Bệnh tự kỷ là gì?
Tự kỷ là hội chứng rối loạn phát triển lan tỏa xuất hiện sớm ở trẻ em. Đặc trưng của tự kỷ là sự khiếm khuyết trên các phương diện: Giảm tương tác xã hội, giảm giao tiếp và hành vi bất thường. Theo đó, hội chứng tự kỷ được phân thành 4 loại:
- Tự kỷ điển hình: Xuất hiện ở trẻ em dưới 3 tuổi trên cả 3 phương diện nói trên.
- Tự kỷ không điển hình: Xuất hiện ở trẻ sau 3 tuổi ở một trong 3 phương diện.
- Tự kỷ chức năng cao: Trẻ có biểu hiện biết chữ số sớm, trí nhớ máy móc tốt nhưng khả năng giao tiếp và tương tác xã hội kém.
- Hội chứng phân rã ở trẻ em: Xuất hiện trước 4 tuổi, sau đó có nhiều biểu hiện tự kỷ mức độ nặng.
Những dấu hiệu nhận biết bệnh tự kỷ sớm ở trẻ em
Hội chứng tự kỷ ở trẻ em có nhiều dấu hiệu nhận dạng tùy thuộc vào mức độ nặng nhẹ trẻ mắc phải. Thông thường, trẻ bị tự kỷ sẽ có các dấu hiệu biểu hiện trên 3 phương diện: Giao tiếp, tương tác xã hội và hành vi bất thường.
Giao tiếp ở trẻ giảm
Nếu bé nhà bạn có biểu hiện chậm nói, hay nhại lời, thường phát âm một cách vô nghĩa, không biết cách duy trì cuộc hội thoại, giọng nói khác thường, không biết chơi giả vờ… thì khả năng cao con có dấu hiệu tự kỷ.
Chia sẻ với Phụ nữ & Gia đình, cô Nguyễn Thị Thùy – Hiệu trưởng Trường Giáo dục chuyên biệt Khai Trí (TP.HCM) cho biết: “Khác với những bé mặc hội chứng Down có khuôn mặt giống nhau, các bé tự kỷ có khuôn mặt rất đáng yêu, nhiều em không có gì khác so với những đứa trẻ phát triển bình thường khác. Tuy nhiên, dấu hiệu cha mẹ đặc biệt quan tâm là trẻ chậm nói.
Thông thường, trẻ từ 13 tháng đã bắt đầu bập bẹ tập nói. Nhưng đối với trẻ tự kỷ, các em thường có biểu hiện chậm nói. Có trẻ 24 tháng, thậm chí là 3 – 5 tuổi vẫn chưa biết nói”.
Tương tác xã hội không cao
Theo tài liệu “Sổ tay Tự kỷ của bác sĩ” được Sở Giáo dục TP.HCM phát hành, trẻ có nguy cơ tự kỷ có dấu hiệu kém trong các vấn đề xã hội như: Không quan tâm các trẻ khác đang chơi gì, trẻ có vẻ hằn học với anh chị em, gào khóc một mình thay vì gọi mẹ hoặc không để ý cha mẹ đi xa hay trở về nhà….
Dấu hiệu hành vi bất thường
Trẻ có nguy cơ tự kỷ sẽ có những hành vi rập khuôn lặp đi lặp lại như: Lắc lư người liên tục, đập đầu, ôm khư khư một món đồ chơi, liên tục chuyền đồ chơi từ tay này sang tay khác… Thậm chí trẻ có thể ăn những đồ vật bất thường như quần áo, nệm hay màn cửa, thích búng ngón tay trước mắt, thích chui vào gầm giường, gầm tủ, thích tìm những động tác mạnh trên cơ thể hoặc bôi trét phân….
Khi phát hiện con có một số biểu hiện khác thường thuộc 3 phương diện trên, cha mẹ cần đưa con đi khám và làm các phương pháp kiểm tra để sớm can thiệp, hạn chế chứng tự kỷ phát triển nặng hơn ở trẻ.