Tự kỷ là một chứng bệnh rối loạn phát triển của hệ thần kinh. Tỉ lệ mắc bệnh ở trẻ em sẽ là 1/100.000 và thường hay gặp ở bé trai nhiều hơn. Bệnh sẽ bộc lộ trong những tháng cuối của năm đầu tiên và có biểu hiện rõ rệt hơn ở năm thứ 2 – 3.
Trẻ tự kỷ sẽ bị thiếu hoặc chậm phát triển về khả năng giao tiếp, nhất là trên phương diện ngôn ngữ và thậm chí tự gây tổn thương cho chính mình vì các hành động mất kiểm soát gây ra.
Biểu hiện trẻ tự kỷ
Trẻ mắc bệnh tự kỷ thường có khuynh tránh giao tiếp bằng mắt với người đối diện và ít bộc lộ sự chú ý đến giọng nói, sự việc người khác đang chỉ tay vào mà chỉ biểu hiện cảm xúc thờ ơ. Đó là những dấu hiệu cha mẹ có thể phát hiện từ khi con còn là trẻ sơ sinh.
Khi trẻ lớn hơn, cha mẹ sẽ nhận thấy được nhiều sự khác biệt xã hội của trẻ tự kỷ như:
Không dùng lời nói để nói ra nhu cầu của bản thân.
Không phản ứng lại nụ cười của cha mẹ.
Không xuất hiện các biểu cảm trên khuôn mặt một cách thường xuyên.
Không quan tâm đến việc giao tiếp, kết bạn và tránh ánh mắt của người đối diện.
Không phản ứng với các âm thanh khác như được gọi tên, còi xe, tiếng kêu động vật…
Không nói những từ đơn khi đã được 16 tháng tuổi.
Thuộc các con số, chữ cái, bài hát một cách dễ dàng.
Lặp lại chính xác những gì người khác đã nói nhưng không thể hiểu được nội dung.
Gặp khó khăn khi thực hiện những bài tập thể dục và trong các trò chơi.
Có những trẻ gần như không thấy đau khi bị ngã, bị trầy xước hoặc gãy xương, ngược lại có những trẻ lại tỏ ra rất nhạy cảm với cơn đau.
Trẻ có xu hướng chống đối sự thay đổi, ví dụ chỉ ăn một số món nhất định.
Tất cả những phản ứng này của trẻ sẽ được thay đổi theo thời gian tùy thuộc vào sự chăm sóc và dạy dỗ từ người lớn.
Chăm sóc trẻ tự kỷ
Vì trẻ tự kỷ có xu hướng không thích sự thay đổi những gì đã quen thuộc, khi bị yêu cầu thực hiện một hành động khác với trước đây trẻ sẽ trở nên giận dữ, hét, bứt tóc, đập đầu vào tường… Vậy nên chăm sóc trẻ tự kỷ đòi hỏi trước hết phải có phương pháp và sự kiên nhẫn.
Tại nhà, cha mẹ có thể hướng dẫn trẻ thực hiện những việc đơn giản như mặc quần áo, tự ăn, tự vệ sinh cá nhân, tự thắt dây giày… Những việc làm tuy nhỏ nhặt, đơn giản nhưng sẽ hạn chế được tối đa thời gian rảnh, tăng sự vận động cho não của trẻ. Tuy nhiên, cha mẹ cần lưu ý không bắt trẻ lặp lại một hành động quá nhiều lần trong ngày sẽ khiến trẻ trở nên giận dữ, cáu kỉnh.
Hướng dẫn trẻ thực hiện các trò chơi đơn giản như vẽ tranh, nặn đất sét…sẽ giúp trẻ từng bước làm chủ được các vận động của mình. Luôn tuyên dương những kết quả con đã đạt được.
Trẻ tự kỷ có xu hướng không thích nơi đông người, ưa sự yên tĩnh. Nếu con chưa sẵn sàng thì cha mẹ không nên dắt con đến nơi đông đúc, trẻ sẽ dễ hoảng loạn.
Ngoài các hoạt động điều chỉnh hành vi tại nhà cho con, cha mẹ cũng có thể cho con đến các trường giáo dục chuyên biệt. Với sự giúp đỡ từ phía các thầy cô có chuyên môn cùng tình yêu thương của cha mẹ sẽ giúp trẻ có thể hòa nhập với cộng đồng.