Nhiều cha mẹ lo sợ khi con nói được ít từ hơn so với trẻ cùng tháng tuổi và nghi ngờ bé tự kỷ. Tuy nhiên, phụ huynh không nên quá lo lắng và đánh đồng những biểu hiện, hành vi của chậm nói đơn thuần và chậm nói do tự kỷ.
Những mốc phát triển về ngôn ngữ bé cần đạt được
- 0-3 tháng: Âm thanh ban đầu mẹ nghe được chỉ là tiếng khóc, dần dần sẽ là âm thanh thực sự phát ra từ cổ họng. Trẻ 3 tháng biết cười, phản xạ khi người xung quanh nói chuyện.
- 3-6 tháng: Bé biết nói các âm "ba", "ma" hoặc phát ra những âm thanh khác nhau khi diễn tả những cảm giác khác nhau.
- 6-9 tháng: Bé biết lặp từ "baba", "mama", "tata"..., la hét để tạo sự chú ý, cười và ê a khi nhận ra người quen.
- 9-12 tháng: Âm thanh kéo dài hơn đi kèm với biểu hiện của khuôn mặt.
- 12-15 tháng: Âm thanh rõ ràng kết hợp với cử chỉ
- 15-18 tháng: Bé tập hát được những bài hát quen thuộc
- 18 tháng -2 tuổi: trẻ 2 tuổi có thể biết được từ 20 đến 25 từ và hiểu được những gì mình nói.
- 2-3 tuổi: Bé có thể trò chuyện luân phiên trong câu chuyện với mẹ với cụm 2-3 từ.
Chuyên gia liệu pháp chậm nói tại London (Anh) Sunita Shah, chia sẻ: "Đa số trẻ sẽ nói hoặc bắt chước được ít nhất 6 từ trước 18 tháng tuổi. Thậm chí, bạn có thể tính là 2 từ nếu trẻ nói "mẹ" và "má" dù chúng cùng nghĩa.
Tuy nhiên, nếu trẻ không làm được điều này, cha mẹ đừng vội kết luận con mắc bệnh tự kỷ, chúng ta có thể đánh giá thêm hành vi cử chỉ:
- Trẻ có biểu hiện, cử chỉ nào khi giao tiếp với bạn không? Ví dụ, quơ tay, cảm giác hiểu ý bạn, chỉ tay hoặc biết cười, ánh mắt hướng theo khi nghe bạn nói chuyện hoặc pha trò.
- Trẻ có muốn tham gia vào hoạt động vui chơi cùng bạn?
Nếu trẻ không đạt được số từ nói nhưng có 1 trong 2 đánh giá hành vi trên cha mẹ không nên lo lắng. Trẻ đang trong giai đoạn học hỏi và bạn nên tiếp tục hướng dẫn bé thêm.
Phương pháp giúp trẻ học nói tốt hơn
Cha mẹ có thể dạy bé 2 từ ghép lại, phát âm rõ ràng đi kèm với hành động để bé dễ nắm và bắt chước. Ví dụ, khi mặc áo cho trẻ, bạn hỏi: "Áo con đâu?" Trẻ có thể chỉ tay vào áo. Bạn cầm lên và nói "chiếc áo", lặp lại nhiều lần trong ngày. Con sẽ học được từ "chiếc áo", sau đó tự nhiên trẻ sẽ học nhanh hơn các động từ liên quan như "mặc áo", "cởi áo", "không mặc".
Ngoài ra, cha mẹ nên tận dụng thời gian đọc sách cho trẻ để hỏi và lặp lại những danh từ. Ví dụ, bạn hỏi: "Con ếch đâu con?" Trẻ sẽ chỉ con ếch. Bạn tiếp tục: "Nó màu gì?". Đợi trẻ trả lời vài giây, dù con không nói, bạn nói to: "Màu xanh, con ếch màu xanh". Tiếp tục với việc đọc sách là cách nói và lặp lại những danh từ.
Trẻ dưới 3 tuổi, giới thiệu 5 danh từ trong một lần đọc là tối ưu cho sự nhớ và học. Trẻ từ 3-5 tuổi, số danh từ có thể 10-15.
Hãy cùng trẻ tham gia trò chơi có nỗ lực như xếp hình. Mỗi lần trẻ thực hiện xong một bước, bạn đập tay và nói "Yeah!" cùng con. Sau vài lần, trẻ sẽ hiểu kiểu giao tiếp này là một phần của trò chơi. Sau khi đập tay, bạn yêu cầu trẻ chơi tiếp và hỏi: "Con đi tiếp nhé?", khuyến khích trẻ nói "dạ" thay vì gật đầu.
Đến lượt mình, bạn vừa chỉ ngón tay và nói: "Đến lượt mẹ nhé?". Bé sẽ tự biết dùng từ "dạ" như cách giao tiếp. Sau đó, khi trẻ quen, bạn bắt đầu dùng "đến lượt con" và ngón tay chỉ vào trẻ, một lần nữa trẻ sẽ "dạ". Cứ lặp lại, con sẽ hiểu và nói "đến lượt con" khi bạn chỉ ngón tay vào trẻ.