Thời tiết giao mùa, trẻ nhỏ thường mắc các bệnh về tai mũi họng, đây là điều khó tránh khỏi tuy nhiên những xử trí sai lầm của người lớn khiến bệnh của trẻ tiến triển nặng hơn, gây khó khăn cho quá trình điều trị.
Miền Bắc vào Thu, thời tiết giao mùa nóng lạnh thất thường cũng là thời điểm nhiều trẻ nhỏ mắc các bệnh về tai mũi họng. Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, BV Xanh pôn số lượng trẻ đến khám do mắc các bệnh tai mũi họng cũng tăng lên đáng kể.
Đến giờ khi cậu con trai 4 tuổi của chị Minh Phương (Ecopark) đã được ra viện về nhà nhưng người mẹ trẻ này vẫn không khỏi rùng mình nhắc đến những mệt mỏi trong lúc chăm con bị ốm.
Bé phải nằm viện Nhi Trung ương 5 ngày vì viêm tai giữa. Trước đó bé cũng đã nằm viện 15 ngày tại một bệnh viện quốc tế gần nơi gia đình chị Phương sinh sống.
“Tổng thời gian con bị ốm mẹ chiến đấu cùng con gần 1 tháng. Con nghỉ học từ 5/8. Đi học 1 tuần thì con bị viêm tai giữa. 5 ngày nằm viện thuê phòng dịch vụ mà con quấy không chịu đặt chân vào phòng cứ ôm chặt mẹ bắt bế đi hành lang.
Cực chẳng đã, bố mẹ phải trốn ra thuê khách sạn gần viện cũng không chịu, ngày 2 lần tiêm truyền con bắt mẹ bế, không cho ngồi, chị mỏi như muốn gẫy tay. Con quấy khóc, ghê gớm đến nỗi bác sĩ còn ái ngại. Bố mẹ vô cùng căng thẳng, may sao sau đó con chỉ chỉ phải nằm viện Nhi Trung ương thêm 5 ngày nữa là được ra viện”, Minh Phương kể.
Tương tự chị Phương, con gái 5 tuổi của chị Thanh Hải (Cầu Giấy) những ngày này cũng trải qua tình trạng 3 ngày khoẻ, 7 ngày ốm. Năm nay con không thể đến trường khai giảng vì ho, sổ mũi kèm sốt suốt 3 ngày trước.
Chị Phương than phiền năm nào cũng vậy cứ vào thời điểm giao mùa là cả 3 con nhà chị thay nhau ốm. “Ốm là phải cả đàn, cứ lần lượt thay nhau. May năm nay cho uống kháng sinh ngay từ đầu nên chưa đứa nào phải nằm viện”, người mẹ này thở phào.
Chia sẻ với phóng viên, PGS.TS.BS Phạm Thị Bích Đào, Bệnh viện ĐH Y Hà Nội cho rằng thời tiết giao mùa, trẻ nhỏ thường mắc các bệnh về tai mũi họng. Đây là điều khó tránh khỏi tuy nhiên những xử trí sai lầm của người lớn khiến bệnh của trẻ tiến triển nặng hơn, gây khó khăn cho quá trình điều trị.
Sai lầm khá phổ biến mà nhiều phụ huynh hay gặp khi con mắc các bệnh về tai mũi họng là việc lạm dụng kháng sinh. Phụ huynh thường chỉ đưa con đi khám khi tự chữa (uống thuốc theo đơn cũ hoặc theo người bán hàng thuốc bán cho…) nhưng không đỡ, tình trạng con nặng lên mới đưa đến viện.
Theo BS Nguyễn Trần Nam, PGĐ BV Nhi đồng thành phố (TP.HCM), dù đã được cảnh báo nhiều lần nhưng thực tế hiện nay vẫn còn nhiều phụ huynh tự ý mua thuốc kháng sinh về cho con trẻ uống và xem như "thần dược".
Trong quá trình thăm khám và tiếp nhận bệnh nhi, các bác sĩ nhi đồng thường xuyên thấy các bậc phụ huynh cầm theo túi thuốc cho trẻ mà bên trong dày đặc các loại thuốc kháng sinh.
