Vì sao dễ tăng cân sau Tết?
Nạp vào cơ thể quá nhiều thức ăn giàu năng lượng
Mâm cơm truyền thống ngày Tết Việt Nam đa phần là các món ăn chứa nhiều đường, tinh bột và dầu mỡ như bánh chưng, bánh tét, giò chả, lạp xưởng, thịt gà, thịt lợn, … Hay các loại đồ ăn như mứt, trái cây ngọt, các loại hạt dưa, hạt điều cũng khiến nằm trong danh sách đồ ăn dễ gây tăng cân…
Những món ăn này sinh nhiều năng lượng (calo), tạo điều kiện cho lượng mỡ gia tăng. Thêm vào đó, việc tụ họp ăn nhậu, uống rượu bia triền miên cũng là nguyên nhân gây tăng cân sau Tết . Bởi cơ thể nạp năng lượng cả ngày theo kiểu “tích tiểu thành đại” dù đến mỗi nhà chỉ ăn trái cây, bánh chưng hay uống một vài ly bia chứ không ăn thịt, mỡ.
Không dành thời gian tập luyện
Bận bịu với kế hoạch về quê chúc Tết, ăn uống … nên hoạt động thể thao khó duy trì trong dịp này. Thậm chí có người còn luôn ở trong tình trạng say xỉn, nằm một chỗ khiến năng lượng nạp vào tăng nhưng không được tiêu hao dẫn đến tích tụ thêm mỡ trong cơ thể. Kết quả là các vòng eo, bụng, đùi… cứ ngày một phì ra.
Sinh hoạt không điều độ
Tết được quan niệm là dịp “ăn chơi” nên sinh hoạt thường bị xáo trộn như ngủ trễ, ngủ ít, ăn không đúng bữa, uống ít nước, ăn ít rau xanh, ngồi nhiều… khiến cân nặng dễ tăng lên.
Ngày tết cứ tưởng ăn mỗi thứ một chút cân nặng sẽ ở trong mức an toàn, nhưng số bữa ăn tăng thì chắc chắn bạn sẽ tăng cân đều đều.
Tăng cân sau Tết gây hại gì đến hệ xương khớp?
Tăng cân sau tết hay béo phì ảnh hưởng lên hệ xương khớp bộc lộ rõ nhất là việc đi lại chậm chạp hơn, lười vận động. Một số bệnh lý xương khớp cũng dễ gặp nhiều người thừa cân béo phì như:
Thoái hóa khớp
Khi trọng lượng cơ thể tăng thì sức nặng đè lên các khớp càng lớn, nhất là vùng lưng, khớp háng, khớp gối, cổ chân làm cho các khớp này sớm bị tổn thương. Hậu quả là gây đau đớn và khó khăn trong vận động, sinh hoạt hằng ngày của người bệnh.
Về lâu dài, sự tổn thương trên có thể dẫn tới tình trạng lão hóa khớp gây nên các bệnh lý như:
Loãng xương
Người béo phì thường ít phơi nắng, ít hoạt động, vận động ngoài trời. Tình trạng này kéo dài sẽ làm giảm chất lượng của xương, dẫn tới loãng xương.
Đau khớp gối
Khi bị thừa cân, tình trạng có thể trở nặng khi các khớp phải chịu trọng lượng gấp nhiều lần. Đau khớp gối xuất hiện ở mọi độ tuổi nhưng nếu bạn mắc bệnh béo phì thì chứng bệnh này càng dễ xuất hiện và trở nên nghiêm trọng hơn.
Cách kiểm soát tình trạng tăng cân sau Tết
Ăn uống lành mạnh
Hạn chế các món nhiều đường, thực phẩm nhiều mỡ, tinh bột cũng như hạn chế uống nhiều bia rượu và các chất có cồn vì hàm lượng calorie trong các thức ăn này tương đối cao. Tập trung vào ăn rau củ, trái cây tươi và nước lọc vì đây là nhóm thực phẩm tương đối ít năng lượng, giàu vitamin và khoáng chất. Ăn nhiều protein hơn thay cho tinh bột bởi protein giúp no lâu hơn so với ăn carbohydrate hay thực phẩm nhiều chất béo.
Tăng cường vận động
Vào ngày Tết mọi người thường có tư tưởng ăn uống và ngủ nghỉ thả phanh. Thế nhưng bạn sẽ cần chăm chỉ luyện tập hơn để khắc phục tình trạng tăng cân sau Tết đấy. Nếu quá bận rộn vì bộn bề công việc, bạn chỉ cần dành ra 15 phút để đi bộ hoặc chơi một môn thể thao yêu thích. Điều này sẽ giúp cơ thể trở nên linh hoạt, dẻo dai và giảm cân an toàn. Lưu ý: Không nên tập luyện quá sức vì nó có thể gây tổn thương các khớp.
Có tư thế đúng
Duy trì tư thế đúng là “chìa khóa” ngăn ngừa các vấn đề về xương khớp đặc biệt với những người béo phì. Đứng sai tư thế sẽ khiến các khớp xương của bạn gặp phải những áp lực không cần thiết. Do đó, bạn nên thường xuyên thay đổi các tư thế khi ngồi làm việc, sinh hoạt. Tránh nằm lâu, ngồi lâu hay đứng lâu một chỗ vì như thế sẽ làm ứ trệ tuần hoàn và gây cứng khớp.
Tết là khoảng thời gian nghỉ ngơi nhưng chúng ta thường xao nhãng với vấn đề sức khỏe. Khắc phục tình trạng tăng cân sau Tết rất quan trọng, giúp hạn chế áp lực lên khung xương khớp, giúp bộ xương thêm chắc khỏe.
Theo BỆNH VIỆN ĐA KHOA HÀ NỘI