng và giọng nói.
Điều này có thể biểu hiện như một cục cứng ở phía trước cổ, khó nuốt và khàn giọng. Đồng thời, Dịch vụ Y tế quốc gia của Anh (NHS) còn cảnh báo thêm rằng bệnh này có thể gây nhiều triệu chứng dễ bị bỏ qua trên khuôn mặt, bao gồm khuôn mặt đỏ hơn.
Điều này dễ nhận thấy nếu bạn chú ý khi soi gương, nhất là nếu bạn có làn da trắng. Nó cũng có thể đi kèm với bỏng rát khác lạ và dễ bị nhầm lẫn thành bệnh da liễu. Tổ chức nghiên cứu Ung thư Anh giải thích rằng đó là do dư thừa hormone calcitonin, hormone điều chỉnh nồng độ canxi và phốt phát trong máu.
4. Mụn ruồi, mảng đen bất thường
Đa số các nốt ruồi không đáng lo ngại, nhất là nếu chúng đã xuất hiện bẩm sinh hoặc kể. Nhưng nếu thấy có những nốt ruồi mới trên da mặt, tốt nhất là bạn nên đi kiểm tra. Chúng có thể là dấu hiệu của ung thư da, bệnh nội khoa hay một chứng bệnh di truyền nào đó.
Ngoài ra, bản thân các nốt ruồi dù lâu năm cũng có thể tiềm ẩn nguy cơ là ung thư da. Bao gồm nốt ruồi dần phát triển thành các đốm nâu thẫm kèm theo các vệt lốm đốm sậm màu. Nốt ruồi đột ngột thay đổi kích thước hoặc màu sắc, có thể nhói đau hoặc chảy máu khi chạm vào. Hoặc nốt ruồi sở hữu các đặc điểm của ung thư hắc tố (ABCDE) như: méo mó/ không đối xứng, bờ không đồng đều hoặc lan tràn, màu sắc không có sự đồng nhất, đường kính > 0,5 cm hay nốt ruồi có tính lan rộng hoặc tiến triển.
Bên cạnh đó, nếu soi gương mỗi ngày và bạn phát hiện trên da có những đốm đen, mảng đen ngày càng tăng kích thước và/hoặc đậm màu hơn thì cũng nên đi tầm soát ung thư sớm. Nhất là nếu chúng nằm ở vùng đầu, mặt, hai cánh tay.
5. Vàng mắt
Thông thường, vàng mắt là một triệu chứng của bệnh vàng da, đây là tình trạng đổi màu da và màu mắt do mức sắc tố cao gọi là bilirubin gây ra. Mặc dù không phải là bệnh tự thân nhưng vàng da là dấu hiệu cho thấy gan, túi mật và ống mật đang không thực hiện đúng chức năng của mình. Đặc biệt, đây cũng là triệu chứng điển hình của ung thư gan mà chúng ta dễ dàng nhìn thấy khi soi gương.
Ngoài vàng da, vàng mắt được xem là 1 triệu chứng trực quan rất quan trọng để chẩn đoán ung thư gan. Khi đó, củng mạc hay còn gọi là phần lòng trắng của mắt sẽ có màu vàng sậm. Dấu hiệu này có thể xuất hiện trước hoặc đồng thời với vàng da.
Nguyên nhân là vì cơ thể dư thừa hoạt chất có tên là bilirubin. Đây là chất có màu vàng được hình thành sau khi tế bào hồng cầu bị phá hủy. Khi gan bị tổn thương sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới điều tiết bilirubin, khiến chất này tích lũy lại và gây ra tình trạng mắt chuyển sang màu vàng, hay còn gọi là hoàng đản.
6. Mặt ngày càng gầy đi một cách kỳ lạ
Bạn có thể khó nhận ra mình sụt cân trên toàn cơ thể, nhưng nếu đến mức mặt cũng gầy đi rất nhiều thì tốt nhất là nên cẩn trọng với bệnh tật nguy hiểm. Có nhiều bệnh nhân ung thư đã phát hiện ra bệnh sớm khi thấy bản thân bị sụt cân rõ ràng, biểu hiện rõ nhất thông qua khuôn mặt hốc hác. Nhất là nếu bạn vẫn ăn uống đầy đủ, không ăn kiêng hay cố giảm cân.
Bởi khi khối u lớn lên, nó sẽ chèn ép lên các cơ quan, ví dụ như hệ tiêu hóa gây cản trở việc hấp thu thức ăn. Hoặc cũng có thể ung thư khiến cơ thể bị sốt, bị chán ăn nên không có nhu cầu nạp dinh dưỡng vào người.
Tiến sĩ Ioana Bonta, bác sĩ chuyên khoa ung thư tại Trung tâm điều trị ung thư Hoa Kỳ cho biết: Nếu bạn ăn uống đầy đủ mà vẫn giảm 10 pound trở lên (tương đương 4,5kg) thì cần nhanh chóng đi gặp bác sĩ. Vị Tiến sĩ cho biết, giảm cân không rõ lý do có thể là dấu hiệu của bệnh ung thư tuyến tụy, ung thư dạ dày, thực quản, phổi, ung thư máu…