Thực tế hiện nay nhiều phụ huynh mua thuốc kháng sinh nhưng không hề biết đó là thuốc kháng sinh. Có nhiều trường hợp đã biết thuốc kháng sinh rồi nhưng sau đó lạm dụng khi trẻ có bất cứ biểu hiện nào liên quan đến nhiễm trùng như sốt, ho, sổ mũi, đau họng, tiêu chảy, hay có vết thương trên da...
PGS. TS Nguyễn Thị Bích Đào nhấn mạnh, để tránh tình trạng kháng thuốc cũng như nâng cao khả năng miễn dịch cho trẻ, việc dùng kháng sinh phải có chỉ định của bác sĩ. Dùng kháng sinh đúng chỉ định còn phòng tránh cho trẻ như những tổn thương gan thận có thể xảy ra.
“Thực tế cho thấy, trẻ trên 6 tháng hay bị các bệnh lý về tai mũi họng do hết lượng miễn dịch của mẹ truyền cho khi sinh.
Những bệnh lý mà trẻ mắc phải 80% là do virus nên thường chỉ dùng các thuốc chữa triệu chứng như: Hạ sốt, giảm ho, long đờm, chống ngạt tắc mũi… để cơ thể trẻ có khả năng tự sản sinh ra kháng thể chống lại các bệnh lý này.
Tuy nhiên, nếu điều trị không đúng, như việc dùng thuốc giảm ho loại ức chế trung tâm hô hấp, sẽ làm mất khả năng bảo vệ phổi của trẻ qua phản xạ ho tống dịch ra ngoài, dẫn đến các biến chứng như viêm phế quản, viêm phổi…”, PGS. TS Phạm Thị Bích Đào nhấn mạnh.
Hơn thế nữa, hậu quả mà những trẻ dùng kháng sinh phải hứng chịu là cơ thể mất chức năng đề kháng, phụ thuộc vào thuốc mỗi khi bị bệnh, nên rất dễ bị nhiễm bệnh. Bên cạnh đó, sức đề kháng thuốc của vi khuẩn trong cơ thể trẻ càng ngày càng tăng, đến khi không còn đáp ứng với bất kỳ nhóm kháng sinh nào. Đây là những trường hợp nan giải cho bệnh nhân và các bác sĩ điều trị.
“Việc sử dụng kháng sinh liên tục sẽ làm tổn thương một số cơ quan còn non nớt của trẻ như gan, thận, tuỵ… Hậu quả này thường sau một thời gian mới xuất hiện nên không được chú ý.
Cách tốt nhất cha mẹ nên cho trẻ đi khám ngay mỗi khi trẻ bị bệnh để có được lời khuyên chính xác. Phải tuyệt đối tin tưởng và làm theo đúng hướng dẫn của thầy thuốc điều trị”, PGS. TS Phạm Thị Bích Đào nhấn mạnh.
Để phòng tránh các bệnh tai mũi họng, PGS. TS Phạm Thị Bích Đào hướng dẫn:
Viêm mũi họng có thể phòng ngừa được bằng cách:
+ Đeo khẩu trang cho trẻ mỗi khi ra đường, vì môi trường Việt Nam hiện tại bị ô nhiễm nặng nề do bụi xây dựng, xăng, hoá chất...
+ Hạn chế đưa trẻ đến những nơi đông người, vì dễ bị lây nhiễm khi cơ thể trẻ chưa đủ sức đề kháng.
+ Giữ ấm vùng cổ, ngực và bụng cho trẻ khi trời lạnh.
+ Tránh để trẻ ở những nơi có gió lùa.
-Hạn chế biến chứng của viêm mũi họng:
+ Điều trị sớm mỗi khi trẻ xuất hiện các triệu chứng của mũi họng.
+ Điều trị tốt các ổ viêm nhiễm ở mũi họng, răng miệng.
+ Điều trị đúng và triệt để các bệnh viêm đường hô hấp, hội chứng trào ngược dạ dày thực quản.
+ Nâng cao thể trạng, tăng cường sức chống đỡ của niêm mạc mũi họng.
+ Biết cách nhỏ mũi cho trẻ, hướng dẫn đúng cho trẻ cách xì mũi để không đẩy mủ và vi trùng lên tai giữa hoặc vào xoang.